Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Loạt doanh nghiệp chờ giải cứu

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) ở nhiều ngành nghề rơi cảnh bĩ cực vì ảnh hưởng dịch COVID-19. Không ít DN đang tính tới việc đóng cửa tạm thời, chờ sự hỗ trợ của Chính phủ. Bộ KH&ĐT cũng đang trình 8 phương án hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, giải pháp vẫn mang tính hình thức, DN sẽ khó tiếp cận?

Nhiều sản phẩm du lịch cao cấp lao đao, vắng khách. Ảnh: Kỳ Sơn
Nhiều sản phẩm du lịch cao cấp lao đao, vắng khách. Ảnh: Kỳ Sơn

Sau 4 lần bùng phát, dịch COVID-19, nhiều DN ở các ngành nghề như du lịch, vận tải, lữ hành rơi cảnh chờ giải cứu. Theo Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA), chỉ còn 10% DN ngành này hoạt động cầm chừng. Các DN siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tua, đại lý vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động. DN lữ hành quốc tế cho 60-90% nhân sự nghỉ việc không lương. Các DN này đang cố gắng kích cầu du lịch nội địa để duy trì việc làm cho bộ phận nhân sự chủ chốt.

“Quy định tiền ký quỹ 500 triệu đồng/DN lữ hành quốc tế khiến DN bị đọng vốn. Trong tình cảnh khó khăn. Khoảng 600 DN tạm rút giấy phép để lấy lại ký quỹ, cân đối tài chính. Các DN lữ hành quốc tế bị mất tiền đặt cọc cho các hãng hàng không quốc tế 50-60 tỷ do hủy tua. Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ từ Nhà nước”, đại diện VITA cho biết.

Cùng hoàn cảnh, phần lớn DN bán lẻ bị giảm đến 70% doanh số bán hàng trong năm 2020. Đến nay, hầu hết DN trong ngành bán lẻ đã hoạt động trở lại nhưng hoạt động dưới mức trước đại dịch. Đối với DN nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông, lâm thủy sản, năm 2020 tổng cầu trong nước và quốc tế (đặc biệt là thị trường châu Âu và Mỹ) giảm nên sản lượng của DN sụt giảm lớn.

Từ thực tiễn trên, Bộ KH&ĐT dự kiến đưa ra 12 nhóm giải pháp kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết. Trong đó, ngoài việc rà soát, sửa đổi một số quy định hỗ trợ, nhằm tạo thuận lợi cho DN tiếp cận chính sách, Bộ KH&ĐT còn đề xuất Chính phủ kéo dài, bổ sung chính sách hỗ trợ DN cho đến hết năm 2021.

Cùng với đó, bộ này đề nghị khẩn trương điều chỉnh mạnh mẽ chính sách thuế trong việc miễn, giãn, hoãn, khoanh thuế cho DN. Cụ thể, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập DN, tiền thuê đất cho DN; giảm tối thiểu 50% các khoản nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020 cho các DN và xem xét tiếp cho năm 2021… Bộ này còn kiến nghị, cho phép DN được hoãn đóng kinh phí công đoàn 2%, hoặc giảm 50% mức phí (còn 1%) nhằm hỗ trợ DN trong bối cảnh nguồn vốn hoặc doanh thu bị hạn chế.

Bộ KH&ĐT còn kiến nghị Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù hỗ trợ DN cắt giảm các chi phí đầu vào, giảm thiểu dòng tiền ra của các DN. Rà soát, sửa đổi các chính sách mới ban hành làm tăng chi phí của DN. Cụ thể, xem xét, cắt giảm giá điện cho khu vực DN, các hộ kinh doanh để giảm chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho DN và hộ sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cho phép các DN du lịch áp dụng giá điện sản xuất thay vì áp dụng giá điện dịch vụ như hiện nay.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, sau khi tổng hợp kiến nghị của cộng đồng DN, Bộ KH&ĐT đã gửi đến bộ ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT và UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang chờ góp ý, phản hồi của bộ ngành, địa phương và hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng.

Chính sách hỗ trợ vẫn còn hình thức?

Bà Trịnh Thị Ngân, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đánh giá, đề xuất chính sách của Bộ KH&ĐT vẫn mang tính chất hình thức. Theo đó, chính sách này vẫn tập trung vào nội dung như giãn, hoãn các loại thuế, phí. Trong khi đó, vấn đề lớn nhất của DN là đứt gẫy trong sản xuất, không có doanh thu. Việc giãn thuế phí chỉ giúp DN kéo dài thời gian, chậm đóng chi phí này. Tuy nhiên, dù có giãn, hoãn đến 2 năm nhưng chưa phục hồi sản xuất thì DN cũng chưa có tiền nộp.

Với nhóm chính sách về vốn do Bộ KH&ĐT đề xuất với Ngân hàng Nhà nước như giảm lãi suất cho vay, khoanh, không chuyển nhóm nợ, bà Ngân cho rằng, sẽ khó thực hiện. Bởi ngân hàng cũng là doanh nghiệp, phụ thuộc lãi suất huy động để đưa ra mức lãi suất cho vay. Hiện nay, lãi suất cho vay đã thấp nhất trong cả chục năm qua, sẽ rất khó để tiếp tục giảm lãi suất.

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có tới 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, hoàn tất thủ tục giải thể. Tính trung bình, mỗi ngày có tới 400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

“Nhiều DN chưa kịp phục hồi sản xuất nên dù hoãn, giãn thuế phí thì 2 năm sau hết hạn, DN cũng chưa có tiền để nộp. Chúng tôi mong muốn, chính sách sát thực tế với DN hơn, mong muốn DN được giảm tiền thuê đất- đây là một chi phí lớn với DN và cơ quan chức năng có thể thực hiện được ngay”, bà Ngân kiến nghị.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ DN bài bản, căn cơ hơn. Ông Hiếu đã nhiều lần đề xuất thành lập một tổ hợp tín dụng lên đến 300.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19. Ông Hiếu mong muốn, đề xuất này sẽ sớm được Chính phủ xem xét, nhanh chóng triển khai, thực hiện.

Theo Phạm Tuyên – Quỳnh Nga/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)