Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lọc dầu Dung Quất nghỉ bảo dưỡng: Xăng dầu sẽ không khan hiếm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo kế hoạch từ ngày 15.7 tới, Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất sẽ nghỉ bảo dưỡng lớn trong thời gian 2 tháng. Lo ngại về việc thị trường có thể thiếu nguồn cung, giá tăng đã lập tức được các Cty kinh doanh xăng dầu đầu mối khẳng định: Sẽ không có chuyện khan hiếm.

Giảm khoảng 1 triệu tấn

Ông Nguyễn Hoài Giang – TGĐ Cty lọc hoá dầu Bình Sơn – đơn vị quản lý vận hành NMLD Dung Quất – nhận định: Với việc nghỉ bảo dưỡng 2 tháng, NMLD Dung Quất sẽ giảm kế hoạch sản xuất 6 tháng cuối năm khoảng 1 triệu tấn xăng dầu các loại. Tổng lượng sản phẩm theo kế hoạch sản xuất còn 1,9 triệu tấn, thay vì xấp xỉ 2,9 triệu tấn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các đầu mối NK xăng dầu sẽ phải tăng lượng NK thêm khoảng 1 triệu tấn để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang chuẩn bị được nghỉ để bảo dưỡng.

Ông Giang cho biết, từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8, nhà máy sẽ huy động tối đa tới 3.000 nhân lực cùng khoảng 150 chuyên gia nước ngoài của 5 nhà thầu có mặt tại nhà máy. Các công việc bảo dưỡng đã được lên kế hoạch khá tỉ mỉ, gồm hàng trăm đầu việc sửa chữa lớn các phân xưởng công nghệ đến các hạng mục phụ trợ. Ngoài việc giám sát của chủ đầu tư, công ty cũng đã thuê đơn vị tư vấn SK (Hàn Quốc) giám sát việc bảo dưỡng các hạng mục công trình nhằm đạt hiệu quả tối ưu. Tổng giá trị bảo dưỡng và tư vấn giám sát lên tới 36 triệu USD.

Trả lời về việc liệu nhà máy có thể rút ngắn tiến độ bảo dưỡng để cung cấp xăng dầu trở lại, ông Nguyễn Hoài Giang cho biết, Cty sẽ cố gắng ở mức cao nhất để nhanh chóng đưa nhà máy vào hoạt động trở lại.

Đảm bảo nguồn cung

Về phía các DN đầu mối xăng dầu, ông Nguyễn Quang Kiên – Phó TGĐ TCty Xăng dầu VN (Petrolimex) – khẳng định: Xăng dầu Dung Quất ngừng cung cấp không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung của Petrolimex. Trong cơ cấu sản phẩm của DN này, tiêu thụ sản phẩm của Dung Quất mỗi năm theo hợp đồng ký kết khoảng 2 triệu mét khối xăng dầu. Bình quân mỗi tháng, kể cả NK và tiêu thụ của Dung Quất, Petrolimex xuất bán khoảng 750.000m3/tấn.

Trong trường hợp không có nguồn Dung Quất thì mỗi tháng TCty sẽ NK 750.000 tấn, 2 tháng lượng NK khoảng 1,5 triệu tấn. “Hiện cơ chế giá xăng dầu Dung Quất được xây dựng tương đương giá NK, nên DN sẽ không gặp khó khăn khi dừng mua xăng dầu Dung Quất và tăng lượng NK, trong khi các thị trường NK của Petrolimex khá dồi dào. Ngoại tệ cũng không phải là vấn đề” – ông Kiên nói.

Cũng không lo ngại khan hiếm xăng dầu khi NMLD Dung Quất ngừng sản xuất, nhưng ông Đặng Vinh Sang – TGĐ Cty xăng dầu Saigon Petro – lo ngại vì doanh nghiệp này đang tồn kho lớn. Ông cho biết, hiện lượng tồn kho của Saigon Petro đã vượt gấp rưỡi mức dự trữ lưu thông (theo quy định DN phải dự trữ lưu thông khoảng 30 ngày, thì hiện Cty đã có mức dự trữ tới 45 ngày).

Thị trường xăng dầu tại khu vực phía nam đang diễn ra sự cạnh tranh ác liệt giữa các đầu mối phân phối để tăng mức chiết khấu cho đại lý. “Các tháng trước, khi giá xăng dầu tăng cao, nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu lời ăn, lỗ bỏ, đẩy gánh nặng kinh doanh cho một số doanh nghiệp đầu mối lớn.

Đến nay, khi giá bắt đầu hạ, các DN đều lao vào cuộc đua tăng chiết khấu để bán được hàng” – ông Sang nói – “Chúng tôi cũng phải chạy đua mức chiết khấu lên 700-800đ/lít, nếu không các đầu mối bỏ sang lấy hàng Cty khác. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, Saigon Petro đang lỗ lên tới 100 tỉ đồng”.

Hồng Quân / Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)