Y tế - Văn hóaThư giãn

Loạn quảng cáo phản cảm

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm rồi, trên đường Đào Duy Từ, quận 10 TPHCM, đoạn gần Trường Đại học Kinh tế bỗng nhộn nhịp hẳn với sự xuất hiện của gần chục chiếc Attila sơn màu vàng rực. Trên thân xe in dòng quảng cáo cho một phòng khám nha khoa. Cầm tài mỗi xe là một cô gái khá xinh, dáng như người mẫu, trang phục bộ thun trắng, bó sát người, quần sọt ngắn cũn cỡn… Đây là một trong những kiểu quảng cáo mang tính đường phố, đã và đang nở rộ tại TPHCM.
Đặc biệt, chiêu trò tận dụng tối đa lợi thế khoe hình thể như người mẫu để thu hút sự quan tâm của người đi đường, ít nhiều có hiệu quả, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông.
Kinh tế phát triển, nhu cầu quảng cáo xuất hiện và ngày càng đòi hỏi cao tính lôi cuốn, ấn tượng, hấp dẫn. Chính vì thế các kiểu cách quảng cáo mang tính gây sốc và phản cảm xuất hiện, làm mưa làm gió trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng và ngoài xã hội. Vì vậy, chưa bao giờ lĩnh vực quảng cáo lại bị công chúng tỏ ý bất bình, chỉ trích nhiều như hiện nay.
Thị trường quảng cáo đang tồn tại những hình ảnh, câu nói quảng cáo mang tính lập lờ, gợi dục, phản cảm, không phù hợp với văn hóa Việt. Cách đây không lâu, công chúng bị sốc khi tính gợi dục xuất hiện đầy rẫy trong clip quay cảnh chụp bộ lịch quảng cáo của một sản phẩm nước uống tăng lực. Các hình ảnh trong clip bị chỉ trích, phê phán kịch liệt.
Cộng đồng mạng nhận định: “Động tác và sự biểu cảm của người mẫu khiến khán giả có cảm giác như đang xem phim khiêu dâm”. Gần đây, một clip quảng cáo bánh ngọt tiếp tục bị khán giả công kích dữ dội vì nội dung, hình ảnh k
há mất vệ sinh và phản cảm. Trong một trường hợp khác, đông đảo khán giả bất bình, báo chí tốn nhiều giấy mực với câu nói không lễ phép trong mẩu quảng cáo tóc của hoa hậu M.P.T.; người hâm mộ bóng đá cũng từng phát cuồng với quảng cáo “Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam” có nội dung rất vô duyên trên kênh truyền hình Việt Nam…
Trên nhiều đường phố, các poster quảng cáo album, CD ca nhạc, sô diễn của các ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ, luân phiên nhau dán kín các thùng điện thoại, cột điện; tên nam ca sĩ vô danh H.Q.Hùng được vẽ đầy trên các bức tường, dưới chân cầu vượt, trên lô cốt và cả trên ống cống. Đó là cách thức quảng cáo kém văn hóa, tạo nên hình ảnh nhếch nhác về văn minh đô thị…
Không phải cứ quảng cáo gây sốc nào cũng sẽ tạo được ấn tượng tốt với công chúng, với khán giả, khiến thương hiệu, sản phẩm sẽ được ủng hộ. Người có nhu cầu quảng cáo và người thực hiện quảng cáo nên hiểu, yếu tố thương mại nhất thiết phải phù hợp với văn hóa và môi trường xã hội, nếu không, sự quay lưng của công chúng với những sản phẩm của họ sẽ là điều tất yếu.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử phạt nghiêm đối với những kiểu cách quảng cáo nhếch nhác, phản cảm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.
Theo SGGP

 

Bình luận (0)