Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lợi cho thí sinh, khó khăn cho trường

Tạp Chí Giáo Dục

Đúng như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã hứa, hướng dẫn thi và tuyển sinh 2016 được ngành công bố trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đúng 1 ngày. Trong hướng dẫn tuyển sinh năm nay, nhiều điểm có lợi cho thí sinh nhưng lại gây khó khăn cho các trường.

Thí sinh thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM năm 2015. Ảnh: M.TÂM

Thí sinh lợi

Trong hướng dẫn, Bộ GD-ĐT đã có một số điều chỉnh so với năm 2015. Các điều chỉnh này về cơ bản đều có lợi cho thí sinh. Cụ thể, thứ nhất việc quy định mỗi đợt xét tuyển thí sinh được phép đăng ký xét tuyển ở nhiều trường (hai trường ở đợt 1, ba trường ở các đợt sau), mỗi trường tối đa hai ngành, vừa giúp thí sinh có nhiều lựa chọn để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành/trường phù hợp như năm 2015, vừa khắc phục tình trạng thí sinh liên tục và ồ ạt rút đăng ký xét tuyển từ trường này để nộp sang trường khác như đã xảy ra năm 2015. Ngoài ra, quy định đăng ký xét tuyển ở mỗi trường ĐH chỉ được tối đa hai ngành thay vì tới bốn ngành như quy định năm 2015 buộc thí sinh phải suy nghĩ nghiêm túc trong việc lựa chọn ngành học, tránh đăng ký theo kiểu “cứ ngành nào trúng tuyển là được” mà không quan tâm đến sở thích và sở trường.

Thứ hai, các đơn vị chủ trì cụm thi được quyền công bố kết quả của cụm thi sẽ giúp thí sinh và người nhà tra cứu kết quả thi một cách nhanh chóng, không phải chờ đợi nhiều do có quá nhiều người truy cập tập trung vào một số máy chủ gây nghẽn mạng như năm 2015. Thứ ba, trường ĐH chủ trì cấp duy nhất một giấy chứng nhận kết quả thi có mã số để sử dụng trong đăng ký xét tuyển sẽ giúp thí sinh có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến trên website của các trường ĐH mà không cần phải đến nộp đăng ký xét tuyển trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện. Và cuối cùng, việc quy định mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức cụm thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ sẽ giảm đáng kể lượng thí sinh phải di chuyển ra 38 cụm thi tập trung ở các thành phố như năm 2015.

Tuy nhiên, đánh giá về những điều chỉnh này,  PGS. Nguyễn Văn Nhã, nguyên Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định về cơ bản Công văn 525 (hướng dẫn thi và tuyển sinh 2016) vẫn giữ phương án tuyển sinh ĐH, CĐ như năm 2015; chỉ bổ sung một vài điểm mà dư luận xã hội còn phàn nàn, chứ chưa có thay đổi mới đột phá nào. Những gì đã thấy bất cập về tổ chức thi, về phúc khảo, về lấy kết quả thi, đăng ký xét tuyển có nói rõ thêm nhưng vẫn “như năm 2015” có giải thích thêm.

Trường sẽ ảo

Phân tích về những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2016 và tuyển sinh vào ĐH, CĐ, PGS. Nguyễn Văn Nhã cho rằng mỗi thí sinh được đăng ký vào 2 trường (mỗi trường vào 2 ngành = 4 nguyện vọng) đợt 1 và được đăng ký vào 3 trường (mỗi trường 2 ngành = 6 nguyện vọng) cho các đợt bổ sung. Như vậy sẽ xảy ra tình trạng ảo rất lớn, gây khó khăn, thiệt hại cho các trường. Có thể xảy ra thí sinh sẽ tập trung vào một số trường công lập gây nên ảo lớn, những trường ngoài công lập thiếu nguồn tuyển sẽ bị ảnh hưởng ra sao. Cũng theo ông Nhã, khi đã ảo, các trường phải lường trước để gọi dôi dư nhiều hơn chỉ tiêu dự định và không đoán được là khoảng bao nhiêu % thí sinh được gọi nhập học sẽ đến. Điều này nguy hiểm như tổ chức đám cưới mà phát đi lượng thiếp mời khách nhiều hơn số bàn tiệc dự kiến quá nhiều ắt dẫn đến thừa cỗ hoặc thiếu cỗ (dở khóc dở cười)… Thí sinh thì vẫn còn tình trạng “a dua theo chúng bạn” nên cũng không xác định học ngành theo sở trường, do đó lượng ảo lại càng lớn, (chắc chắn các trường ngoài công lập không thể có nhiều thí sinh nhập học đợt đầu).

Nói thêm về vấn đề ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu (điểm sàn) khi nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết phải quy định, PGS. Nguyễn Văn Nhã cho rằng trong Đề án tuyển sinh riêng các trường đều xác định chuẩn đầu vào (ví dụ điểm trung bình các môn học được xét tuyển phải đạt 6,0 trở lên) nhưng nếu bỏ ngưỡng (điểm sàn) thì vẫn chưa được. Đơn giản là kỳ thi ĐH, CĐ mà không có ngưỡng (điểm sàn) thì chẳng cần tổ chức thi mà làm gì?! Cứ xét học bạ là được! Vậy vấn đề là đã có bất kỳ đợt thi nào thì phải có một “barie” để phân biệt người đỗ (pass) và người trượt (out). Các trường lại phải “gồng lên” để lo tuyển sinh nếu trường chưa thực sự có thương hiệu trong xã hội. Năm 2015 nhiều trường công đã hạ sàn đến đúng ngưỡng, dẫn đến tình trạng tổng số thí sinh “dành lại” cho các trường ngoài công lập rất ít ỏi. Hết tháng 10, nhiều trường vẫn “bàng hoàng” không biết thí sinh đi đâu mà trường nào cũng tuyển không đủ chỉ tiêu.

Nghiêm Huê

Bình luận (0)