Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Lọc ảo tuyển sinh chung hay riêng?

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những dự kiến điều chỉnh trong Quy chế tuyển sinh Đại học năm 2022 của Bộ GD&ĐT đó là lọc ảo đối với các phương thức xét tuyển. Chủ trương này sẽ được Bộ và các trường đại học (ĐH) chốt tại Hội nghị tuyển sinh sẽ diễn ra vào ngày 16/3 tới.

Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học duy nhất 1 lần

Năm 2022, Bộ GD&ĐT dự kiến hoặc sẽ lọc ảo đối với phương thức xét học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT, hoặc sẽ lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc chung tất cả các phương thức.

Đối với lọc ảo các phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, đại diện Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết các phương thức xét tuyển chỉ cần sử dụng kết quả từ một môn thi tốt nghiệp THPT kết hợp với các hình thức xét tuyển khác như môn thi năng khiếu, kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… đều sẽ được Bộ GD&ĐT chạy lọc ảo chung toàn quốc.

Một điểm mới quan trọng khác đang được Bộ GD&ĐT dự kiến là năm nay thí sinh chỉ đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT duy nhất 1 lần. Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho hay Bộ dự kiến sẽ tách việc đăng ký nguyện vọng tuyển sinh ĐH với đăng ký thi tốt nghiệp. Thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển ĐH sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Như thế, thí sinh sẽ đăng ký 1 lần, không phải điều chỉnh nguyện vọng như những năm trước. Thông lệ hằng năm, thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH trên cùng một phiếu, sau khi biết điểm thi, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng một lần hoặc 3 lần như năm 2021. Sự điều chỉnh này nhằm đảm bảo tạo điều kiện tối đa cho thí sinh từ khâu đăng ký, xét tuyển đến đảm bảo tính công bằng, minh bạch khách quan giữa các phương thức tuyển sinh trong một ngành và giữa các trường với nhau, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong khâu xét tuyển.

Lọc ảo tuyển sinh chung hay riêng? ảnh 1

Tuyển sinh đại học năm nay sẽ có nhiều thuận lợi cho thí sinh hơn Ảnh: Như Ý

Theo bà Thủy, khi đăng ký xét tuyển vào ngành, trường khác nhau, thí sinh vẫn sắp xếp thứ tự ưu tiên nguyện vọng đăng ký từ cao xuống thấp, và thí sinh sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng tốt nhất theo năng lực, nguyện vọng, kết quả thi của mình.

Năm 2022, thí sinh đăng ký xét tuyển chủ yếu bằng hình thức trực tuyến, chỉ những trường hợp bất khả kháng mới sử dụng phương thức trực tiếp trên phiếu như trước đây.

Theo bà Thủy, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát chính sách ưu tiên khu vực, đối tượng, áp dụng có lộ trình tạo thuận lợi cho các trường, thí sinh trong việc xác định ưu tiên, vận dụng chính sách ưu tiên.

Thế nào mới hợp lý?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tỏ ra băn khoăn vì cho rằng không thể lọc ảo chung phương thức xét học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Luật Giáo dục ĐH hiện quy định các trường có thể tuyển sinh nhiều lần trong năm. “Với những trường ĐH tư thục tháng nào cũng tuyển sinh và thí sinh đã nhập học xong xuôi hết rồi thì lọc ảo thế nào”, ông Dũng nói.

Một số dự kiến khác của Bộ GD&ĐT điều chỉnh mang tính kỹ thuật trong Quy chế tuyển sinh năm nay như ngưỡng đảm bảo chất lượng cho 2 nhóm ngành khoa học sức khỏe, đào tạo giáo viên; ngưỡng tối thiểu cho học sinh các trường dân tộc nội trú (hiện nay, quy chế cho tuyển thẳng mà không cần điều kiện).

Còn theo PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Bộ GD&ĐT quy định lọc ảo như thế nào cũng không ảnh hưởng nhiều đến trường. Năm nay, trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn tiếp tục chạy phần mềm lọc ảo đối với nhóm trường ĐH khu vực phía Bắc như mọi năm. Nếu Bộ GD&ĐT quy định đưa tất cả các phương thức xét tuyển cùng lọc ảo thì sẽ phải có động thái cấm các trường không được xét tuyển các phương thức riêng trước. “Điều này không vi phạm tự chủ tuyển sinh. Vì trường ĐH được quyết định phương thức xét tuyển còn Bộ GD&ĐT quyết định chương trình kế hoạch để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Hiện nay, thí sinh đã trúng tuyển rồi sẽ bị khóa “sổ” không còn cơ hội lần xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT; hoặc vẫn trắng tay vì điểm chuẩn dâng cao dù trước đó đã đỗ bằng phương thức xét tuyển riêng”, PGS Điền nhận định.

Ông cũng dự đoán nếu quyết định một lần lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển sẽ có một số trường phản đối vì thực tế có nhiều trường muốn “hớt váng” và muốn thuận lợi hơn về mình. Bản thân trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có phương thức xét tuyển tài năng hay kết quả bài thi đánh giá năng lực, nhưng PGS Điền cho biết việc đưa lên hệ thống lọc ảo chung không có gì khó khăn, chỉ là điều chỉnh về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên khi đó, thí sinh muốn xét tuyển bằng phương thức nào vẫn phải tuân thủ “luật chơi” của phương thức đó và ưu tiên nguyện vọng lên đầu tiên. Ví dụ, thí sinh muốn xét kết quả thi đánh giá tư duy vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì điều kiện tiên quyết là phải tham gia kỳ thi và đặt nguyện vọng cao nhất bằng phương thức xét tuyển này rồi mới tiếp đến nguyện vọng sau bằng các phương thức khác.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Bình luận (0)