Không hiểu hết tác dụng và cả tác hại của miếng cao dán (còn gọi là miếng dán say tàu xe), một số cha mẹ đã làm cho con mình lâm vào trạng thái loạn thần, mệt mỏi do sử dụng miếng dán say tàu xe bừa bãi, không đúng quy định.
Cần tránh lạm dụng cao dán say tàu xe cho trẻ em |
Lạm dụng miếng dán say tàu xe
Trong một chuyến đưa cháu gái về nghỉ hè ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), bà Thủy ngụ ở đường Võ Văn Ngân, Q.Thủ Đức, TP.HCM đã cẩn thận gắn 1 miếng cao dán vào phía sau tai trái đứa bé 9 tuổi: “Mấy lần đứa cháu về quê ngoại lúc nào nó cũng bị say xe nên lần này nghe lời khuyên của người chị họ tôi mua miếng dán say tàu xe cho cháu”. Theo lời kể của bà Thủy, khi thấy bà dán miếng dán chống say tàu xe nhãn hiệu A. T loại 25.000 đồng/ hộp nhỏ (2 miếng) thì được mấy người ngồi chung ghế khuyên nhủ nên bà đành cất đi. Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng có thể có triệu chứng mệt mỏi, khó chịu nếu dán miếng dán tránh say tàu xe không đúng cách. Tác dụng phụ của nó còn làm cho cơ thể con người khó chịu sau hai ba ngày và có thể kéo dài nếu không đi khám ở BV.
Nhiều năm qua, khoa cấp cứu tại BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 TP.HCM đã tiếp nhận hàng trăm ca trẻ bị loạn thần do dị ứng với miếng dán say tàu xe. Gần đây nhất là trường hợp một bệnh nhi 10 tuổi ở Q.12, TP.HCM có triệu chứng bò loanh quanh, đứng ngồi không yên và đôi khi la hét bất bình thường. Qua lời kể của người mẹ, nguyên nhân là do tác động của miếng dán say tàu xe phía sau tai do người bố dán lúc đưa cháu đi chơi. Sau 2 ngày điều trị sức khỏe của bé mới được hồi phục. BS Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm thần kinh (BV Nhi Đồng 1) cho biết, BV đã tiếp nhận nhiều ca tương tự như vậy nhất là vào mùa hè nhiều người đi du lịch mà phụ huynh lại lần tưởng con mình bị viêm não.
Miếng cao dán say tàu xe có hình chữ nhật hay hình tròn thường được dán sau tai để chống say tàu xe. Khác với các loại miếng dán khác chỉ có tác dụng xung quanh phạm vi hẹp của miếng dán, loại cao dán này có tác dụng rộng lên toàn thân. Theo BS Khanh, dược chất miếng cao dán thấm mạnh qua da xuyên vào máu để phát huy tác dụng. Đó là chất scopholamin 1,5 mg thấm dần vào máu với một lượng vừa đủ có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích để hóa giải buồn nôn và nôn ói do ngồi trên tàu xe khi di chuyển trong thời gian 72 tiếng đồng hồ. Chứng say tàu xe như tình trạng buồn nôn, chóng mặt, đau đầu do say tàu hỏa, máy bay, xe đò, tàu biển sẽ được miếng dán ngăn chặn.
Tác dụng phụ nguy hiểm
BS Khanh cho biết, miếng cao dán có ưu điểm là tiện sử dụng, không có biến đổi hấp thu và có tác dụng cung cấp dược chất một cách liên tục. Khi dùng miếng dán có thể thay thế cho các loại thuốc uống nên rất tiện lợi. Tiện lợi hơn là nếu thấy không cần thiết dùng chỉ cần bóc miếng cao ra khỏi da là được. Tuy nhiên, cũng theo BS Khanh, miếng cao dán có nhiều tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe mà nhiều người chưa để ý tới. Đó là do mang tính chất như dược phẩm nên miếng cao dán có tác phụ giống như các loại thuốc uống hoặc thuốc tiêm. Chất scopholamin trong miếng dán có tác dụng phụ tác động lên hệ thần kinh gây liệt đối giao cảm làm cho người bệnh dễ bị nhức đầu, khô miệng, táo bón và sau đó rơi vào trạng thái lơ mơ khó kiểm soát bản thân. Nhiều người có triệu chứng ói mửa và hoa mắt do rối loạn điều tiết thị giác. Nhất là đối với trẻ con thì những tác dụng phụ này dễ làm cho bé khó kiểm soát được hành vi của chính mình. Thấy có tác dụng cho người lớn, cha mẹ lại lạm dụng dán cho trẻ em mà không biết có những tác dụng phụ nguy hiểm vì con còn nhỏ.
Theo lời khuyên của BS Khanh, miếng dán say tàu xe chỉ nên dùng cho người lớn hạn chế dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Nếu “bất đắc dĩ” thì cũng chỉ dùng phân nửa miếng dán cho trẻ em từ 8 tuổi trở lên. |
Theo BS Trần Công Duy Long – BV ĐH Y Dược TP.HCM, không nên dán miếng cao ở vùng da bị trầy xước hay bị kích thích vì sẽ làm tăng sự thẩm thấu mà dán vào vùng da khô sau tai trước khi lên xe 5 đến 6 tiếng đồng hồ. Cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng như chú ý thời điểm dán, thời gian dán trong bao lâu, vị trí dán và khoảng thời gian giữa hai lần dán. Có như vậy mới tránh được tác dụng phụ miếng cao dán. Không nên sử dụng quá liều 2, 3 miếng dán một lúc hoặc vừa dán vừa uống thuốc chống nôn vì dễ sinh ra những phản ứng ngược có tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe con người. Mặt khác, theo lời khuyên của BS Khanh, miếng dán say tàu xe chỉ nên dùng cho người lớn hạn chế dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Nếu “bất đắc dĩ” thì cũng chỉ dùng phân nửa miếng dán cho trẻ em từ 8 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, phải theo dõi tình trạng sức khỏe sau khi dùng miếng dán. Nếu có triệu chứng bất thường như mờ mắt, nhức đầu, khó chịu thì phải bóc ngay miếng dán ra khỏi da. Sau khi gỡ miếng dán phải rửa tay thật sạch để tránh thuốc dính vào đồ ăn thức uống vì rất nguy hiểm. “Không vứt miếng dán bừa bãi sau khi dùng mà nên bỏ vào thùng rác có đậy nắp kín vì lượng thuốc dư thừa có thể gây hại cho bé. Phải đến cơ sở y tế gần nhất nếu thấy tình hình nghiêm trọng hơn dù đã gỡ miếng dán sau tai”, BS Khanh khuyên nhủ.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)