Việc Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) nội dung “yêu cầu ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản khách hàng” để phục vụ việc theo dõi thuế đang khiến người dân hoang mang.
Việc Cục Thuế TP.HCM mới đây ra quyết định truy thu và phạt 4,1 tỷ đồng với một cá nhân có nguồn thu nhập 41 tỷ đồng trong năm 2016 và 2017 từ Facebook, Google, YouTube khiến giới kinh doanh online xôn xao. Tuy nhiên, những vụ truy thu thuế tương tự hiện vẫn còn hiếm hoi. Trong khi đó, việc Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) nội dung “yêu cầu ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản khách hàng” để phục vụ việc theo dõi thuế đang khiến người dân hoang mang.
Các điểm rao bán sim có giao dịch tỷ đồng/ngày nhưng vẫn chưa bị cơ quan thuế truy thu |
Giao dịch tiền tỷ, vẫn không bị ngành thuế “hỏi thăm”
Thực tế, hiện rất nhiều cá nhân đang có nguồn thu nhập “khủng” từ việc kinh doanh qua mạng. Có thể kể, khi trang Facebook Sim siêu đẹp Đức Anh vừa đăng rao bán hàng loạt sim “siêu VIP” giá từ 5,5-17,5 tỷ đồng/sim thì không lâu sau, chủ trang thông báo đã có một số người đặt mua. Trang này còn bán sim thanh lý, giá từ 600.000 đồng đến vài triệu đồng/sim, thậm chí còn hỗ trợ trả góp với lãi suất thấp. Kiếm được nguồn thu nhập “khủng” hằng tháng, nhưng chủ trang Facebook này khẳng định, chưa từng bị truy thu thuế, nếu có bị “hỏi thăm”, thì sẽ đóng thuế đàng hoàng nhưng sau đó sẽ chuyển sang bán ở các kênh thương mại điện tử khác. Tương tự, tài khoản “Thái Minh Phương” trên Facebook cũng đang rao bán “siêu sim” có giá từ vài trăm triệu đến 5 tỷ đồng/sim nhưng cũng chưa bị cơ quan thuế “dòm ngó”.
Cục Thuế TP.HCM cho biết, sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng, rà soát hóa đơn gửi/rút để nắm được những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh online có giao dịch “khủng” nhưng không chịu đóng thuế. Theo đó, cơ quan này xác minh các đầu mối để truy ra doanh thu gồm: nguồn hàng đã lấy, doanh số giao hàng thực hiện qua bưu điện hoặc công ty giao nhận, số tiền thanh toán giao dịch qua các ngân hàng, sau đó rà soát số điện thoại, địa chỉ đăng ký để gửi thư mời đến các chủ tài khoản. Nếu người kinh doanh chối, ngành thuế có thể cải trang thành khách mua hàng để “bắt tận tay”.
Tuy nhiên, phương thức “bắt tay với ngân hàng để truy thu thuế” khó mang lại hiệu quả, vì người bán sẽ nhờ người thân giao dịch thay vì tự đứng ra giao dịch. Khi chúng tôi đăng ký mua sim, người bán tên Trần Trung Phương đề nghị chúng tôi chuyển tiền vào số tài khoản có tên Trần Văn Chính. Đóng giả một khách hàng khác mua sim, người bán Trần Trung Phương lại đề nghị chúng tôi chuyển tiền vào tài khoản khác, có tên Nguyễn Kim Ngân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ tài khoản Facebook trên có cả chục tài khoản ở các ngân hàng để giao dịch, đứng tên người khác. Đó là chưa kể, với những trường hợp kinh doanh trên mạng nhưng giao hàng tận tay, nhận tiền mặt, ngành thuế cũng sẽ khó “nắm tóc”.
Nên hạ mức thuế thay vì tận thu
Thực tế, thông tin cơ quan thuế sẽ truy thu từ tài khoản ngân hàng của người dân (được nêu trong dự thảo Luật Quản lý thuế) đã làm dấy lên sự lo ngại. Trên mạng xã hội, có hàng loạt bài viết chia sẻ sự hoang mang về việc thông tin cá nhân không còn được bảo mật. “Đây là sự can thiệp vào đời tư quá thô bạo của cơ quan thuế. Nhiệm vụ của cơ quan thuế là quản lý làm sao để thu đủ, thu đúng thuế, đừng quản lý yếu kém rồi đưa ra giải pháp bất lợi cho người dân. Nhà nước khuyến khích người dân bớt sử dụng tiền mặt, nay lại giở trò “trấn lột” khiến người dân e ngại các ngân hàng. Hệ thống bảo mật của ngân hàng chưa ngăn được tội phạm mạng thì hệ thống bảo mật của cơ quan thuế làm sao ngăn nổi” – ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty May thêu Minh Long Hưng, bức xúc.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thiện Giang – Giám đốc Ngân hàng VietABank chi nhánh TP.HCM – cho rằng, nhiều doanh nghiệp đóng đầy đủ thuế, nếu thông tin của họ bị ngân hàng cung cấp cho cơ quan thuế, chắc chắn họ sẽ phản ứng. Nhà nước nên hạ thuế thay vì tìm mọi cách để “ép” người dân nộp thuế. Theo ông Giang, sở dĩ một số doanh nghiệp “né” thuế là do mức thuế quá cao. Mức thu thuế nên được chia theo từng lĩnh vực kinh doanh, ví dụ, ở lĩnh vực sản xuất, lợi nhuận thấp nên mức thu thuế thấp, còn lĩnh vực thương mại có lợi nhuận cao, có thể thu thuế cao hơn.
“Quy định trên cũng có mặt tích cực là nâng cao tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, nhất là đối với cá nhân, doanh nghiệp đang né thuế. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải đảm bảo không làm lộ thông tin khách hàng. Cần phải có quy định cụ thể, rõ ràng về lộ trình thực hiện để người dân hiểu, tránh tạo tâm lý hoang mang” – ông Nguyễn Thiện Giang đề nghị.
Hiện nay, TP.HCM có gần 300 sàn giao dịch thương mại điện tử, hơn 8.170 trang web và 73 trang mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động thương mại điện tử. Cục Thuế TP.HCM đã phát thư mời 13.469 chủ tài khoản lên làm việc. Theo quy định, cá nhân có thu nhập từ các tổ chức như Facebook, Google, YouTube… được xếp vào thu nhập từ kinh doanh và với doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên, phải nộp thuế 7% (gồm 5% thuế giá trị giá tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân).
Theo Cục Thuế TP.HCM, để thu thuế trên các trang thương mại điện tử hiệu quả hơn, cục sẽ lập 2 nhóm điều tra. Nhóm 1 trực tiếp vào web, mạng xã hội rà soát các loại hàng hóa bán trên các trang này, phương thức thanh toán, phương thức giao hàng, thử thực hiện việc mua hàng online để xác định chính xác các tài khoản tín dụng dùng để nhận thanh toán, các đơn vị vận chuyển được thuê giao hàng. Nhóm 2 dựa vào các dữ liệu do nhóm 1 thu thập được, xác minh tài khoản tại các ngân hàng, đơn vị vận chuyển để xác định được doanh thu thực tế từ việc bán hàng hóa, dịch vụ trên các trang thương mại điện tử, đối chiếu với tờ khai thuế, biên bản xác định số liệu của các phòng kiểm tra, các chi cục thuế, nếu phát hiện có dấu hiệu giấu doanh thu, trốn thuế, sẽ chuyển các phòng thanh tra, các chi cục thuế ra quyết định thanh tra, kiểm tra. |
Thanh Hoa/Phụ nữ
Bình luận (0)