Dạy song ngữ Việt Anh là chiêu thức để các trường phổ thông ngoài công lập thu hút học sinh nhưng lại gặp khó khăn trong việc tìm mô hình giảng dạy.
Trên website của mình, Hà Nội Academy được giới thiệu là “một trường song ngữ Việt – Anh với định hướng quốc tế”, giúp học sinh chuẩn bị kiến thức và kỹ năng để du học nước ngoài, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các kỳ thi trong nước. Hướng tới mục tiêu này, trường dạy chương trình của Việt Nam cùng với chương trình của Queensland (Úc).
Không chỉ trường Hà Nội Academy, hầu hết các trường phổ thông đa cấp ngoài công lập chất lượng cao như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Việt Úc, Newton, Dream House, Hoàng Diệu – Victoria, Wellspring… đều triển khai một phần hoặc toàn phần mô hình tương tự.
Do hình thành và phát triển tự phát, nhằm thỏa mãn nhu cầu của phụ huynh học sinh nên hầu như không có một mô hình chuẩn mực nào cho các trường học tập. Từ cách tổ chức đến chương trình, nguồn giáo viên… mỗi trường xoay mỗi kiểu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Chẳng hạn chương trình được gọi là “quốc tế” đều do các trường tự khai thác nên chất lượng không đảm bảo, có trường dịch sách giáo khoa của Việt Nam ra tiếng Anh để giảng dạy. Hiệu trưởng một trường quốc tế cho biết, chương trình quốc tế mua của nước ngoài cũng khó kiểm soát về chất lượng.
Chưa có chuẩn cho chương trình dạy song ngữ Việt-Anh – Ảnh: T.L |
Tổ chức lớp học có trợ giảng hay không cũng là vấn đề ở nhiều trường. Theo ông Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng trường Việt Úc Hà Nội chia sẻ: “Hồi đầu mới hoạt động, chúng tôi tổ chức giờ học bằng tiếng Anh do giáo viên nước ngoài dạy nhưng có trợ giảng người Việt. Mỗi khi giáo viên nước ngoài nói một câu là cả lớp nhìn vào giáo viên người Việt chờ… dịch. Từ đó chúng tôi yêu cầu giáo viên ngoại cố gắng dùng điệu bộ, tranh ảnh… cho học sinh hiểu chứ không dùng trợ giảng nữa”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, mô hình trên không hẳn là “song ngữ” mà mới ở mức độ “tiếp cận song ngữ”. Ông Lộc cũng công nhận ngành GD-ĐT chưa thể hiện được vai trò chỉ đạo và quản lý chuyên môn trong việc này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hùng, thường trực Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cho rằng: “Giáo dục song ngữ là một thuật ngữ mới. Học sinh được dạy kiến thức bằng tiếng Việt trong khoảng ba năm, song song với học tiếng Anh, sau đó học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Điều này sẽ từng bước đẩy tiếng mẹ đẻ ra khỏi hệ thống chương trình và đó là điều chúng ta không mong muốn”, ông Hùng giải thích.
Theo ông Hùng, nếu mục tiêu của các trường phổ thông chỉ là giúp học sinh giỏi tiếng Anh thì các trường chỉ cần… dạy tiếng Anh. Nếu chỉ vì muốn học sinh giỏi tiếng Anh mà dạy kiến thức bằng tiếng Việt buổi sáng, chiều dạy lại bằng tiếng Anh… là sai.
Ông Hùng nói: “Người dạy tiếng Anh, kể cả tiếng Anh chuyên ngành phải là giáo viên tiếng Anh chứ không phải giáo viên các môn khác. Cũng như không thể vì muốn học sinh giỏi toán lại để giáo viên tiếng Anh đi dạy toán cho học sinh”.
Về việc dạy kiến thức cho học sinh bằng tiếng Anh, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ có thể làm được điều đó khi trình độ tiếng Anh của người dạy và người học đạt đến một ngưỡng nhất định: 550 điểm TOEFL. Còn “nếu cứ thực hiện một cách khiên cưỡng thì chỉ làm mất thời gian, mà kết quả là trẻ vừa kém cả về tiếng Việt lẫn kiến thức các môn khoa học, vừa kém cả tiếng Anh”, ông Hùng nói.
Thư Hiên / TNO
Bình luận (0)