Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Loạn trung tâm giới thiệu việc làm “ma”: Bài cuối: Cơ quan chức năng chưa thực sự vào cuộc!

Tạp Chí Giáo Dục

Một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Bắc Hải (Q.10)

Chỉ với một mặt bằng nhỏ có tấm bảng ghi chi chít các thông tin tuyển dụng và vài ba bộ bàn ghế, các trung tâm “ma” vẫn ngang nhiên tồn tại để lừa người lao động? Tại sao?
Không ai khiếu nại
Ngày 28-2-2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2005/NĐ-CP về quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm nhằm siết chặt quản lý các trung tâm. Theo nghị định này, hàng loạt các cơ sở giới thiệu việc làm không hội đủ điều kiện kinh doanh sẽ phải đóng cửa hoạt động. Thế nhưng, “đóng cửa im ỉm” hoặc chuyển sang một địa bàn khác để tiếp tục kinh doanh, giăng bẫy người lao động lại là chiêu thức đối phó của các trung tâm “ma” khi “đánh hơi” được động tĩnh của các cơ quan chức năng.
Hơn nữa, nhiều chủ hộ vẫn còn dễ dãi trong việc ký hợp đồng cho thuê mặt bằng mở văn phòng giới thiệu việc làm, họ không cần quan tâm đến việc hoạt động kinh doanh của đối tác có đầy đủ thủ tục pháp lý hay không. Thêm vào đó, việc các trung tâm hoạt động trái phép luôn ở trạng thái “cảnh giác cao” đối với các cơ quan chức năng càng làm cho những cơ quan này khó phát hiện sai phạm.
Trao đổi với chúng tôi vấn đề này, ông Võ Văn Tâm – Chánh văn phòng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM cho biết: “Sở đã phối hợp với ủy ban nhân dân các quận, huyện tiến hành tổng kiểm tra các trung tâm giới thiệu việc làm theo định kỳ mỗi năm một lần hoặc chỉ có thể kiểm tra, xử lý bất chợt nếu có đơn thư khiếu nại của người dân”. Nhưng thực tế, ông Tâm cho hay người lao động hầu như chỉ dừng lại ở sự phẫn nộ, bức xúc khi bị các trung tâm giới thiệu việc làm lừa gạt mà ít ai nghĩ đến việc cần phải viết đơn thư khiếu nại, tố cáo lên cơ quan chức năng. Nhiều lao động khi bị các trung tâm “ma” giăng bẫy đã có chung suy nghĩ rằng các khoản phí đóng cọc không quá lớn (từ 100 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng) để có thể làm đơn khiếu nại, tố cáo trung tâm. Thậm chí vì hoạt động “chui”, rất nhiều trung tâm “ma” còn có hẳn một đội ngũ “bảo kê” làm nhiệm vụ cảnh báo hoặc dằn mặt người lao động. Đây chính là những lý do khiến cho hoạt động kinh doanh này không những ngang nhiên tồn tại mà ngày càng phổ biến.
Sẽ phạt nặng các trung tâm hoạt động trái phép!
Theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH, các trung tâm giới thiệu việc làm cần phải có địa điểm và trụ sở làm việc ổn định từ 36 tháng trở lên, đặt ở nơi thuận tiện và đủ diện tích cho việc giao dịch, hoạt động của trung tâm. Trung tâm phải có trang thiết bị và phương tiện phù hợp như máy vi tính, điện thoại, máy fax và các tài liệu liên quan đến thị trường lao động cùng các trang thiết bị khác để phục vụ khách hàng. Quy định còn buộc các trung tâm phải bố trí đủ các phòng ban: tư vấn, giới thiệu và cung ứng lao động, thông tin về thị trường lao động; có ít nhất 5 cán bộ trình độ từ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế, luật, ngoại ngữ và đội ngũ cán bộ này phải có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án tiền sự. Hơn nữa, bộ còn đòi hỏi các tổ chức giới thiệu việc làm phải có ít nhất 300 triệu đồng ký quỹ tại ngân hàng để giải quyết các rủi ro, đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động.
Chỉ cần biết qua những quy định này thì người lao động cần việc làm có thể xác định được ngay những địa chỉ “đen” khi đến các trung tâm tìm việc. Nhưng trên thực tế chúng tôi nắm được con số người xin việc biết đến những quy định này là rất ít.
Ông Tâm cũng cho biết: “Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, quan điểm của chúng tôi là kiên quyết xử phạt các trung tâm kinh doanh trái phép”.
Nhưng hiện nay, trách nhiệm của ủy ban nhân dân, các ban ngành chức năng quận huyện trong việc quản lý các trung tâm vẫn còn khá lỏng lẻo. Hầu như không nắm rõ hệ thống tổ chức giới thiệu việc làm trên địa bàn mình, cũng như việc kiểm tra không thường xuyên như trên liệu có đảm bảo quyền lợi cho người lao động và có chấn chỉnh được tình trạng lừa gạt tràn lan này?
Các trường hợp vi phạm hoạt động giới thiệu việc làm được áp dụng theo Nghị định 113/CP của Chính phủ về xử phạt hành chính các hành vi vi phạm pháp luật lao động ban hành ngày 16-4-2004: Xử phạt từ 1 triệu đồng trở lên đối với vi phạm thu phí người lao động cao hơn mức quy định hoặc không có biên lai. Xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng đối với các doanh nghiệp giới thiệu việc làm không có giấy phép hoạt động hoặc hoạt động không đúng giấy phép. Xử phạt từ 15 đến 20 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi dụ dỗ hứa hẹn, quảng cáo gian dối người lao động.
Tuyết Dân

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)