Một hôm, cũng đã trưa lắm rồi, tôi đang tổng hợp lại hồ sơ thì có hai học sinh lớp 2 lấp ló ngoài cửa. Rồi một em dạn dĩ hơn bước vào nói rằng: “Cô ơi, cô cho bạn Hiền 2 ngàn đồng đi”. Tôi hơi ngạc nhiên, cũng không la rầy gì hai em mà khuyên: “Các em không nên xin tiền cô như thế!”. Nghe vậy, hai em đã bỏ về lớp (vì đã đến giờ ngủ trưa). Một lát sau, bà Lão (cách gọi thân quen của các thầy cô giáo trong trường đối với người làm bếp lớn tuổi) lên xin lỗi tôi vì bà có nói giỡn với những học sinh ăn chậm rằng: “Ai ăn nhanh… lên cô hiệu trưởng cho 2 ngàn đồng”.
Rõ ràng bà giỡn như thế là không nên, và bà cũng đã xin lỗi nhưng trong thâm tâm tôi cảm thấy như mình vừa không thực hiện lời hứa với học sinh, vừa thấy có lỗi khi chưa có biện pháp tích cực để giáo dục các em, và vừa thấy có chút gì đó “nghi oan” học sinh khi nghĩ các em không ngoan… Tuy nhiên, lời một cô giáo chen ngang suy nghĩ của tôi: “Bà Lão đã làm cho các em học sinh hư rồi!”.
Vốn dĩ bà Lão có đông con, đông cháu, bà đã chăm sóc cho từng đứa khôn lớn, đứa thì ngoan, đứa chưa ngoan, đứa thì siêng năng, đứa làm biếng…, tùy từng đứa mà bà có cách giáo dục riêng. Và bà đã áp dụng cách giáo dục ấy với những học sinh bán trú trong trường như thường lấy nước, lấy kẹo dụ dỗ các em… ăn nhanh. Bà đã hứa là làm, em nào ăn nhanh bà cho cây kẹo, hay ly nước khiến học sinh rất quý mến.
Và lần dụ dỗ này là một sự cố không hay nhưng học sinh cứ ngỡ là thiệt. Thương cho bà song cũng là bài học cho chính tôi khi trong cuộc sống cũng có những xử lý quá dễ dãi nên bà mới có thể “mượn danh” như thế!
Mỹ Nhung
Bình luận (0)