Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Logo trường học gây phiền

Tạp Chí Giáo Dục

Ở nhiều trường, logo được in hẳn trên áo đồng phục chính khóa, áo đồng phục học thêm rồi đồng phục áo thể dục.

 
“Khoét” logo áo cũ đụp vào áo mới để khỏi bị phạt – Ảnh: M.Hoàng
Hầu hết các trường đều có logo, tạo ra một nét mới trong trang phục cho trường học.
Tuy nhiên, việc sử dụng logo cũng đã gây ra nhiều phiền phức cho học sinh, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn và bao điều không hay khác.
Ở nhiều trường, logo được in hẳn trên áo đồng phục chính khóa, áo đồng phục học thêm rồi đồng phục áo thể dục.
Trường hợp này là do các nhà cung cấp chuyên nghiệp thực hiện, họ có kỹ thuật và kỹ năng in tốt nên cả về chất lượng và mỹ thuật không có gì phàn nàn.
Nhưng ở những trường, nhất là những trường vùng ven, vùng sâu còn nhiều khó khăn chưa có đồng phục thì đầu mỗi năm học, ban giám hiệu yêu cầu học sinh đăng ký số lượng, mỗi học sinh ít nhất phải vài ba cái, sau đó mới hợp đồng với nhà cung cấp thực hiện âm bản đồng thời cho mượn máy ép nhiệt độ cao.
Rồi học sinh nộp áo để cho các “kỹ thuật viên” vốn là giáo viên “thi công” nên cả về kỹ thuật, chất lượng lẫn mỹ thuật đều có vấn đề.
Có những chiếc áo logo treo gần trên vai, ngược lại có những chiếc áo logo ở dưới bụng hoặc muốn chui vào… nách.
Thậm chí có cái logo được in ở sau lưng vì khi in không phát hiện ra đó là loại áo sơ mi nữ cài nút phía sau. Những lỗi có tính chất kỹ thuật đó đã dẫn tới nhiều vụ “lùm xùm” không mong muốn giữa nhà trường với học sinh và gia đình.
Bất cập nữa là nhà cung cấp logo chỉ cho nhà trường mượn máy ép nhiệt độ cao một thời gian ngắn chừng hơn một tháng vào đầu năm học, do vậy có nhiều học sinh chưa kịp mua áo mới đành phải nhận logo về nhà tự in vào áo bằng bàn ủi gia đình, nhiệt độ không đủ làm cho màu sắc, hình ảnh logo trên áo lam nham mờ nhạt, chỉ sau ít lần giặt là bay mất.
Điều phiền phức nhất xung quanh cái logo đối với nhiều học sinh và gia đình nói chung,  nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, đó là việc in chết tên học sinh vào logo và logo thì in chết vào áo.
Học sinh phổ thông ở độ tuổi “hay ăn, chóng lớn”, đa số áo năm trước năm sau đã chật nhưng hãy còn tốt, còn mới thế mà không để lại cho ai mặc được!
Cầm lòng được không khi biết rằng từng có một học sinh trung học phổ thông thuộc diện hộ nghèo, cha mẹ đi làm xa phải ở với bà, đầu năm không có tiền mua áo mới nên không đăng ký mua logo, đến hết học kỳ I mới mua được chiếc áo mới để đổi thay nhưng khi mặc đến trường lại bị giám thị phạt và buộc về mời phụ huynh vào trao đổi vì lỗi mặc áo không có logo.
Chẳng còn cách nào khác bà em đành phải “khoét” logo từ chiếc áo cũ đụp vào áo mới.
Còn một việc khác là từ khi sử dụng logo, nhiều gia đình và từng ấy học sinh rất trăn trở, áy náy vì bỗng dưng thấy mình trở thành kẻ lãng phí, ích kỷ bởi khi những chiếc áo của mình trở nên chật chội, không mặc được nhưng còn khá tốt cũng đành xếp cất, trong khi có rất nhiều bạn, nhiều em ngay bên cạnh còn khó khăn, thiếu thốn mà mình không thể chia sẻ! 
Không thiếu giải pháp
Tại sao nhất thiết phải in “chết” tên học sinh vào logo? Tại sao nhất thiết phải in “chết” logo đó vào áo?
Tên hoàn toàn có thể thêu mà thêu bao giờ cũng đẹp, có ý nghĩa hơn in và dễ dàng tháo ra thêu tên khác.
Với trình độ công nghệ in ấn hiện nay hoàn toàn có thể tạo ra logo trên những chất liệu tốt, dễ đính vào cũng dễ gỡ ra mà không cần phải “khoét”.
Những chiếc áo có logo như vậy khi chủ nó không thể mặc nữa chắc chắn sẽ trở thành những nhịp cầu nhân ái để những học sinh ở thành phố, thị xã, có điều kiện về kinh tế có thể kết nối và sẻ chia cho những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo còn khó khăn trăm nỗi…
LÊ MINH HOÀNG
(Trường THPT Long Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang)
TTO

Bình luận (0)