Liệu có tin được với những trung tâm giới thiệu việc làm như thế! (Một trung tâm giới thiệu việc làm tại đường Tô Hiến Thành, Q.10) |
Việc các trung tâm giới thiệu việc làm “ma” chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã không còn mới đối với nhiều người. Thế nhưng, nắm bắt nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm của các sinh viên, hình thức hoạt động này vẫn còn tồn tại và hiện đang rất phổ biến với đủ các chiêu thức nhằm “đánh bẫy” người lao động.
Hợp đồng… bịp!
Bố mất sớm còn mẹ mở một sạp rau ngoài chợ, hoàn cảnh khó khăn nên ngay từ năm nhất đại học, bạn Lê Thành Giậu (quê ở Tây Ninh) – sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng mong muốn tìm kiếm một việc làm để có thể trang trải việc học, giúp đỡ cho gia đình. Giậu mừng rỡ khi vô tình đọc được một thông tin tuyển dụng nhân viên trực tổng đài cho các mạng điện thoại từ một tờ quảng cáo dán trên… cột điện.
Lần theo địa chỉ, Giậu tìm đến trụ sở công ty nằm trên đường Tô Hiến Thành, P.3, Q.10. “Công ty” thực chất là một “căn phòng” xập xệ chưa đến 20m2 nằm trong con hẻm nhỏ, phía trước có treo băng-rôn Trung tâm giới thiệu việc làm X., cơ sở vật chất là hai bộ bàn ghế và một tấm bảng ghi các thông tin tuyển dụng. Tại đây, Giậu cho biết có đến 6 – 7 sinh viên khác cũng đang chờ đến lượt phỏng vấn, những sinh viên này tìm đến trung tâm đều thông qua các tờ rơi nhận được trước cổng trường hoặc dán trên các trạm xe buýt. Tiếp Giậu là một cô gái ăn mặc lịch sự tự xưng là nhân viên của trung tâm. Cô gái hỏi: “Em muốn làm việc toàn hay bán thời gian?”, Giậu ngập ngừng: “Bán thời gian chị à! Vì em còn đi học”, “OK! Em sẽ làm một ngày 4 tiếng, linh động có thể đổi ca nếu ngày nào bận, nhưng em phải ký vào giấy này đã!”. Vừa nói cô gái vừa đưa Giậu bản hợp đồng lao động rồi quay sang tiếp chuyện những sinh viên khác. Bản hợp đồng lao động yêu cầu người xin việc trước tiên phải đóng 200 ngàn đồng tiền thế chân cộng với phí làm thẻ nhân viên, không cần đơn xin việc nhưng phải để lại chứng minh photo công chứng.
Trong lúc còn ngập ngừng trước số tiền phải đóng quá lớn đối với mình, Giậu được cô gái động viên: “Không sao đâu em, so với lương 2 triệu đồng/tháng thì có nhằm nhò gì. Vả lại, nếu thử việc một tháng thấy không hợp em có thể chuyển sang việc khác hoặc trung tâm sẽ hoàn trả lại tiền cọc cho em”. Không chần chừ nữa, Giậu móc túi đưa cho cô 200 ngàn đồng và ký ngay vào bản hợp đồng lao động với lời hẹn: “Mai khoảng giờ này đến sẽ có người dẫn em qua công ty nhận việc”. Điều đặc biệt, những sinh viên khác đều nhận được các câu hỏi, bản hợp đồng giống nhau. Tuy nhiên có sinh viên sau khi đến trung tâm, tìm trên tấm bảng tuyển dụng đã chọn cho mình công việc khác, nhưng hình thức thế chân, mức lương cao ngất ngưởng và được chuyển việc nếu thích… vẫn được áp dụng như nhau.
Đúng hẹn, Giậu đến và được một người đàn ông đưa qua Công ty B. (nơi thực sự tuyển dụng). Người đàn ông trước khi để Giậu lại với một phụ nữ khác đã yêu cầu Giậu viết lên bản hợp đồng và hóa đơn thu tiền của trung tâm dòng chữ “Tôi đã nhận việc ở Công ty B”. Tại đây, người phụ nữ cho biết Giậu phải đóng 30% lương tháng đầu để thế chân. Giậu thắc mắc vì khoản này đã đóng cho trung tâm môi giới thì được người phụ nữ phán: “Đó là việc của trung tâm!”. Không có đủ 600 ngàn đồng để đóng tiếp cho công ty, Giậu quay trở lại trung tâm thì cô gái nói: “Chị đã gửi tiền cọc qua bên ấy, còn khoản kia thì chị không biết!”.
