Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Loay hoay với tạm trữ lúa gạo

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày này, nông dân ĐBSCL đang bước vào thu hoạch lúa hè thu, nhưng giá lúa sụt giảm ở mức thấp, cộng với đầu ra khó khăn khiến tình hình rất căng thẳng. Nỗi lo lắng của nông dân càng chồng chất khi xuất khẩu gạo đang gặp nhiều trở ngại, giá xuất khẩu liên tục giảm. Trong bối cảnh đó, việc nên giao ai thu mua tạm trữ lúa trong vụ hè thu để bình ổn giá lúa đang được dư luận quan tâm.

Cãi nhau vì “lẫn tạp”!

Theo Bộ Tài chính, với giá thành sản xuất vụ đông-xuân vừa qua là 3.616 đồng/kg, thì chêch lệch giữa giá thu mua và giá thành từ 38% – 46%. Khi triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân, giá lúa tăng thêm 200 đồng/kg, giá tại ruộng từ 5.100 đồng – 5.300 đồng/kg. Trong đó, cao nhất là Cà Mau, giá mua tại kho 5.420 đồng/kg; thấp nhất là Hậu Giang 5.000 đồng/kg… song vẫn đảm bảo lãi khoảng 30% cho nông dân. Điều người ta khó hiểu là tại sao các cơ quan chức năng cứ đưa ra số liệu giá mua tại kho – dù chẳng có mấy doanh nghiệp mua lúa trực tiếp của nông dân!

Sản xuất gạo xuất khẩu tại Gentraco (Cần Thơ). Ảnh: Thái Bằng

Phải chăng các cơ quan chức năng muốn “đẩy giá lúa nhích lên” so với giá thực tế để tự “an ủi” một phần trách nhiệm với nông dân!? Tiêu thụ gạo trên thế giới đang có dấu hiệu dư thừa khi Thái Lan và Ấn độ đang tồn kho 40 triệu tấn. Khó khăn cho đầu ra hạt gạo nhiều người biết. Vấn đề là nông dân cần có những báo cáo đánh giá đúng sự thật, có trách nhiệm để tìm giải pháp tháo gỡ.

Thế nhưng báo cáo của Bộ NN-PTNT đã xuất hiện nhiều “hạt sạn”. Cụ thể, Bộ NN-PTNT nhận định: “Mua lúa thơm gặp khó khăn, tình trạng này xảy ra ở một số địa phương mới trồng giống lúa thơm (như Kiên Giang, Hậu Giang), do kỹ thuật canh tác chưa tốt, giống bị lẫn loại, nên giá bán không khác biệt nhiều so với gạo thường. Thực tế, tại nhiều vùng canh tác thuần thục, giá lúa thơm Jasmine vẫn giữ mức giá 5.900 – 6.200 đồng/kg và tiêu thụ thuận lợi”.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang đã phản ứng: “Trình độ nông dân trồng lúa hiện nay đã khác với mấy năm trước rất nhiều. Nông dân rất nhạy bén tiếp cận kỹ thuật trống lúa, và ở Hậu Giang đã sản xuất lúa thơm hơn 10 năm nay. Trồng lúa thơm hơn 10 năm mà để lúa lẫn tạp là khó tin”.

Gần 2 năm bàn vẫn chưa xong

Tại hội nghị tổng kết đánh giá kết quả tạm trữ vụ lúa đông xuân 2012-2013, các vấn đề tồn tại và giải pháp khắc phục, Bộ NN-PTNT đưa ra dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ lấy ý kiến lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL về Quy chế mua tạm trữ thóc, gạo tại ĐBSCL.

Theo đó, có 3 phương án: Một là giao VFA làm đầu mối như hiện nay; hai giao cho UBND tỉnh, thành làm đầu mối rồi phân cho nông hộ, chủ trang trại, tổ hợp tác, HTX trồng và sản xuất lúa, gạo, các thương nhân trong và ngoài địa bàn tỉnh; ba là giao UBND các tỉnh, thành làm đầu mối phân giao và tổ chức tạm mua trữ lúa, gạo tại địa bàn trên cơ sở lượng lúa, gạo được phân bổ theo phương án 2. Nếu địa phương nào không có khả năng phân giao và tổ chức thu mua tạm trữ thì ngay khi được phân bổ, chuyển toàn bộ chi tiêu của địa phương cho VFA chịu trách nhiệm phân giao và tổ chức mua tạm trữ.

Trước đó, nhiều địa phương có sản lượng lúa lớn kiến nghị nên giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, gạo cho địa phương. Tuy nhiên, tại hội nghị lần này chỉ có lãnh đạo ngành nông nghiệp An Giang và Kiên Giang là phát biểu bảo lưu ý kiến.

“Kiên Giang có sản lượng lúa lớn nhất cả nước với 4,3 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo/năm nhưng chỉ được giao mua tạm trữ vụ đông xuân có 84.000 tấn gạo. Nên giao chỉ tiêu tạm trữ theo sản lượng lúa của từng tỉnh” – ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang đề xuất. Ông Trần Quang Củi cho rằng, trong tỉnh có thừa năng lực để đảm trách khi có 5 doanh nghiệp nằm trong tốp 10 doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An bức xúc, qui định thu mua tạm trữ gạo chưa tích cực. Điển hình như Long An được giao mua tạm trữ gần 90.000 tấn gạo, trong khi kho của doanh nghiệp đã chứa 120.000 tấn. Như vậy liệu có xảy ra trường hợp doanh nghiệp luân chuyển “kho gạo” để không mua tiếp.

“Cần tách bạch giữa kế hoạch kinh doanh gạo bình thường và thu mua tạm trữ. Nếu lằn ranh này không rõ ràng, thì tác động của việc mua tạm trữ lúa gạo không lớn” – ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ chỉ ra sự lấn cấn trong thu mua tạm trữ lúa, gạo hiện nay của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Với sản lượng lúa năm 2013 khoảng 43,49 triệu tấn. Sau khi trừ đi tiêu thụ nội địa, dự kiến lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ khoảng 8 triệu tấn (chưa kể tồn kho năm 2012 chuyển sang khoảng 1,85 triệu tấn). Như vậy, lượng gạo cần tiêu thụ từ nay đến cuối năm 3,57 triệu tấn. Nhiều địa phương đề nghị Chính phủ mua tạm trữ từ 1,5 triệu tấn, thậm chí 2 triệu tấn gạo trong vụ hè thu. Trong khi đó, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho rằng “thu mua tạm trữ 1,5 triệu tấn gạo trong vụ hè thu là nhiều. Chỉ nên mua tạm trữ 1 triệu tấn là vừa”.

CAO PHONG (SGGP)

Bình luận (0)