Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Loay hoay thương mại điện tử Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Được đầu tư khá sôi nổi song thương mại điện tử Việt Nam vẫn chưa thể tạo đột phá sau hơn một thập niên ra đời.

Tại các nước như Mỹ và Nhật, quy trình phát triển của các doanh nghiệp thương mại điện tử thường theo các bước từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến thanh toán và sau cùng là quảng bá thông tin. Tại Việt Nam, mặc dù thương mại điện tử đã hình thành được hơn 10 năm, nhưng các doanh nghiệp trong ngành hiện vẫn đang hoạt động trong tình trạng đi ngược quy trình. Nghĩa là họ phải xuất phát từ thông tin đến việc xây dựng phương thức thanh toán trực tuyến và sau cùng là đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng.
Mặc dù thương mại điện tử đã hình thành được hơn 10 năm, nhưng các doanh nghiệp trong ngành hiện vẫn đang hoạt động trong tình trạng đi ngược quy trình.

Quy trình ngược vốn dễ làm tiêu hao năng lượng này cùng với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô thời gian qua đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. “Từ đầu năm đến nay, ngành thương mại điện tử gặp rất nhiều khó khăn với doanh số sụt giảm hơn 60% vì hàng loạt các công ty phải đóng cửa hay tạm ngưng hoạt động”, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật giá Việt Nam (VNP), chủ sở hữu trang web vatgia.com cho biết. Khá nhiều mô hình thương mại điện tử đã phải nói lời chia tay thời gian qua như b2bvietnam.com, vnemart.com, daugia247.com.

Trường hợp thất bại của Gophatdat.com thuộc Công ty Cổ phần Thương mại điện tử Tiên Phong ở TP.HCM là một điển hình. Ra mắt ngày 1/1/2006, sàn giao dịch thương mại điện tử Gophatdat.com hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Sau gần 2 năm hoạt động, trang web này đã thu hút được 30.000 thành viên trong và ngoài nước với giá trị hợp đồng lên tới hơn 10 triệu USD. Tuy nhiên, trang này đã phải giải thể sau 4 năm tiêu tốn hơn 20 tỉ đồng do không có khách hàng và không thể thu phí thành viên.
Như vậy, chỉ có những tay đua khỏe nhất mới có thể tiếp tục cuộc chơi. Nhưng để về đến đích, các doanh nghiệp trong nước phải có sự trợ giúp về vốn và chiến lược kinh doanh phù hợp. Một trong những giải pháp mà họ đã chọn là tìm kiếm đối tác nước ngoài.
Hút nhà đầu tư ngoại
Chưa đầy một năm sau ngày thành lập, VNP đã ra mắt trang web vatgia.com vào tháng 7.2007 nhằm mục tiêu phát triển những sản phẩm dịch vụ thông qua Internet dưới hình thức B2C (doanh nghiệp với khách hàng) và C2C (khách hàng với khách hàng).
Tháng 4/2008, VNP nhận khoản đầu tư từ Quỹ Đầu tư mạo hiểm IDGVV (Mỹ), tiếp theo là hơn 1 triệu USD của Quỹ Đầu tư mạo hiểm Cyber Agent (Nhật) vào tháng 6.2009 và sau cùng là 15 triệu USD từ Tập đoàn Thương mại Mitsui (Nhật) hồi tháng 3.2011. Với sự tham gia của 3 nhà đầu tư này, hiện vatgia.com đã trở thành trang web có lượng truy cập trên 1 triệu lượt/ngày cùng tổng giá trị giao dịch khoảng 15 triệu USD/tháng, tương đương 40% thị phần (thống kê của trang web xếp hạng Alexa Vietnam). Ông Điệp cho hay chiến lược kinh doanh của Công ty từ 2011-2013 sẽ tập trung vào 3 mảng chính là kênh thông tin, cổng thanh toán trực tuyến và siêu thị trực tuyến bán lẻ sản phẩm tiêu dùng.
Giải thích cho lý do đầu tư vào vatgia.com, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Cyber Agent Ventures Vietnam nói: “Tầm nhìn của ban lãnh đạo VNP đã chiếm hơn 70% quyết định đầu tư của chúng tôi. Sau 2,5 năm đầu tư, số lượng gian hàng đã đạt mức hơn 18.000 và giá trị của trang web này đã tăng 8-9 lần so với thời điểm 2009”. Hiện quỹ đầu tư mạo hiểm này đã đầu tư vào 7 công ty thương mại điện tử tại Việt Nam và dự kiến sẽ tiếp tục rót vốn vào khoảng 5 công ty nữa trong năm nay.
Tháng 8/2011, Hãng viễn thông NTT Docomo (Nhật) đã công bố mua 25% cổ phần (khoảng 370 tỉ đồng) của Công ty Cổ phần Truyền thông VMG để mở rộng hoạt động của Hãng ở châu Á. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng Giám đốc VMG, cho biết cả VMG và NTT Docomo sẽ nhắm tới mục tiêu sản xuất dịch vụ nội dung cho mạng di động trong thời gian tới. Mới đây, vào ngày 7.9, liên minh gồm Quỹ đầu tư IDGVV, Công ty Rebate Networks (Đức) và ru-Net (Nga) đã công bố đầu tư 60 triệu USD vào Tập đoàn MJ Group tại Việt Nam với mục tiêu nâng cấp hạ tầng trực tuyến và khai thác các dịch vụ mới để mở rộng mạng lưới kết nối tại thị trường Việt Nam.
Rào cản
Hiện nay, 3 vấn đề chính đang ngăn cản bước tiến của thương mại điện tử Việt Nam gồm thông tin, hạ tầng cơ sở và hình thức thanh toán. “Tỉ lệ thông tin giao dịch mang tính lừa lọc hiện chiếm 5-10%, chẳng hạn như giá ảo, giao hàng không có người nhận, hàng gian, hàng giả. Điều này dẫn đến tâm lý người mua hàng phải xem tận mắt, sờ tận tay.
Tiếp đến, vấn đề cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, nhất là tại các khu vực vùng sâu, xa sẽ vẫn là rào cản lâu dài trong việc phát triển thương mại điện tử trong nước. Sau cùng, thiếu công cụ thanh toán trực tuyến là nguyên nhân cơ bản nhất khiến thương mại điện tử Việt Nam chưa thể tiến xa trong hơn 10 năm qua.
Khó khăn lớn nhất chính là nền tảng và hạ tầng thanh toán trực tuyến của Việt Nam hiện vẫn chưa phong phú, tiện lợi và tạo được độ tin cậy từ phía người mua. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng đứng ngoài cuộc chơi cho đến tận gần đây mới bắt đầu triển khai các hình thức ví điện tử. Phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại điện tử Việt Nam vẫn là tiền mặt.
Mới đây, việc tham gia thị trường của một số cổng thanh toán trực tuyến lớn của thế giới đang thổi một luồng gió mới vào kỳ vọng phát triển của ngành thương mại điện tử. Tháng 6/2011, hãng thanh toán trực tuyến PayPal đã hợp tác với Công ty PeaceSoft của Việt Nam nhằm cung cấp công cụ thanh toán trực tuyến cho các doanh nghiệp Việt nam. Trước đó, Webmoney với phạm vị hoạt động tại hơn 40 quốc gia cũng đã có mặt tại Việt Nam.
“Thương mại điện tử Việt Nam có thể phát triển từ 15-20 lần trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, để làm được điều này, phải làm sao xây dựng được lòng tin từ phía người mua”, ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc PeaceSoft, nhận định
Nguồn NCĐT

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)