Chuẩn đầu ra là một trong những nội dung mà các trường ĐH, CĐ bắt buộc phải “ba công khai” theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thế nhưng đến thời điểm này, khi thời hạn cuối để báo cáo đã qua, nhiều trường vẫn loay hoay… xây dựng. Thậm chí có trường còn sao chép chuẩn đầu ra của trường khác.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật trong giờ thực hành. Theo nhà trường, chuẩn đầu ra là một kỳ vọng để sinh viên phấn đấu đạt tới – Ảnh: Như Hùng
|
Tham khảo chuẩn đầu ra của một số trường đã công bố, điểm chung dễ nhận thấy là đa số chuẩn đầu ra khá giống những văn bản chi tiết hóa mục tiêu đào tạo của trường.
Chuẩn nào cho chuẩn?
Chuẩn đầu ra cũng bị… sao chép
TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết khi công bố chuẩn đầu ra trên trang web của trường, có trường khác đã sao chép để làm chuẩn đầu ra cho mình. Thậm chí trường này còn quên thay… tên trường khiến trường ông bị “hỏi thăm”.
Ngoài ra, một số trường công bố chuẩn đầu ra với những tiêu chí khá “lý tưởng”. Chẳng hạn, theo chuẩn đầu ra áp dụng từ khóa 2010 của ĐH Đà Nẵng, sinh viên tốt nghiệp phải đọc tài liệu bằng tiếng nước ngoài thành thạo, trình bày báo cáo tham luận trôi chảy bằng tiếng nước ngoài thông dụng, biết hai ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh.
|
Là một trong những trường công bố chuẩn đầu ra khá sớm (năm 2007), ông Nguyễn Xuân Hoàn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết trường xây dựng chuẩn đầu ra dựa trên mục tiêu là đào tạo nên những kỹ sư thực hành. “Từ khi ban hành đến nay, chuẩn của trường đã nhiều lần sửa đổi nội dung (song song sửa đổi chương trình đào tạo) căn cứ vào mục tiêu đào tạo của từng ngành cụ thể và tình hình thực tế” – ông Hoàn nói.
Đối với những trường mới bắt tay vào làm hoặc đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn đầu ra thật sự là một thử thách. Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH nói: “Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải công bố chuẩn đầu ra, nhưng khái niệm chuẩn đầu ra phải hiểu như thế nào, dựa vào đâu để công bố thì không ai giải thích”.
Hiệu trưởng một trường ĐH tư thục băn khoăn: “Nếu xây dựng chuẩn đầu ra thấp, mọi người sẽ có cái nhìn không tốt. Tuy nhiên, nếu chuẩn đầu ra cao, nhân lực, vật lực của trường sẽ phải gồng mình để đáp ứng. Do đó, chuẩn dù đã có nhưng việc đạt chuẩn là cả một quá trình”. Lãnh đạo một trường ĐH công lập cũng thừa nhận nếu “vẽ” chuẩn với những tiêu chí thật lý tưởng thì trường còn lâu mới đạt được – ông Hoàn nói.
TS Hoàng Vĩnh Long, phó trưởng Khoa kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM), cho biết chỉ riêng trình độ tiếng Anh dành cho sinh viên tốt nghiệp đã là một nội dung khiến ban giám hiệu đau đầu khi xây dựng chuẩn đầu ra. Theo TS Long, khoa đánh giá trình độ tiếng Anh tương đương 450 điểm TOEIC cho các ngành, riêng ngành kinh tế đối ngoại số điểm này là 500. Ông Long nói: “Chúng tôi nhận thấy đây là mức khá thấp, nhưng căn cứ trên điểm kiểm tra tiếng Anh đầu năm khá thấp nên cũng không thể nâng cao hơn”.
Vẫn là kỳ vọng
Có lẽ vì thế mà ở nhiều trường, chuẩn đầu ra được công bố lại không hoàn toàn là… chuẩn đầu ra. TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thẳng thắn: “Chuẩn đầu ra không phải tiêu chuẩn để xét tốt nghiệp”. Ông cho rằng chuẩn đầu ra là kỳ vọng của nhà trường về năng lực của sinh viên khi tốt nghiệp, là định hướng cho cả giảng viên, sinh viên phấn đấu thực hiện trong quá trình giảng dạy, học tập.
Bên cạnh đó, chuẩn đầu ra cũng là cam kết của nhà trường đối với người học, xã hội. “Chuẩn đầu ra mang tính kỳ vọng sẽ đạt tới, vì thế cần một khoảng thời gian để đánh giá chứ không thể dùng dụng cụ đo lường để xác định” – ông Dũng nói.
Nhiều người mong đợi khi ban hành chuẩn đầu ra có nghĩa các trường sẽ cam kết một chuẩn chất lượng nguồn nhân lực mà trường cung cấp cho thị trường lao động. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay có vẻ điều đó vẫn chỉ là mong đợi. Thạc sĩ Trương Hồng Khánh, trưởng phòng khảo thí Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết chuẩn đầu ra của trường có những yếu tố kỳ vọng và những yếu tố định lượng giúp xã hội, người học biết được trình độ tối thiểu mà sinh viên khi tốt nghiệp phải có là những gì. Có những yếu tố định lượng và những yếu tố định tính cần có thời gian để định lượng hóa.
Trong khi đó không ít trường xem chuẩn đầu ra như một khởi đầu để nâng chất quá trình dạy và học. “Ban hành chuẩn đầu ra không chỉ để cam kết với xã hội mà còn thay đổi căn bản cách dạy và học trong trường, đòi hỏi giảng viên và sinh viên phải cố gắng nhiều để đạt đến mức chuẩn đó” – TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định.
Theo ông Dũng, để hiện thực cam kết đó, trường yêu cầu giảng viên phải xây dựng chuẩn đầu ra cho từng học phần, thay đổi cách kiểm tra, đánh giá. Còn tại Khoa kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM), song song với việc ban hành chuẩn đầu ra, khoa cũng thay đổi chương trình giảng dạy tiếng Anh để đảm bảo sinh viên học tiếng Anh trong sáu học kỳ sẽ đạt được chuẩn nói trên.
MINH GIẢNG – HÀ BÌNH/TTO
Bình luận (0)