Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Loạn vinh danh doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Giữa vô số danh hiệu dành cho các doanh nghiệp, không ít tên tuổi doanh nghiệp sau khi được vinh danh chẳng bao lâu lại “dính phốt”.
Hàng của Asanzo từng được vinh danh HVNCLC đang dính nghi án tráo xuất xứ  /// Ảnh: Ng.Ng
Hàng của Asanzo từng được vinh danh HVNCLC đang dính nghi án tráo xuất xứ. Ảnh: Ng.Ng
Được tôn vinh từ năm 2018 nhưng không ai biết, chỉ đến khi nhân vật từng là “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” năm 2018 được chọn làm Phó ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả (thuộc Viện Công nghệ chống làm giả), dư luận mới ngã ngửa.
Danh hiệu này được trao bởi nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL trong lễ tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu VN do T.Ư Hội Nghệ nhân và thương hiệu VN phối hợp doanh nghiệp (DN) tổ chức. Và Viện Công nghệ chống làm giả thì từng vinh danh một DN phạm pháp.
Vinh danh xong là lộ tẩy
Sau khi nhãn hàng điện máy Asanzo bị tố “tráo” xuất xứ, hàng nhập từ Trung Quốc nhưng dán “xuất xứ VN” khiến xã hội rúng động, người ta mới giật mình. Bởi 5 năm qua, Asanzo là thương hiện được truyền thông dưới danh xưng là hàng VN chất lượng cao (HVNCLC), thương hiệu ra đời với tham vọng “ngăn cản bước tiến của hàng Trung Quốc”… Một số DN khác cũng bị tố là được bình chọn HVNCLC trên một vài sản phẩm, nhưng lại gắn logo HVNCLC cho tất cả sản phẩm.

Cơ quan chống làm giả lại đi vinh danh cho DN làm hàng giả. Cơ quan ủng hộ tối đa hàng Việt lại vô tình “tiếp tay” cho hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt. Những điều này khó chấp nhận được, nhưng nó đã xảy ra và biện pháp giải quyết của chúng ta là gì?
Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM

Ngày 18.4 vừa qua, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH Vinaca ra tòa và lĩnh án tù 22 năm trong vụ án “sản xuất, buôn bán hàng giả và lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” tại TAND Hải Phòng nhưng chỉ trước khi bị phát hiện 1 năm, DN này từng được lọt top 10 “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu VN năm 2017” do Viện Công nghệ chống làm giả và Trung tâm tư vấn hỗ trợ DN – phát triển thương hiệu (thuộc Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN) tổ chức tôn vinh, trao chứng nhận.
Trước đó, năm 2015, chương trình vinh danh “Nhà lãnh đạo xuất sắc, đơn vị phát triển bền vững” được quảng bá trao tại chùa Bái Đính, từng bị DN lên Facebook tố kêu gọi đóng góp kinh phí “chát” lên 51 triệu đồng để được vinh danh. Trong đó có những khoản tiền rất “trời ơi đất hỡi” như: bảo tượng Phật, vật phẩm con giáp theo tuổi, tranh chữ…
Một tuần nhận 3 cuộc gọi đề nghị “vinh danh”
Trên đây chỉ là vài trường hợp khi DN dính “nghi án” hoặc bị phát hiện sai phạm, còn thực tế, có rất nhiều danh hiệu đang được mời chào DN mỗi ngày.
Chị Phạm H.Vân, chủ DN may mặc thời trang tại Q.8 (TP.HCM), kể có tuần chị nhận đến 3 cuộc điện thoại mời tham dự giải thưởng của bộ này, bộ nọ vinh danh. “Họ mời gọi tài trợ, tùy mức tài trợ sẽ được đứng vào hạng mục là thương hiệu được yêu chuộng nhất, thương hiệu uy tín về chất lượng sản phẩm gì đó… Họ bảo có giải thưởng rồi cơ sở sẽ bán hàng nhiều hơn nhưng tôi thấy mông lung quá, không tham gia”, chị Vân cho biết.
