Nhân dịp nhận được thắc mắc của bạn đọc về 2 từ “sum suê”, “xum xuê” thì dùng từ nào là chính xác, chúng tôi tra cứu từ điển thì được biết cả 2 từ “sum suê”, “xum xuê” cùng được sử dụng theo kiểu “lưỡng khả” với nhóm từ có âm đầu S-X, cùng được xem là viết đúng chính tả, chứ không có trường hợp nào bị lỗi cả.
Cả 3 từ “xum xuê, sum suê, sum sê” sử dụng đều đúng
Đồng thời, từ điển còn ghi nhận thêm trường hợp thứ 3 là từ “sum sê” cùng chỉ một khái niệm như 2 từ trên và ghi rõ: “sum suê” là từ ít dùng, đề nghị xem mục từ “sum sê” [tr. 842]. “Xum xuê” cũng đề nghị xem mục từ “sum sê” [tr. 1.121]. Cuối cùng, từ điển giải thích “sum sê” là tính từ với nghĩa là chỉ cây cối có nhiều cành lá rậm rạp, tươi tốt. Ví dụ như: Cây cổ thụ cành lá sum sê. Vườn quả sum sê. [Hoàng Phê chủ biên (1995), Từ điển tiếng Việt, tr. 842].
Như vậy, dạng chuẩn của nhóm 3 từ này được từ điển công nhận là từ “sum sê”, còn 2 từ “sum suê”, “xum xuê” cũng đều có thể dùng được với tư cách một trường hợp “tam khả” – tất cả đều đúng. (hình 1)
Lỗi chính tả âm đầu S-X
Sở dĩ nhiều người còn lấn cấn, do dự khi chọn một hai từ “sum suê/ xum xuê” bởi vì họ e ngại mắc lỗi chính tả khi viết các từ có âm đầu S-X; đây là một trong 3 trường hợp nhầm lẫn âm đầu tiêu biểu của cư dân vùng phương ngữ Bắc bộ. Cộng đồng cư dân ở vùng phương ngữ này khi viết thì có thể phân biệt được, nhưng khi phát âm thì đồng nhất hai phụ âm S-X với nhau, cùng đọc là /s/ (xờ) chứ khó phát âm /ʂ/ (sờ). Nguyên nhân mà các nhà ngữ học đã chỉ ra là bởi S thuộc trong nhóm 3 phụ âm quặt lưỡi R, S, TR mà cư dân Bắc bộ khó phát âm, nên hay bị phát âm đồng nhất theo các phụ âm khác là R→D/GI (Ví dụ: râu→dâu/giâu), S→X (sấu→xấu), TR→CH (trâu→châu). Từ đó dẫn đến hiện tượng học sinh tiểu học ở vùng phương ngữ này hay bị phạm lỗi chính tả khi viết các từ có chứa một trong 3 âm đầu quặt lưỡi này.
Thực tế, trên nước ta hiện nay hiếm có vùng phương ngữ/ thổ ngữ nào phát âm hoàn toàn lý tưởng theo đúng chuẩn chính tả tiếng Việt 100%, mà vùng nào cũng mắc lỗi (so với lý thuyết chuẩn chính tả/ chính âm) không nhiều thì ít, không ở vị trí âm vị này thì ở vị trí âm vị khác trong 5 vị trí âm vị: âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối và thanh điệu. Trong tương quan chung như trên, ở các vùng phương ngữ Trung bộ, Nam bộ – cũng do đọc sao viết vậy – mà học sinh tiểu học lại mắc phải các lỗi chính tả khác khi viết như nhầm lẫn âm đầu V→D/GI (Ví dụ: viết →diết/giết); âm cuối -T→-C (bát→bác), -N→-NG (bàn→bàng); thanh điệu hỏi↔ngã (sửa↔sữa)…
Trở lại với lỗi phát âm Bắc bộ S→X, GS. Đoàn Thiện Thuật nhận xét: “Người Hà Nội và ở nhiều địa phương trên miền Bắc không phân biệt c/tʂ, s/ʂ, z/ʐ trong giao tế hằng ngày, nghĩa là phát âm như nhau các âm đầu đang xét trong các từ sau đây: “che chở” và “cây tre”, “xa xôi” và “nước sôi”, “da thịt”, “gia đình” và “đi ra”. Tất cả các âm đầu này đều được phát âm với đầu lưỡi bẹt” [Đoàn Thiện Thuật (1999), Ngữ âm tiếng Việt, tr. 159]
Hiện tượng “lưỡng khả”, “tam khả”
Trong từ vựng tiếng Việt, hiện tượng “lưỡng khả” của các cặp từ có âm đầu dễ nhầm lẫn trong phương ngữ Bắc bộ tồn tại không ít. Như trường hợp các cặp từ có âm đầu D-GI lưỡng khả, trong một công trình nghiên cứu, người viết bài này đã có dịp thống kê và thu được kết quả có hơn 50 từ có thể viết âm đầu là D hoặc GI đều được; ví dụ như: dàn/giàn (mướp), (trôi) dạt/giạt, (cơn) dông/giông, dội/giội (nước), (thư) dãn/giãn… trong thực tiễn sử dụng tiếng Việt hiện nay, viết cách nào cũng đúng.
