Người xin việc cần cảnh giác trước những chiêu thức của trung tâm “ma” |
Chỉ cần thuê một địa điểm kinh doanh, vài bộ bàn ghế, 2 tấm bảng treo dành ghi các thông tin tuyển dụng đại loại “việc cần ngay, cần gấp, lương hấp dẫn, việc nhẹ nhàng…” và 1, 2 nhân viên tiếp khách kiêm thêm nhiệm vụ đọc chép các địa chỉ tuyển dụng đăng sẵn trên mạng, báo, tạp chí; các trung tâm giới thiệu việc làm “ma” đã có thể đánh lừa người xin việc. Còn những ai khi bước ra khỏi cánh cửa trung tâm coi như đã mất trắng các khoản tiền đặt cọc.
Gia sư… “rỏm”
Trong vai một người cần việc tôi tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm T.N, nằm trên đường Thăng Long, Q.Tân Bình. Đến trước tôi đã có 5 người xin việc khác và một nhóm nhỏ gồm 3 bạn đứng riêng biệt ngoài sân. Trong lúc đợi đến lượt mình phỏng vấn, tôi lân la tiếp chuyện với nhóm bạn này. Sau một hồi dè dặt, Thanh Hải – sinh viên năm 3 Trường Đại học Hồng Bàng cho biết các bạn đang chia nhau công việc phát tờ rơi và dán thông tin tuyển dụng cho Trung tâm T.N. Nhìn vào xấp giấy A4 Hải đang cầm có ghi tuyển gia sư, Hải nói mình sẽ đi dán thông tin tuyển dụng này trước cổng trường và các trạm xe buýt, 2 bạn còn lại có nhiệm vụ phát tờ rơi tuyển nhân viên lễ tân, bán hàng và trực điện thoại cho các mạng di động tại các ngã tư đường. Tôi hỏi làm sao Hải được nhận vào làm việc cho chính trung tâm, Hải cho biết: “Chị Phương, nhân viên trung tâm cũng là sinh viên Trường Hồng Bàng chơi thân với bọn mình, sẵn trung tâm cần người dán quảng cáo nên chị kêu đi làm, thu nhập 50 ngàn đồng/ngày”.
Vào gặp Phương, tôi nói mình mới tốt nghiệp đại học (không có nghiệp vụ sư phạm) đang muốn tìm một công việc gia sư thì Phương nói: “Đã qua đại học thì em có thể dạy được tất cả các khối lớp phổ thông”. Đưa cho tôi bản hợp đồng lao động (có sẵn chữ ký khá nguệch ngoạc của giám đốc nhưng không có con dấu doanh nghiệp – PV), Phương cho biết: “Ký vào bản hợp đồng này coi như em chính thức trở thành thành viên “đội ngũ giảng dạy” của trung tâm với mức phí 200 ngàn đồng, cộng thêm 30% thu nhập tháng đầu tiên là 250 ngàn đồng phí dịch vụ”. Trong lúc tôi đọc bản hợp đồng, Phương dặn thêm: “Để đảm bảo uy tín cho em cũng như của trung tâm, khi đến gặp phụ huynh nhận lớp em phải nói là mình tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP.HCM và có nhiều kinh nghiệm giảng dạy”.
Bằng chiêu thức này, không chỉ riêng sinh viên rơi đúng “bẫy” mà các bậc phụ huynh cũng trở thành nạn nhân cho những trung tâm “ma”. Rất nhiều bạn khi tìm đến đúng địa chỉ trung tâm cung cấp mới vỡ lẽ gia đình học sinh này không có nhu cầu thuê gia sư và cũng chưa từng nhờ đến sự giúp đỡ của trung tâm nào. Có khi chỉ một địa chỉ nhưng có đến 4, 5 sinh viên tìm đến từ sự giới thiệu của 4, 5 trung tâm khác nhau, như trường hợp của bạn Bích Tuyền – sinh viên Trường ĐH KHXH-NV, Tuyền tâm sự: “Mình đã đóng cho Trung tâm K. (khu Bắc Hải, Q.10) 400 ngàn đồng để làm gia sư cho một nhóc lớp 7, khi đến gia đình này mới biết bị lừa vì đã có một sinh viên khác đến nhận lớp ngay ngày hôm trước do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên giới thiệu, quay lại trung tâm đòi tiền cọc nhưng họ không chịu trả, thậm chí không ai thèm tiếp chuyện mình”. Còn anh Thành, chủ một cơ sở ráp đồ trên đường Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú cho hay: “Con tôi học lớp 5 và tôi cũng từng nhờ Trung tâm T. (Q.Tân Bình) giới thiệu gia sư, nhưng các sinh viên đến dạy hầu như không biết gì về nghiệp vụ sư phạm, chẳng những diễn đạt lúng túng vụng về mà còn không biết trả lời những câu hỏi rất đơn giản có trong sách. Hỏi ra thì em nào cũng nói mình tốt nghiệp sư phạm!”.
