Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Loạn thi hoa hậu

Tạp Chí Giáo Dục

Việc đang có quá nhiều các cuộc thi nhan sắc là điều đã được dự đoán trước. Nhưng nhiều đến mức các cuộc thi hoa hậu lần lượt xếp hàng nối đuôi nhau diễn ra lại là thực tế không thể ngờ.

Top 38 thí sinh Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 trong buổi họp báo giới thiệu vòng chung kết

Top 38 thí sinh Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 trong buổi họp báo giới thiệu vòng chung kết

Thí sinh chạy show

Trong sáu tháng đầu năm đã có hơn chục cuộc thi người đẹp. Riêng tháng Bảy, có đến ba đêm chung kết Hoa hậu các dân tộc Việt Nam (16/7), Hoa hậu Áo dài Việt Nam (30/7) và Hoa hậu Thể thao Việt Nam (31/7). Từ tháng Tám đến cuối năm, một loạt cuộc thi khác được tổ chức như: Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Hoa hậu Việt Nam… 

Các thí sinh tất bật chạy show thi thố. H’Cúc Êban vừa đăng quang Hoa hậu Sinh thái Việt Nam 2022 hồi đầu năm, tiếp tục là thí sinh của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam vừa mới kết thúc. Sau hai tháng đăng quang Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng, Trần Nguyên Minh Thư đăng ký thi Miss Grand VietNam. Ngay sau Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2022, Đàng Vương Huyền Trân tiếp tục có mặt ở Hoa hậu các dân tộc Việt Nam. Hoàng Thị Hải Yến vừa đăng quang á hậu 2 Hoa hậu Tuổi teen Quốc tế Việt Nam đã chạy show qua Hoa hậu Môi trường Việt Nam… Một vài thí sinh trong top 10 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 cũng có ý định dự thi tiếp. Bà Phạm Kim Dung – Trưởng ban tổ chức (BTC) Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 – nói: “Nhiều thí sinh có tố chất nhưng chưa may mắn. Chúng tôi mong họ tiếp tục tìm kiếm cơ hội cho mình”. 

Một số thí sinh top 30 Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022

Một số thí sinh top 30 Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022

Các cuộc thi được dư luận quan tâm nhiều như: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam… là những thương hiệu lâu năm, hoặc được đơn vị có thâm niên tổ chức nên hoành tráng, chất lượng. Người đăng quang được đi thi các cuộc thi quốc tế lớn. Phần lớn cuộc thi còn lại được tổ chức lần đầu, quy mô không đồng đều. Một số cuộc thi có ít thí sinh tham dự. Chẳng hạn, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, đến cuối tháng Bảy diễn ra chung kết nhưng đầu tháng Bảy chỉ mới 25 thí sinh đăng ký, với biên độ tuổi 18 – 45, nhận cả thí sinh đã lập gia đình.

Một cuộc thi diễn ra cách đây gần hai tháng dẫu công bố tổ chức tuyển sinh từ hàng trăm thí sinh, nhưng thực tế con số này chưa đầy 100. Thậm chí có cuộc thi dành cho doanh nhân, quý bà, BTC thu tiền thi đầu vào cho đủ số lượng cần thiết rồi tổ chức vòng chung kết, không qua vòng sơ tuyển.

Bà Phạm Kim Dung cho biết trong tương lai sẽ cân nhắc việc mở trung tâm đào tạo hoa hậu, người đẹp để giúp các cô gái hoàn thiện kỹ năng trước khi đi thi trong nước, quốc tế. Năm 2018, Công ty Elite Vietnam hợp tác với các trung tâm chuyên nghiệp về đào tạo hoa hậu của Philippines và Venezuela để mở trung tâm đào tạo hoa hậu chuyên nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau bốn năm, mô hình này vẫn chưa phát triển.

Cần hạn chế những mặt trái 

Nghị định 144/2020/NĐ-CP về nghệ thuật biểu diễn “cởi trói” cho các đơn vị tổ chức. Thẩm quyền cấp phép được giao về cho địa phương, và cũng không còn giới hạn hai cuộc thi cấp quốc gia/năm như trước đây. Đó là một bước tiến lớn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc chỉ trong thời gian ngắn, các cuộc thi mọc lên như nấm ít nhiều gây phản ứng tiêu cực. Các cuộc thi đều gắn với một tôn chỉ, mục tiêu nào đó, chẳng hạn quảng bá du lịch, thúc đẩy nhận thức về môi trường… nhưng rất ít hoạt động thực tiễn có ảnh hưởng sâu rộng được triển khai sau đó. 

Một số vấn đề đã nảy sinh trong thực tế. Ông Lê Xuân Sơn – Trưởng BTC Hoa hậu Việt Nam – phân tích: “Khi để địa phương cấp phép, thì liệu còn những cuộc thi có quy chế là cuộc thi cấp quốc gia hay không. Tôi nghĩ đây là một bước lùi nếu xem các cuộc thi hoa hậu có ích cho đời sống văn hóa. Một điều nữa rất phiền hà, chẳng hạn Hoa hậu Việt Nam tổ chức các vòng thi, dự án nhân ái ở nhiều địa phương, nên bây giờ phải xin đến hơn chục giấy phép. Đây là việc cần xem xét”.

BTC Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 bị tố mua bán giải

BTC Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 bị tố mua bán giải

Việc giao quyền cho địa phương cấp phép cũng dẫn đến sự việc hy hữu: Công ty Minh Khang và Công ty Sen Vàng cùng được cấp phép tổ chức Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, chỉ khác tên tiếng Anh. Hai bên đấu tố liên tục để sở hữu tên gọi này, tạo ra hình ảnh rất xấu trong mắt công chúng về các cuộc thi hoa hậu. Dù sự việc vẫn chưa có hồi kết, nhưng cả hai bên đều rục rịch tuyển sinh.

Giữa tháng Sáu, chị Đặng Thị Hương (35 tuổi, Bà Rịa – Vũng Tàu) tố cáo cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 mua bán giải. Bằng chứng là chính chị phải chi 800 triệu đồng cho ngôi vị á hậu 3. Vụ việc đã được chuyển cho Công an TP.Đà Nẵng. Sở Văn hóa và Thể thao TP.Đà Nẵng đã xử phạt đơn vị tổ chức 20 triệu đồng vì hành vi trao thêm giải không có trong đề án được cấp phép, thay đổi thành phần ban giám khảo, ban tổ chức nhưng không thông báo cơ quan chức năng.

NSND Nguyễn Quang Vinh – nguyên Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – nói: “Khi để các cuộc thi tự vận hành theo quy định của pháp luật hiện hành, thì cuộc thi nào có chất lượng sẽ tồn tại, ngược lại sẽ tự khắc chết. Việc cần làm là cố gắng hạn chế những mặt trái”. 

Theo Trung Sơn/PNO

 

Bình luận (0)