Y tế - Văn hóaThư giãn

Lời ai điếu cho cách làm phim lễ lạt?

Tạp Chí Giáo Dục

Làn sóng dư luận một lần nữa lại xôn xao câu chuyện điện ảnh “kinh điển” chỉ có ở VN: phim “cúng cụ”.
Bộ phim Những người viết huyền thoại được đánh giá tốt và truyền thông ủng hộ nhưng cũng không kéo được nhiều khán giả đến rạp – Ảnh: ĐPCC
Sống cùng lịch sử của êkip đạo diễn Nguyễn Thanh Vân không phải là hiện tượng duy nhất của điện ảnh lễ lạt, cũng không phải là chuyện mới, mà nó đã tồn tại hơn chục năm nay. Những tranh cãi quanh nó chỉ là chuyện bắt cóc bỏ đĩa, nếu không dũng cảm nói lời ai điếu cho một cách làm phim “cúng cụ”!
"Những bộ phim hoành tráng của Hollywood khán giả còn bão hòa thì huống gì họ còn quan tâm đến những bộ phim lễ lạt Việt với kỹ thuật dàn dựng phim lạc hậu, kỹ xảo thô vụng và những diễn viên vô danh không ai biết. Trong khi đó nội dung vẫn một màu hùng ca cũ, những câu chuyện phim không mới hơn những gì trong sách lịch sử, những nhân vật có tính cách đơn điệu, nhàm chán lại cố nhét thêm vào dăm ba bài học tuyên truyền đã quá lạc thời…"
“Lịch sử” không ai muốn sống cùng!
10 năm trước, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và êkip “đốt” 13 tỉ đồng cho bộ phim Ký ức Điện Biên nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim chiếu ba ngày ở rạp Đống Đa ngay trung tâm Q.5 (TP.HCM), bán được 60 vé và lặng lẽ rút khỏi rạp không kèn không trống, dù đạo diễn nói phim đã phục vụ miễn phí cho cả triệu lượt người xem, đáp ứng mục đích tuyên truyền của bộ phim.
10 năm sau, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và êkip tiếp tục “đốt” 21 tỉ đồng cho Sống cùng lịch sử nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, mà kết cục thảm bại không kém. Đạo diễn cũng biện minh rằng phim đã thực hiện tốt mục đích chính tuyên truyền. Giữa hai bộ phim này, 10 năm qua cũng có không dưới 10 bộ phim ra đời nhờ được Nhà nước đặt hàng nhân dịp lễ lạt nào đấy, như Cầu Ông Tượng của Phi Tiến Sơn cũng đốt trên dưới 15 tỉ đồng, Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại cũng trên dưới 10 tỉ đồng…
Cá nhân tôi không cho rằng những bộ phim kể trên dở đến mức không ai muốn vào rạp xem phim. Ví dụ như năm ngoái có dịp xem bộ phim Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, thấy đây là một bộ phim rất khá, và với mức kinh phí dưới 10 tỉ đồng mà thực hiện được như thế thì không thể chê trách được gì nhóm làm phim cả.
Tuy nhiên, dù sau đó bộ phim được báo chí hỗ trợ khá nhiều và được Hãng BHD phát hành ở những khung giờ khá đẹp, bộ phim này vẫn không thu hút được thêm bao nhiêu khán giả. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân – vốn cũng là một tên tuổi của điện ảnh VN 10 năm trước, tác giả của không ít bộ phim hay về đề tài hậu chiến như Cây bạch đàn vô danh, Đời cát, Trái tim bé bỏng – lại càng không thể là một đạo diễn bất tài vô tướng.
Vậy thì điều gì khiến những bộ phim mang đậm màu sắc anh hùng ca của một lịch sử hào hùng chưa xa như thế lại khiến lớp khán giả hôm nay gần như quay lưng mà không cần biết nó hay dở thế nào? Gần đây, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân trả lời phỏng vấn có nói rằng bộ phim 21 tỉ đồng này chỉ có 50 triệu đồng để quảng bá nên khán giả hầu như không biết. Tôi có đọc được một ý của khán giả đưa ra một thách đố rằng nếu “cho” đạo diễn gấp 10 lần con số đó, là 500 triệu đồng để quảng bá, thì đạo diễn có đảm bảo lôi kéo được khán giả đến rạp không?