Tương tự, nhiều trường hợp “lưỡng khả” của các cặp từ âm đầu S/X, mà người viết sử dụng một trong hai dạng đều đúng, như: chổi sể (cũng viết/cũng nói) = chổi xể, eo sèo = eo xèo, kếch sù = kếch xù, kiêu sa = kiêu xa, rên siết = rên xiết, suýt té = xuýt té, sỉ vả = xỉ vả, … cùng những trường hợp lưỡng khả S-X và X-S, chúng tôi tạm kê ra dưới đây: sả3/ xả2, sá/ xá, sải xải, săm sắn/ xăm xắn, sắm nắm/ xắm nắm, seo2/ xeo2, sệ/ xệ, sề sệ/ xề xệ, sù/ xù2, sù sì/ xù xì, sủng soảng/ xủng xoảng; xổng/ sổng, xổng xểnh/ sổng sểnh, xá1/ sá1, xa xả/ sa sả, xà lan/ sà lan, xải/ sải1, xàm xỡ/ sàm sỡ, xạm/ sạm, xán1/ sán1, xao nhãng/ sao nhãng, xẩm/ sẩm, xâm xẩm/ sâm sẩm, xây xát/ sây sát, xiểm nịnh/ siểm nịnh, xiết2/ siết, xoi mói/ soi mói, xoong/ soong, xồn xồn/ sồn sồn1, xù2/ sù, xúc xắc/ súc sắc, xuýt2/ suýt, xuýt xoát/ suýt soát, xuỵt/ suỵt, xửng cồ/ sửng cồ… [Hoàng Phê, sách đã dẫn] (hình 2)
Một trường hợp lưỡng khả S-X viết “sổng” hay “xổng” đều đúng
Hiện tượng “tam khả” trong trường hợp 3 từ: “xum xuê”, “sum suê”, “sum sê” như vừa đề cập trên quả là hiếm gặp; duy chỉ ghi nhận thêm trường hợp “tam khả” từ có âm đầu S với với tính từ: sóng soài/ sóng soải/ sóng sượt = “Ở tư thế nằm thẳng dài người ra, không động đậy”. Tuy nhiên, bên cạnh trường hợp ít ỏi một từ có thể viết âm đầu là S hoặc X đều đúng như “sum suê/ xum xuê”, còn lại khá nhiều cặp từ có âm đầu S-X khó phân biệt, dễ nhầm lẫn và hay bị viết sai chính tả.
Mẹo sửa lỗi chính tả S-X
Có thể coi mẹo chính tả là những cách thức giản tiện, dễ nhớ do các nhà ngôn ngữ đặt ra. Mẹo chính tả giúp cho người viết dễ dàng tìm ra cách viết đúng một cách nhanh nhất mà không cần phải tra cứu từ điển. Nói chung, cách phân biệt S/X không có quy luật riêng. Cách sửa chữa lỗi chính tả này hiệu quả nhất là nắm nghĩa của từng từ, rèn luyện trí nhớ bằng cách đọc nhiều và viết nhiều, đồng thời ghi nhớ và vận dụng một số mẹo Luật Chính tả thông dụng, như: X xuất hiện trong các tiếng có âm đệm u/o như: xuề xòa, xoay xở, xoành xoạch, xuềnh xoàng…, còn S chỉ xuất hiện trong một số ít các âm tiết có âm đệm như: soát, soạt, soạn, soạng, suất. X và S không cùng xuất hiện trong một từ láy.
Xin giới thiệu thêm một mẹo nhỏ trong cách xác định âm đầu S-X của PGS. Lê Trung Hoa: tên các con vật và cây cối thường có âm đầu là S: sáo, sâu, sên, sếu, sò, sóc, sói, sáo sậu, sư tử, sơn ca, san hô… và sả, sắn, sim, sung, sến, sầu riêng, su hào, su su, so đũa…, trừ các trường hợp: xoài, xoan, xương rồng, vịt xiêm… Việc xác định các trường hợp lưỡng khả, tam khả và phân biệt các từ có âm đầu S-X, nắm vững mẹo Luật Chính tả cùng với ghi nhớ nghĩa của từ giúp cho các em học sinh chọn từ đúng, nhanh khi làm văn; củng cố kiến thức về tiếng Việt, nâng cao chất lượng học tập môn ngữ văn; đồng thời tăng thêm lòng yêu quý tiếng mẹ đẻ giàu đẹp, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Đỗ Thành Dương
Bình luận (0)