Chủ một cơ sở chuyên sản xuất bún, miến, hủ tiếu khô ở H.Hóc Môn (TP.HCM) -chuyên bán thị trường phía nam, chưa từng xuất khẩu cũng được một đơn vị tự xưng nghiên cứu về an toàn thực phẩm, được Bộ Y tế chấp nhận (!?) mời tham gia nhận danh hiệu sản phẩm an toàn hội nhập CPTPP, sản phẩm xuất khẩu uy tín an toàn…
“Họ báo giá nhận giải thưởng 30 triệu đồng, tui nói làm mà bán được hàng nhiều tui cũng ưng, nhưng tiền nhiều quá. Thế là họ hạ xuống còn 15 triệu, tui không đồng ý và họ cũng bỏ cuộc rồi. Lâu nay cũng không nghe đến giải thưởng danh hiệu đó”, chủ cơ sở này kể tại hội chợ triển lãm hàng nông nghiệp mới đây được tổ chức tại TP.HCM.
Danh hiệu săn DN “chào giá”
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện tài chính, bức xúc: Hiện tượng một số nơi lập trung tâm này, liên hiệp kia, “bá lưng” hay “dựa hơi” cá nhân nào đó đã về hưu hoặc cơ quan quản lý nào đó rồi đi mời chào DN tham gia các cuộc tôn vinh, mục đích là kiếm lời. Có những chứng chỉ rất trời ơi đất hỡi nhưng DN, chủ cơ sở sản xuất vì ít thông tin, một số tin tưởng vào mức độ quảng bá thương hiệu nhờ vào những danh hiệu này nên cũng tham gia. Nói chung là cuộc chơi “đôi bên cùng có lợi”, chỉ người tiêu dùng thiệt hại vì vàng thau lẫn lộn, không biết cái nào tốt, cái nào không.
Ngay cả danh hiệu HVNCLC được nhiều DN lớn tin tưởng, đặc biệt niềm tin của người tiêu dùng… cũng có khi bị lạm dụng hoặc được sử dụng mập mờ rất đáng lo ngại.
“Bảng trao cho DN thường ghi là DN nhận chứng nhận là HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn, ghi tên DN. Trong khi DN đó làm 10 sản phẩm nhưng người tiêu dùng chỉ bình chọn 2 sản phẩm, 8 sản phẩm còn lại chưa được bình chọn. Bên cạnh đó, chúng ta đang quản lý rất yếu để tràn lan việc “đẻ” ra các giải thưởng, vinh danh này”, ông Thịnh phân tích và cho rằng DN cần các tổ chức hiệp hội ngành hàng cụ thể, nơi giúp họ thông tin về sản phẩm, thị trường, nơi bảo vệ họ tối ưu nhất… Nhưng đa số các hội, hiệp hội hiện nay phải đứng sau cơ quan quản lý nào đó, nên tiếng nói của DN không mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM, cũng cho rằng chính đơn vị cấp phép cho việc trao giải thưởng, danh hiệu này nọ chịu trách nhiệm khi DN, cá nhân đó bị sai phạm. Ví dụ, cần xem xét tư cách đơn vị ký các giấy chứng nhận đó, thẩm quyền đến đâu. Chứ không thể để tình trạng trao giải rồi lại lý giải chỉ đánh giá hình thức, không đánh giá nội dung…
“Cơ quan chống làm giả lại đi vinh danh cho DN làm hàng giả. Cơ quan ủng hộ tối đa hàng Việt lại vô tình “tiếp tay” cho hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt. Những điều này khó chấp nhận được, nhưng nó đã xảy ra và biện pháp giải quyết của chúng ta là gì? Đến nay tôi chưa thấy cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý hoặc làm rõ vấn đề này. Mục đích để ngăn chặn và thanh lọc dần những chứng nhận không đúng bản chất, bảo vệ người tiêu dùng”, luật sư Toản phân tích.
Bộ Công thương đang xây dựng tiêu chí thế nào là hàng Việt. Theo tôi, là một trong những bộ quản lý thương mại, cơ quan này phải tính đến việc xây dựng quy trình xét trao giải thưởng, tôn vinh thế nào. Chứ cứ để tình trạng mạnh ai nấy tôn vinh như hiện nay rất loạn. Hậu quả chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt. Nhất thiết phải dẹp bỏ, sắp xếp lại.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Theo Lam Nghi/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)