Lời thách đố có tính “vỗ mặt” đó có lẽ là cảm giác của hầu hết khán giả, những người đã quá chán ngán với những bộ phim minh họa lịch sử một cách thô sơ cũ mòn, kể chuyện sáo rỗng và tư duy làm phim cũ kỹ.
30, 40 năm trước, những bộ phim như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Cánh đồng hoang, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội… lôi kéo hàng triệu khán giả đến rạp là bởi những bộ phim đậm chất sử thi anh hùng ca này gắn liền với cuộc chiến tranh bảo vệ sự tồn vong của đất nước và khán giả thời đó cũng không có nhiều điều kiện giải trí để lựa chọn.
Chưa kể đó là những bộ phim xuất sắc thật sự. Đất nước hòa bình đã gần 40 năm, khi cảm hứng anh hùng ca không còn mục đích tự thân nữa, đến những bộ phim hoành tráng của Hollywood khán giả còn bão hòa thì huống gì họ còn quan tâm đến những bộ phim “cúng cụ” Việt với kỹ thuật dàn dựng phim lạc hậu, kỹ xảo thô vụng và những diễn viên vô danh không ai biết. Trong khi đó nội dung vẫn một màu hùng ca cũ, những câu chuyện phim không mới hơn những gì trong sách lịch sử, những nhân vật có tính cách đơn điệu, nhàm chán lại cố nhét thêm vào dăm ba bài học tuyên truyền đã quá lạc thời…
“Lịch sử” đó, chắc không khán giả nào muốn sống cùng!
Ai dám nói lời ai điếu?
Chỉ sau một năm của đổi mới, năm 1987 nhà văn Nguyễn Minh Châu đã dũng cảm lên tiếng: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, trong đó ông viết: “Mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn.
Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế (thậm chí có phần nào các nhà văn mới đi theo cách mạng và kháng chiến còn coi đó là cái mới, là hoàn cảnh “lột xác”). Từ đấy rồi trở thành thói quen…”.
10 năm trước, năm 2004, đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng lên tiếng về “Lời ai điếu cho một nền điện ảnh công chức”, trong đó ông viết: “Xã hội VN bước vào cơ chế thị trường đã gần 20 năm mà điện ảnh VN thực chất vẫn là một nền điện ảnh bao cấp, những người làm việc trong ngành điện ảnh, kể cả đội ngũ sáng tác đều là những công chức ăn lương nhà nước. Họ làm được phim hay thì Nhà nước được nhờ, nền điện ảnh được nhờ, mà làm không tốt, không hay thì đành chịu; đã là người trong biên chế nhà nước thì đến 60 tuổi họ mới về hưu, còn không thì cứ phải giao phim cho họ làm”.
Cá nhân tôi, một người xem và theo dõi khá sát sao đời sống điện ảnh VN hơn 15 năm nay, và theo dõi không ít cuộc tranh cãi quanh chuyện phim “cúng cụ” lãng phí tiền tỉ tiền thuế của dân, cuối cùng đâu lại vào đấy. Phim “cúng cụ” tiếp tục sản xuất, năm sau kinh phí cao hơn năm trước và tiếp tục chịu cảnh đắp chiếu. Hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm mở ra và kết cục là “bắt cóc bỏ đĩa”. Chưa có ai dám như Nguyễn Minh Châu của thời đổi mới hay Đặng Nhật Minh của thời mở cửa, dám đọc lời ai điếu cho cách làm phim “cúng cụ”!
Theo TTO


 

Bình luận (0)