Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Loay hoay tìm giải pháp giúp lao động mất việc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của suy thái kinh tế thế giới, tại TPHCM có gần 42.000 lao động phải nghỉ việc hoặc giảm bớt giờ làm.

 
Tuy nhiên đến nay, hầu như chưa có người lao động bị mất việc làm nào được vay vốn học nghề để tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm việc làm mới; trong khi đó, các sở, ban ngành của thành phố vẫn đang loay hoay họp bàn, chưa đưa ra được giải pháp khả thi giúp đỡ người lao động bị mất việc. 

Để giúp doanh nghiệp và công nhân vượt qua khó khăn, Ủy ban Nhân dân đã chỉ đạo các sở ngành triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp gặp khó khăn như thực hiện việc bù lãi suất cho doanh nghiệp trong việc vay vốn kích cầu đầu tư của thành phố.  

Hiện đã có trên 1.000 tỷ đồng vốn kích cầu đã đến tay các doanh nghiệp vay và còn trên 110 doanh nghiệp đăng ký vay với số vốn vay lên đến 6.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thủ tục vay vốn phức tạp nên phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận với các nguồn vốn trên. 

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ các doanh nghiệp trong nước quan tâm đến nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định của Thủ tướng ra ngày 23/2/2009 về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, còn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không quan tâm tới, nhưng số lao động bị mất việc trong thời gian qua lại nằm trong các doanh nghiệp FDI chiếm đa số. Do đó, công nhân bị mất việc càng ít được tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ của Chính phủ. 

Một khó khăn khác mà đến nay ngân hàng chưa có cơ chế cho người lao động bị mất việc về địa phương vay vốn tự tạo việc làm tại địa phương khác vì không giám sát được việc sử dụng vốn vay nên khi người lao động bị mất việc trở về quê thì không nhận được sự hỗ trợ nào của ngân hàng để tự học nghề mới hoặc tìm kiếm công việc mới. 

Ngoài ra, người lao động cũng rất khó tìm được việc làm mới ở nơi khác khi bị mất việc hoặc thiếu việc làm do hầu hết lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc các doanh nghiệp tư nhân đều là lao động phổ thông ngoài tỉnh, có nhu cầu về chỗ ở ổn định gần nơi làm việc rất lớn, trong khi đó nhà ở cho công nhân rất thiếu. 

Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ công nhân Thành phồ Hồ Chí Minh đang phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình "kết nối việc làm" để giúp người lao động nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để có thể lựa chọn công việc phù hợp và chỗ làm mới khi bị mất việc; tổ chức những khóa học miễn phí hoặc hỗ trợ 50% học phí cho công nhân học nghề mới. Trước mắt, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ cho 4.000 công nhân mất việc tìm việc làm mới. 

Thành phố cũng đang có kế hoạch tăng cường đào tạo nghề, đào tạo nghề lại cho người lao động bị mất việc, phấn đấu đến năm 2010 đưa tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo đạt 59% góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. 

Ngoài ra, Sở Lao động-Thương binh-Xã hội cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, dự kiến trên 500 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ có yêu cầu tuyển dụng trên 61.000 lượt lao động nữa, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động bị mất việc, thiếu việc./.

Theo dân trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)