Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lời cảnh tỉnh với mọi người

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu tôi là cô Bích Ngọc trong tình huống này tôi chọn giải pháp thứ 3 là sẽ tịnh tâm và cho đọc công khai bức thư của em học sinh đó trước hội đồng sư phạm, coi như đây là một bài học quý để tất cả mọi người cùng rút kinh nghiệm trong việc giáo dục các em học sinh ở mọi nơi, mọi lúc.
Theo tôi bản thân cô Bích Ngọc, tất cả giáo viên và cán bộ quản lý đều phải kiểm điểm lại bản thân mình trong cách ứng xử với các em học sinh, tại sao chúng ta lại đòi hỏi các em theo chuẩn mực đạo đức mà bản thân mình lại không ngừng rèn luyện với chính mình. Cô Bích Ngọc là một giáo viên có tâm vì cô luôn chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh do xã hội hiện nay có nhiều gương xấu xảy ra hằng ngày. Với vấn đề học sinh không hát quốc ca, tôi không đồng ý với cách cư xử của cô giáo khi chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân đã phê bình em học sinh đó trước tập thể, khiến tâm hồn em bị tổn thương và đây sẽ để lại hậu quả nặng nề với tâm lý trẻ nhỏ.
Theo tôi mọi thành viên trong nhà trường hãy coi đây là bài học quý, là lời cảnh tỉnh đối với mọi người: “trăm nghe không bằng một thấy – trăm thấy không bằng một việc làm” trong việc giáo dục hành vi đạo đức học sinh trong và ngoài nhà trường. “Người lớn làm gương” là một trong những cách giáo dục hiệu quả nhất đối với những mầm non, những chủ nhân tương lai của thành phố, của đất nước. Mỗi thầy cô giáo hãy sống có trách nhiệm đến từng học sinh, từng trường, từng lớp…
Đối với tôi đây là cuộc vận động rất cần thiết và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay khi xã hội đòi hỏi phải tạo ra “sản phẩm” biết sáng tạo, năng động, chủ động trong mọi tình huống phù hợp với xã hội Việt Nam trong thời kỳ mới.
Khi chúng ta xây dựng được môi trường học thân thiện, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều điều từ nơi các em mà trước đây mình tưởng đã biết tất cả. Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sống động cho học sinh và học sinh là tấm gương phản chiếu lại thành quả mà mình đã gia công giáo dục trong những năm tháng trên bục giảng. Nơi đây không chỉ học sinh được học tập kiến thức văn hóa có hệ thống, mà các em còn được hình thành cho mình những kỹ năng sống cần thiết, biết chia sẻ, biết quan tâm và giúp đỡ mọi người, biết bộc lộ quan điểm, biết tự tin đứng lên khi vấp ngã… và hình thành nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa mà xã hội không ngừng đòi hỏi.
Phạm Thị Tuyết Anh
(Trường Tiểu học Kim Đồng – Gò Vấp)

Bình luận (0)