Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Loay hoay xây nhà trẻ cho con công nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Công nhân (CN) hiện có nhu cầu gửi trẻ rất lớn trong điều kiện cơ sở giữ trẻ quá thiếu nên buộc các CN phải gửi trẻ ở những nhóm trẻ gia đình hoặc nghỉ việc ở nhà trông con. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng nhà trẻ ở các khu công nghiệp hay khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ cho con CN lại đang loay hoay…

Hiếm doanh nghiệp xây nhà trẻ

Tại TPHCM, doanh nghiệp hiếm hoi tổ chức trường mầm non ngay trong khuôn viên đó là Công ty TNHH Việt Nam Samho (ấp Thạnh An, xã Trung An, huyện Củ Chi, TPHCM). Trường có thể tiếp nhận giữ 200 trẻ. Mỗi tháng, công ty hỗ trợ mỗi cháu 250.000 – 320.000 đồng, tùy theo lứa tuổi. Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, do CN nữ chiếm khoảng 70%, nhiều người phải gửi con về quê nhờ bố mẹ, ông bà trông giúp; số còn lại do không có nơi gửi con nên không thể làm việc hoặc tăng ca. Để CN yên tâm làm việc lâu dài, công ty đã sửa chữa khối văn phòng cũ thành trường mầm non cho con CN”.

Trường mầm non dành cho con công nhân tại Công ty Pouyuen (quận Bình Tân) vẫn chưa thể tiếp nhận trẻ vì vướng thủ tục.

Trong khi đó, doanh nghiệp tiên phong đầu tư xây mới trường mầm non cho con CN lại chưa thể đưa vào hoạt động vì vướng thủ tục. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, cho biết, công ty hiện có gần 80.000 CN, trong đó 81% là nữ. Trước những bức xúc về thiếu nơi giữ trẻ cho CN làm việc, công ty được đầu tư 2 triệu USD xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của 2.000 trẻ em là con của CN đang làm việc tại công ty. Trường có 36 phòng, trong đó có 32 phòng học được thiết kế theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng.

Đây là công trình phúc lợi, hoạt động phi lợi nhuận, chỉ thu học phí tương đương bằng các trường công lập để đảm bảo kinh phí quản lý và hoạt động. Mặc dù trường đã cơ bản hoàn thành nhưng do vướng thủ tục nên vẫn chưa thể hoạt động, vì đây là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và trong giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh không có chức năng để được hoạt động giáo dục.

“Công ty chỉ mong nhà trẻ sớm đi vào hoạt động để CN tiện lợi trong việc gửi con để yên tâm làm việc. Công ty cũng đã đề xuất thuê người quản lý hoặc tặng lại cho địa phương nhưng lại vướng các thủ tục khác. Mặt khác, do số lượng trẻ quá đông nên công ty dành riêng một khu đất trên 4.000m² xây 32 phòng học nhưng nếu được cấp phép thì theo quy định chỉ được tối đa 20 phòng (700 cháu), số phòng còn lại dư thừa quá lãng phí” – ông Nghiệp nói.

Trong khi, tại Điều 116 Bộ luật Lao động quy định: “Ở những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi mẫu giáo”. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp thực hiện theo điều luật này chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Cần chính sách cụ thể

Một cán bộ công đoàn doanh nghiệp có trên 5.000 lao động cho biết, đơn vị có 65% là lao động nữ và có gần 1/3 trong đó là phụ nữ đang nuôi con nhỏ, việc xây nhà trẻ thuộc chính sách xã hội, tuy nhiên để xây nhà trẻ không phải là chuyện đơn giản vì còn lệ thuộc vào đất đai, con người, chính sách… “Doanh nghiệp sẵn sàng chịu chi phí cho nhà trẻ từ thuê địa điểm, bảo mẫu, cấp dưỡng để CN gắn bó với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng muốn xây nhà trẻ ngay trong khuôn viên nhưng lại vướng các quy định về xây trường trong KCN. Nếu thuê mặt bằng bên ngoài, thuê bảo mẫu thì chi phí đội lên rất cao, không đủ sức làm. Nhà nước cần có những chính sách cụ thể để doanh nghiệp thực hiện” – đại diện một doanh nghiệp băn khoăn.

Lý giải thực trạng này, một cán bộ Ban Quản lý các KCX-KCN (HEPZA) TPHCM cho rằng, ngay từ khâu quy định về xây dựng KCX-KCN ở Việt Nam gần như chỉ tập trung hạn định điều kiện về vệ sinh, môi trường, diện tích cây xanh chứ chưa quy định rõ doanh nghiệp có trách nhiệm đối với đời sống CN và con CN, vì thế mà phát sinh những hệ lụy xã hội như hiện nay. Sai lầm trong quy hoạch các KCN tại TPHCM là không đề cập đến việc xây dựng nhà ở, các khu sinh hoạt, nhà trẻ cho con CN ngay trong KCN. Nếu không có giải pháp phù hợp thì rất khó để con CN có chỗ đi nhà trẻ, CN có chỗ ở đàng hoàng để an tâm với công việc và gắn bó với doanh nghiệp.

Hiện tại UBND TPHCM cũng đã chấp thuận đề xuất của HEPZA xin cấp đất tại các vùng cách ly cây xanh trong các KCN để xây dựng trường mầm non nhưng đến nay chỉ có mỗi KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) có nhà trẻ nhưng cũng chỉ với diện tích sử dụng khiêm tốn (khoảng 600m²) và khả năng tiếp nhận chỉ 150 trẻ. Đây cũng có thể gọi là trường mầm non công lập đầu tiên dành riêng cho con CN ở các KCX-KCN trên địa bàn TPHCM. Riêng việc xây mới trường mầm non tại các KCX-KCN hiện nay cũng chỉ mới dừng lại ở… trên giấy.

HỒ THU (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)