Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lội bùn… rà phế liệu

Tạp Chí Giáo Dục

Nghề rà phế liệu chỉ mới xuất hiện gần đây ở một vài địa phương vùng ven TP.HCM. Không nguy hiểm như những người rà phế liệu, bom mìn ở các tỉnh miền Trung nhưng sự vất vả, cực nhọc cũng đủ làm cho con người ta chán ngán.
Năng nhặt chặt bị

Anh Nguyễn Văn Tuấn

Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, tôi tìm đến khoảng giữa con đường tạm dẫn vào khu dân cư Làng đại học (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) khi mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Ở đó tôi gặp một người đàn ông với vóc dáng gầy còm, da dẻ xanh xao. Khi tôi tiến lại gần, anh vẫn không hề quan tâm những gì đang diễn ra xung quanh mình mà chỉ say sưa bới móc đống bùn khô cứng nằm sát vệ đường. Được biết anh tên Nguyễn Văn Dậu, ở trọ địa phương này từ năm 2007. Đã quá trưa, anh chưa nghỉ sao? Tôi bắt chuyện. “Ráng chút nữa may ra kiếm được miếng sắt vụn chứ từ 5 giờ sáng đến giờ mà chỉ có được khoảng hơn 2 kg”. Anh Dậu lắc đầu nói kèm theo tiếng thở dài. Anh Dậu tìm phế liệu không giống như những người khác ở đây. Bộ đồ nghề của anh Dậu là cái cuốc tay (hình dáng giống cái cuốc đất nhưng lưỡi rất nhỏ và cán cuốc dài chỉ bằng nửa cánh tay, một cái bao và một chiếc móc sắt hình chữ S mảnh mai được chế từ sắt vụn. Sao không mua máy rà như người ta? Tôi hỏi. “Cũng có đấy chứ nhưng bị hư cả tháng nay rồi, không có tiền mua máy mới đành phải làm như thế này”. Anh Dậu giải thích.
Hơn một giờ đồng hồ, anh Dậu cứ đào, bới, chốc chốc anh đứng dậy ngửa người ra sau, dùng nắm tay đấm nhẹ vào sau sống lưng rất sảng khoái. Trung bình mỗi ngày anh Dậu kiếm khoảng 4 kg sắt vụn. Anh Dậu nói: “Cái nghề của mình chẳng khác nào ngày xưa đi mót khoai lang, khoai mì ở ngoài quê. Đi mót sớm thì may ra còn có chút đỉnh chứ đi trễ, “hẻo” là cái chắc”.
Vì điều kiện hành nghề thua kém người ta nên anh Dậu chỉ kiếm phế liệu ở những nơi có xà bần hoặc bùn khô (nơi đã qua nhiều người rà sắt). Trong lúc đào bới, gặp một cây đinh bé tí, gỉ sét anh Dậu cũng không bỏ. Anh Dậu nói: “Dầm mưa dãi nắng cả ngày nhưng thu nhập cao lắm chỉ khoảng 40 ngàn đồng/ ngày. Tuy tôi không bao nhiêu tuổi nhưng vì sức khỏe yếu không thể đi làm thuê làm mướn gì được”.
Anh Dậu ít nói, cái nhìn xa xăm và nặng trĩu như ẩn chứa điều gì đó mà chưa biết tỏ cùng ai. Khó khăn lắm tôi mới được anh “khai” về cái quá khứ chẳng mấy sáng sủa của gia đình anh. Anh Dậu xuất thân trong một gia đình nghèo ở tỉnh Quảng Trị. Năm 12 tuổi, anh Dậu đã theo cha đi rà bom mìn về cưa bán phế liệu. Cái nghèo không có tội nhưng tai nạn không trừ gia đình nghèo như anh. Đang cưa thì một tiếng nổ kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của cha anh và người anh cả. Anh Dậu tâm sự: “Cũng may chiều hôm ấy tôi đi thi (đang học lớp 8-NV) chứ ở nhà thì cũng theo anh và cha rồi. Mỗi lần đào bới, nghĩ đến cha và anh tôi muốn bỏ nghề nhưng thân hình tôi thế này thì làm gì mà ăn?”