Có thực sự kết nối?
Anh Nguyễn Minh Thành – nhà ở hẻm 94 Trần Hưng Đạo, Q.Tân Phú, từng là nhân viên tiếp lao động của một cơ sở giới thiệu việc làm “ma” thuộc địa bàn P.6, Q.Tân Bình (đã bị công an phường phá bỏ) cho biết: “Địa bàn các trung tâm “ma” hoạt động thường nằm trong con hẻm nhỏ, nơi có thể “qua mắt” được cơ quan chức năng. Người xin việc khi đã tìm đến ít ai bỏ về dù thấy trung tâm có xập xệ đến mấy, quan trọng là nhân viên phải biết “miệng lưỡi”, biết thu hút và lôi kéo người lao động. Còn nếu bị phát hiện, trung tâm phải nhanh chân đóng cửa chuyển sang một địa bàn khác hoặc “xui” lắm sẽ bị tịch thu vài ba bộ bàn ghế, chịu nộp phạt từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng thì có bao nhiêu đâu”. Anh Thành cho hay, thực chất những thông tin tuyển dụng mà các trung tâm “ma” đưa ra cao lắm chỉ 30% là thật và đáp ứng cho khoảng 5% lao động, nghĩa là chỉ 5 trong số 100 người đóng phí nhờ trung tâm môi giới việc làm là có việc!
Hiện nay có rất nhiều tờ rơi quảng cáo dán trên cột điện, các trạm xe buýt ghi thông tin tuyển dụng nhân viên bán hàng cho Công ty N.L.V. Tuy làm cho một công ty, cùng công việc bán hàng nhưng mỗi tờ quảng cáo là một số điện thoại và mức lương khác nhau. Qua thực tế, khi tìm đến Công ty N.L.V nằm trên đường Đào Duy Anh, Q.Gò Vấp thì nơi đây chỉ là một mặt bằng nhỏ (không có tên công ty như ghi trên tờ rơi) kê 4, 5 bộ bàn ghế nhưng có đến 50 người xin việc đang đợi gặp chủ nhân số điện thoại đã liên lạc trước đó. Tiếp chúng tôi là 6 “nhà tuyển dụng” tuổi đời chừng 20 – 22 đang làm việc cho Công ty N.L.V, họ cho biết công ty đang cần khoảng 200 nhân viên bán mỹ phẩm. Để trở thành nhân viên và có hẳn một tài khoản tại ngân hàng do công ty mở để chuyển lương hàng tháng cũng như mua đồng phục, làm bảng tên và 5 cuốn cataloge để nắm rõ các mặt hàng mỹ phẩm của công ty, người xin việc phải đóng cho những “nhà tuyển dụng” này 300 ngàn đồng trước khi nhận việc. Thế nhưng khi chúng tôi cần biết trụ sở chính của công ty thì các “nhà tuyển dụng” ấp úng nói: “Đây chỉ là chi nhánh nhỏ còn cơ sở chính nằm tận quận 1!”.
Mỗi ngày, một trung tâm “ma” có thể thu lợi ít nhất 10 – 20 người đóng phí xin việc, số tiền này hầu như được chia chác cho nhau giữa “giám đốc” trung tâm cùng với các nhân viên tuyển dụng, vì thế những nhân viên này luôn tìm mọi cách giăng “bẫy” và ra sức để thu được càng nhiều tiền của người lao động càng tốt. Họ không màng đến sự thiệt hại của ai hoặc nếu rủi ro nhất, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, họ chấp nhận đóng một khoản phạt nhỏ nhưng lợi nhuận vẫn còn nhiều… |
Tuyết Dân
Bình luận (0)