Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Loạn thu đầu năm: “Căn bệnh” kinh niên nhờn thuốc

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, cứ sau đợt khai giảng, Bộ GD&ĐT lại có công văn yêu cầu các địa phương chấn chỉnh lạm thu, hứa hẹn sẽ "cương quyết xử lý” những trường hợp tự ý đặt ra các khoản thu trái quy định. Tuy nhiên, sự cương quyết ấy dường như còn quá xa vời để chạm tới khái niệm "chấn chỉnh”. Trên thực tế, phụ huynh vẫn phải gồng mình gánh chịu hàng chục khoản thu vô lý; còn cấp quản lý thì không hề hay biết (?)
21 khoản thu khó hiểu tại trường
 Tiểu học Ngọc Trạo (Bỉm Sơn-Thanh Hoá)
Kẽ hở "Tự nguyện”, "Xã hội hoá”
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, khi nhà trường thực hiện mọi khoản thu ngoài học phí (phần lớn nhà trường sẽ đưa vào danh mục tự nguyện hoặc xã hội hoá) đều phải được đưa ra bàn thảo, xin ý kiến thống nhất của phụ huynh học sinh. Tại công văn do Bộ GD&ĐT gửi UBND các tỉnh thành đầu năm học 2011 – 2012 đề nghị chấn chỉnh lạm thu, nêu rõ: "các cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh HS, phụ huynh tự lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức thực hiện thích hợp. Việc thu học phí và lệ phí tuyển sinh phải căn cứ vào các quy định đã được ban hành”.
Thực tế, đối với các trường công lập, ngân sách chi dành cho các hoạt giáo dục vẫn còn hạn chế; trường ngoài công lập phải tự hạch toán thu chi. Điều đó dẫn đến nhiều nơi đã tận dụng ngay kẽ hở được gọi là các khoản thu "tự nguyện”, "xã hội hoá” để lạm thu; lấy nguồn thu phí từ phụ huynh học sinh là nguồn kinh phí dồi dào cho mọi hoạt động nhà trường.
Những khoản thu xã hội hoá luôn được xem là "đúng quy định” với mức đóng từ 200 – 300 ngàn đồng đến gần 1 triệu đồng tuỳ từng vùng miền. Khoản này, nhà trường không phải giải trình, bởi nó nghiễm nhiên mang tên… "xã hội hoá”.
Khoản thu khổng lồ thứ hai được hợp thức hoá mang tên "tự nguyện”. Đây là tổ hợp hàng loạt những danh mục "thượng vàng hạ cám” từ phí vệ sinh, quét rác, đến nước uống, nước rửa bồn cầu, giấy vệ sinh, tăm tre, điện sáng, phí gửi xe, phí mua hoa chào mừng khai giảng và ngày lễ, hỗ trợ hao mòn máy móc thiết bị… Tại những vùng đô thị có đời sống kinh tế cao hơn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, các danh mục được quy vào "xã hội hoá” đều được nhà trường biến tấu thành những khoản lạ đời hơn như hỗ trợ mua máy tính cho giáo viên, mua điều hoà, lò sưởi, mua máy chiếu phục vụ học bằng giáo án điện tử Powerpoint v.v… Những khoản tự nguyện này có phí đóng rất cao, nếu ở vùng đô thị sẽ lên tới vài triệu trên mỗi học sinh là bình thường.
Loạn thu khắp nơi
Năm nay, tình trạng lạm thu đã trở nên phổ biến và khá lộ liễu tại phần lớn các trường học tại bất cứ địa phương nào. Tại Hà Nội, đứng đầu phải kể đến các trường có gắn mác quốc tế với tổng hàng loạt khoản thu trị giá 80 – 100 triệu đồng/học sinh/năm. Những trường dân lập (phổ biến là Mầm non, Tiểu học, THCS) thì tổng các khoản đầu năm đóng một lượt của những trường có thương hiệu cũng đạt mức từ 10 – 18 triệu đồng. Chưa kể hàng tháng, mỗi học sinh phải đóng tới 3,5 – 4 triệu đồng cho mọi khoản thu. Điển hình, trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm có mức thu đạt tới 4,5 triệu đồng/tháng/học sinh (bao gồm cả tiền gửi xe); tổng khoản thu một lượng đầu năm đạt gần 17 triệu đồng. Mặc dù quy định đều không cho phép tận thu các khoản đóng góp một lượt (có thể đóng rải đều trong năm), nhưng hầu hết các trường đều bắt buộc phải nộp đủ từng kỳ hoặc cả năm, đây cũng là hình thức chiếm dụng vốn của phụ huynh một cách… hợp lý. Vậy, ngân sách nhà nước rót cho trường hằng năm được dùng vào mục đích gì, trong khi phần lớn các khoản "tự nguyện” đều được kê khai vào chi ngân sách?
Tại trường Tiểu học Ngọc Trạo (Bỉm Sơn – Thanh Hoá), khối lớp 5 phải đóng tổng thể tới 21 khoản thu. Trong đó khá vô lý là những khoản thuê nhân công quét trường, cắt cỏ, dọn 2 khu vệ sinh công cộng hằng ngày; hỗ trợ nước máy cho công trình vệ sinh mới; xã hội hoá giáo dục nhà trường – xã hội hoá giáo dục phường (dành để chi trả cho công trình vệ sinh mới xây!), tiền nước và thuê người… bê nước cho học sinh. Đặc biệt, nhà trường dạy tin học nhưng không có giáo viên lẫn phòng máy, phải thuê cả giáo viên lẫn phòng của Cty Rubi, bắt học sinh phải chi trả với mức 280.000 đồng/năm.
Không khó để giải thích vì sao việc lạm thu vô lý vẫn tồn tại một cách công khai. Một trong những "chiêu bài” mà nhà trường lách luật để hợp thức hoá là cơ cấu ngay từ đầu một Ban đại diện cha mẹ học sinh có chức năng như "phát ngôn viên chính thức” của các khoản tự nguyện nhà trường. Việc danh sách các khoản thu vẫn được đưa ra công khai trong cuộc họp phụ huynh; nhưng chỉ một số ít phụ huynh dám lên tiếng phản đối. Hay nói đúng hơn là phần lớn đều "nhịn cho lành” vì không muốn con mình sẽ rơi vào tầm ngắm vô hình nào đó. Để rồi, những gia đình nghèo phải chạy tất tả vay mượn lo cho con đủ tiền đến trường, choáng váng vì hàng loạt những khoản thu nặng nề, lạ lẫm. Còn các cấp quản lý ngành giáo dục và chính quyền địa phương thì vẫn điềm nhiên trả lời: "Chúng tôi chưa được báo cáo”.
Theo Hoàng Anh Thắng
(daidoanket)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)