. Chết vì nghề, sống cũng nhờ nghề là câu chuyện của cuộc đời anh, của gia đình anh Dậu. “Tôi từng mơ một cuộc sống đủ ăn, đủ mặc trong một căn nhà có đầy đủ người thân yêu ở khu vực hạ lưu con sông Bến Hải (tỉnh Quảng Trị nằm hai bên sông Bến Hải – PV) nhưng nào có được. Gia đình tôi từng khóc ngày khóc đêm vì hậu quả của nghề rà và cưa bom mìn bán phế liệu, giờ gia đình biết tôi làm nghề này chắc họ chết đứng, mặc dù rà phế liệu kiểu này chẳng có gì đáng ngại”. Anh Dậu day dứt.
Làm đêm ngủ ngày
Anh Nguyễn Văn Tuấn, ngụ ấp 5, xã Phước Kiển nói: “Ở đâu có bùn là tôi tìm đến. Mỗi kg sắt (sau khi phơi khô, chùi rửa sạch) bán với giá 4.000 đồng. Có hôm đi từ Nhà Bè sang quận 8 rồi vòng về quận 7 chỉ rà được 1kg sắt”
Ở vệ đường đại lộ Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh nhiều tháng nay xe ben đổ bùn trộm rất nhiều, nhất là từ 12 giờ đêm trở về sáng. Nắm được “lịch trình”, những người làm nghề rà phế liệu ra khu vực này túc trực, bất kể trời mưa gió. 5 giờ sáng một ngày đầu tháng 5, trời mưa lất phất, tôi tìm đến ngã tư quốc lộ 50 – Nguyễn Văn Linh, khi ấy có người đã chuẩn bị chất hàng lên xe chở về, cũng có người mới bắt đầu công việc. Tiếp chuyện với tôi, anh Bảo (phường Tân Thuận, quận 7) cho biết: “Tối qua vui quá, lỡ uống xỉn nên sáng dậy sớm không nổi đến nơi thì người ta đã “càn” hết rồi. Thôi thì cũng cố “lội” thử sao, biết đâu còn phế liệu”. Vừa dứt lời, anh Bảo liền băng qua đống bùn khô để đến chỗ đống bùn ướt rà sắt. Đi được một quãng, anh Bảo ngoái đầu lại nhờ tôi: “Ông xách chiếc xe (xe đạp – PV) của tui quăng mạnh vào trong đống bùn giùm đi”. Thấy tôi đang ngẩn tò te, anh Bảo tiếp: “Đề phòng kẻ gian”.
6 giờ sáng, theo quan sát của tôi chỉ còn anh Bảo và một người nữa đang hì hục lội trong bùn nhớp nhúa, có nơi lún qua khỏi đầu gối. Người đó là Thanh, tên thường gọi là “Thanh Đen”, quê Bắc Ninh, hiện thuê trọ gần cầu Kênh Sáng, quận 8. Là người mới vào nghề chỉ vài tháng nay nhưng anh Thanh cũng “dày” kinh nghiệm lắm. Có nhiều lý do khiến máy rà không phát hiện được phế liệu như máy yếu, phế liệu bị chôn sâu trong bùn… thì người rà sắt phải nhờ đến cặp mắt tinh tường của mình. Anh Thanh bật mí kinh nghiệm: “Khi rà, nếu có phế liệu, máy sẽ báo tiếng “e e”, còn mắt không phải lúc nào cũng cắm xuống theo máy mà phải quan sát xung quanh để phát hiện những chỗ “bất thường” trên mặt”. Bất thường là sao, có phải trong bùn có miểng chai hay kim tiêm gì đó? “Không, đó là những chỗ lồi, lõm trên mặt do bùn ướt lan ra, rất có thể sắt hoặc bê tông (chưa đập) đang nằm dưới đó. Làm cả bằng tay và bằng mắt như vậy mà còn đói nữa là”. Anh Thanh chia sẻ.
Trần Trọng Tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)