Hụt hẫng, cảm giác mình bị lừa, Giậu rớm nước mắt xin trung tâm gửi trả lại 200 ngàn đồng đã đóng trước đó, nhưng cô gái cho hay chỉ gửi lại tiền sau khi Giậu kết thúc thời gian thử việc tại Công ty B. Còn nếu Giậu đồng ý thì có thể làm việc khác ngay tại trung tâm giới thiệu việc làm này và đóng tiếp 100 ngàn đồng để được nhận một danh sách khách hàng. Công việc của Giậu là trực điện thoại, liên lạc đến các khách hàng tìm hiểu nhu cầu thuê gia sư, người giúp việc… của họ. Trung tâm sẽ trả lương 1,2 triệu đồng/tháng với điều kiện Giậu phải ký định mức được 28 hợp đồng/tháng với khách hàng, tương đương mỗi ngày một cuộc gọi thành công.
Đưa chúng tôi xem tờ hóa đơn mà Giậu nhận được từ trung tâm thì thực chất đây chỉ là tờ hóa đơn xanh thường dùng liệt kê các mặt hàng buôn bán lẻ, còn bản hợp đồng chỉ là văn bản A4 được soạn thảo đầy những lỗi chính tả, không một con dấu đỏ vuông tròn…
Cạm bẫy bủa vây
Đối tượng mà các trung tâm “ma” nhắm đến hầu hết là các bạn sinh viên. Vì vậy, không chỉ riêng Giậu mà còn rất nhiều sinh viên khác đã, sẽ rơi vào “bẫy” tuyển dụng của các trung tâm này. Chỉ cần đưa ra những lời hứa hẹn về một công việc tốt, nhàn nhã, thu nhập cao, thủ tục đơn giản cũng đủ khiến cho các sinh viên cả tin, nhẹ dạ trở thành nạn nhân, chấp nhận đóng các loại phí đi làm như thế chân, làm thẻ, đồng phục… Các trung tâm “ma” này trung bình mỗi ngày tiếp khoảng 10 – 20 “con mồi” và có thể nghiễm nhiên bỏ vào túi từ 2 – 3 triệu đồng/ngày. Chỉ có các sinh viên là thiệt thòi, vừa không có việc vừa mất trắng những khoản tiền đã đóng.
Hình thức trục lợi của các trung tâm việc làm “ma” cũng rất dễ hiểu. Chúng móc nối với nhau để đùn đẩy người xin việc từ trung tâm này qua trung tâm khác hoặc mượn muôn ngàn lý do để sa thải người lao động. Cũng có khi chúng chỉ xuất hiện một thời gian rồi đóng cửa im ỉm, sau khi thu phí tuyển dụng và cho sinh viên một cái hẹn đã nhanh chóng sang tên, đổi chủ hoặc hóa thành những trung tâm khác để tiếp tục đánh lừa sinh viên. Ngoài ra, lợi dụng việc đăng tải miễn phí trên các trang web, chúng còn tinh vi hơn khi cho đăng và liên tục cập nhật các thông tin tuyển dụng mới, cùng với mánh lới gia hạn thêm thời gian tuyển dụng, chúng sẽ thu được nhiều lệ phí xét tuyển hơn từ những hồ sơ đến nộp. Khi “con mồi” đã không còn đủ khả năng hoặc cảm thấy mỏi mệt, nản chí để chạy theo từng cái bẫy thì chúng chuyển sang “giăng” những đối tượng khác cũng đang có nhu cầu cần việc làm.
Từ số điện thoại ghi trên một tờ rơi được phát ở ngã tư đường, chúng tôi tìm đến địa chỉ X., đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) theo sự chỉ dẫn của chị Uyên (chủ nhân số điện thoại). Trong khi trao đổi qua điện thoại, chị Uyên cho biết: “Chị là giám đốc công ty luôn chứ không phải trung tâm giới thiệu việc làm đâu”. Thế nhưng khi chúng tôi tìm đến, công ty tuyển dụng trên tờ rơi thực chất là trung tâm giới thiệu việc làm kết hợp với… quán cơm sinh viên, và chị Uyên là giám đốc trung tâm kiêm luôn chủ quán. Tiếp chúng tôi trong tiếng quạt máy vù vù và mùi thức ăn xông lên nồng nặc, câu đầu tiên chị Uyên nói: “Đi đâu cũng gặp trung tâm dịch vụ à, em ơi!”…
Các trung tâm “ma” dụ dỗ người tìm việc bằng cách phát tờ rơi, dán thông tin tuyển dụng hấp dẫn lên cột điện, trạm xe buýt nhưng không ghi địa chỉ cụ thể, hoặc quảng cáo trên báo chí và website mà bản thân các nơi đăng tải cũng không xác định được những trung tâm này là thật hay lừa đảo. |
Tuyết Dân
Bình luận (0)