Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Loay hoay tìm cách hợp tác giữa các bảo tàng

Tạp Chí Giáo Dục

Trong định hướng phát triển bảo tàng tại TPHCM thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM yêu cầu các bảo tàng phải phối hợp để cùng nhau khai thác giá trị các hiện vật.

Xa nhiều, gần ít

Theo đó, người dân có thể xem từ một bảo tàng nhưng thấy được tất cả các hiện vật ở các bảo tàng khác, tiết kiệm thời gian. Ông Trịnh Xuân Yên – nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM – cho biết: bên cạnh hiện vật trưng bày thì mỗi bảo tàng đều có kho tư liệu riêng. Việc kết hợp sẽ giúp khai thác tốt nguồn tư liệu này. Không bảo tàng nào sở hữu đầy đủ các hiện vật thuộc cùng một chủ đề, nên khi kết hợp có thể tổng hợp lại, giúp công chúng có thể tiếp cận nhiều hiện vật hơn. “Mỗi đơn vị có nguồn tư liệu, thế mạnh riêng thì khi kết hợp sức mạnh, hiệu quả có thể tăng nhiều lần” – ông nói.

Bên cạnh đó, trong quá trình phối hợp, các bên còn chia sẻ cách làm, kinh nghiệm để học hỏi nhau trong công tác tổ chức, trưng bày, quản lý hiện vật…

Hình ảnh trong triển lãm Vàng son nhung gấm do Bảo tàng Lịch sử TPHCM phối hợp  với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức vào tháng 12/2016 - ẢNH: HUỲNH TRƯỜNG GIANG

Hình ảnh trong triển lãm Vàng son nhung gấm do Bảo tàng Lịch sử TPHCM phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức vào tháng 12/2016. Ảnh: Huỳnh Trường Giang

Trước đây, phần lớn sự kết hợp diễn ra giữa các bảo tàng tại TPHCM với các bảo tàng ở tỉnh, địa phương khác hoặc với các tổ chức chuyên môn. Việc hợp tác giữa các bảo tàng tại TPHCM có diễn ra nhưng số lượng vẫn ít. Một số hoạt động có sự kết hợp các bảo tàng có thể kể đến như: Bảo tàng Lịch sử TPHCM có Nghệ thuật ứng dụng trà trong văn hóa phương Đông phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM; trưng bày chuyên đề Vàng son nhung gấm phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ… Vàng son nhung gấm là triển lãm tạo được tiếng vang lớn nhờ sự tổng hợp, hệ thống được các hiện vật có giá trị về cung đình Triều Nguyễn.

Cũng có bảo tàng chưa phối hợp với bất kỳ đơn vị bạn nào trong thành phố để khai thác các hiện vật. Bà Huỳnh Ngọc Vân – Giám đốc Bảo tàng Áo dài, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh – đánh giá việc hợp tác này chưa nhiều và chưa khai thác hết nguồn hiện vật, chất liệu hiện có tại các bảo tàng.

Chị Khánh Như (TP Thủ Đức) cho biết, khi đến một số bảo tàng trên địa bàn thành phố, chị thấy có nhiều nhóm hiện vật thuộc cùng một nội dung. “Nếu có thể kết nối chúng lại, giúp người xem từ bảo tàng này có thể biết, nắm được hệ thống hiện vật đang có ở bảo tàng khác cũng tiện lợi trong việc thu thập thông tin hoặc có thể gợi ý để khách tiếp tục tham quan”.

Những thuận lợi, khó khăn

Để có thể kết hợp, thực tế không phải dễ dàng. Trước tiên, phải đảm bảo an toàn cho hiện vật, với những triển lãm diễn ra trực tiếp. Nội dung, lĩnh vực mỗi bảo tàng theo đuổi đôi khi mang tính đặc thù lớn nên khó kết hợp. Phải tìm được nguồn tư liệu, hiện vật phù hợp, ăn khớp với nhau mới có thể dẫn dắt công chúng theo dõi.

Ý tưởng tổ chức, trưng bày là rất quan trọng. Để có được ý tưởng sáng tạo cần có đội ngũ nhân sự tốt. Kinh phí cũng là trở ngại lớn khi hợp tác. Ông Trịnh Xuân Yên cho biết, thông thường mỗi bảo tàng đều xây dựng kế hoạch hoạt động riêng và có kinh phí dự trù sẵn trong một thời gian. Vì thế, khi các đơn vị kết hợp, nếu là hoạt động không nằm trong kế hoạch, sẽ không có kinh phí. Muốn hợp tác phải xây dựng kế hoạch từ đầu. Ngoài ra, sự e ngại, chưa thoải mái “mở cửa” với cái mới cũng là những nhân tố tạo nên rào cản.

Hình ảnh bảo tàng tương tác thông minh của Bảo tàng TPHCM (ảnh chụp màn hình)

Hình ảnh bảo tàng tương tác thông minh của Bảo tàng TPHCM. Ảnh: Chụp màn hình

Dĩ nhiên, bên cạnh những trở ngại, cũng có một vài điểm thuận lợi. Nếu các bảo tàng ở TPHCM có mong muốn hợp tác, cần làm bản cam kết về bảo vệ hiện vật, sau đó trình xin ý kiến của cơ quan quản lý. Hoạt động này luôn được sự ủng hộ, tạo điều kiện. Nhiều hiện vật thuộc cùng một nhóm nội dung hiện được lưu trữ ở nhiều bảo tàng. Đây là điểm nối, mắt xích cho các đơn vị.

Hiện hoạt động quảng bá, trưng bày triển lãm trực tuyến đang là xu hướng mới. Mã QR, với dữ liệu thông tin được lưu trữ trên môi trường internet giúp việc hợp tác thuận lợi, dễ dàng hơn. Từ đây, nguồn tư liệu sẽ được khai thác hiệu quả, vượt qua những trở ngại về không gian, địa lý, phương thức bảo quản bằng cách kết nối các dữ liệu.

Đây là cách làm lý tưởng, tuy nhiên hiện tại công tác số hóa chỉ đang được các bảo tàng phát triển ở các bước đầu tiên, chẳng hạn hệ thống dữ liệu của riêng đơn vị, tham quan 3D… Có 2 vấn đề lớn của việc này là nhân lực và kinh phí. Nhân lực chưa phù hợp, chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn trong công tác số hóa đã được đề cập nhiều lần trong các hội thảo, sự kiện… Một số ít bảo tàng đang được sự hỗ trợ, tài trợ của các đơn vị tư nhân để số hóa chứ chưa thể hoạt động tự thân hoàn toàn.

Cách đây 6 năm, TPHCM từng có ý tưởng xây dựng hệ thống bảo tàng thông minh. Từ một ứng dụng trên điện thoại, khách tham quan có thể nắm bắt thông tin, hình ảnh từ các bảo tàng. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa rõ đã đi đến đâu? Bên cạnh nhân lực, ý tưởng sáng tạo thì việc sưu tầm, tổng hợp, hệ thống hiện vật, tư liệu cũng cần được tăng cường trong thời gian tới.

Trước nay, các bảo tàng tại TPHCM luôn có sự gắn kết, ủng hộ nhau trong các hoạt động đơn lẻ của từng đơn vị. Tuy nhiên, để tiến tới các hoạt động hợp tác nhiều hơn, mang tính chiến lược lâu dài thì vẫn còn một con đường dài. Lãnh đạo một bảo tàng cho biết, nếu các đơn vị có thể ngồi lại thảo luận thì chắc chắn sẽ tìm được đường đi.

Theo Trung Sơn/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)