Chỉ còn vài ngày nữa là tất cả học sinh lớp 12 trên cả nước bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019. Thời gian này có lẽ học sinh đã cơ bản ôn tập xong các môn thi, nhưng tâm thế các em thì đang lo lắng “đứng ngồi không yên”…
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào học sinh cũng phải luôn bình tĩnh, tâm trạng lạc quan và thoải mái để làm bài thi thật tốt. Trong ảnh: Học sinh lớp 12 Trường THPT An Lạc trong buổi lễ tri ân ra trường
Hiểu được điều đó, Giáo dục TP.HCM đã ghi nhận lời dặn dò của một số thầy cô hiệu trưởng – đây không chỉ là tâm huyết, là kinh nghiệm mà còn là tình cảm của thầy cô với hy vọng sẽ giúp các em bớt áp lực, thêm tự tin trong kỳ thi sắp tới.
Đừng sợ hãi nhé các em!
Cô Vũ Thị Ngọc Dung (Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM) cho biết chỉ còn rất ít thời gian là các em học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019. Thời gian ít ỏi này các em hãy dành tập trung xem lại những kiến thức đã ôn, đã học, đã làm, nhìn lại những gì thầy cô bộ môn đã căn dặn. Đừng đi học thêm bên ngoài quá nhiều hay chép bài quá nhiều mà không hiểu. Các em hãy tự mình làm bài. Những em nào còn chưa vững kiến thức có thể học bài theo nhóm với các bạn giỏi hơn trong lớp, hoặc hỏi lại thầy cô. Nếu các em chăm chỉ, chịu khó thì sẽ có đủ kiến thức để làm bài tốt.
Khi làm bài thi, các em nên làm thật kỹ lưỡng. Với bài thi trắc nghiệm thì tô ô trắc nghiệm phải thật cẩn thận. Nếu tô sai, khi xóa các em phải xóa thật sạch rồi mới tô đáp án khác. Nếu các em xóa lem, máy tính chấm thi sẽ không nhận dạng được đáp án. Lưu ý, các em tránh viết nguệch ngoạc vào phiếu làm bài trắc nghiệm. Thực tế là đã có nhiều em đôi khi quá chăm chú làm bài không để ý mà vô tình viết vào phiếu, có thể sẽ khiến bài thi bị loại. Nhất là các em cần phải đọc kỹ và tuân thủ đúng nội quy kỷ luật của phòng thi để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Một nhắn nhủ cho các bậc phụ huynh là cần phải chú ý nhắc nhở các em giữ gìn sức khỏe trong những ngày cận thi này; nhắc các em không học bài quá khuya, ăn uống phải đủ chất dinh dưỡng; nhắc các em luyện tập các bài thể dục nhẹ nhàng, nhất là khi đầu óc quá căng thẳng. Nếu các em ngủ quá ít sẽ dẫn đến căng thẳng và làm bài thi không tốt. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần lưu ý nhắc nhở các em xem lại lịch thi, để đi thi đúng giờ và đầy đủ.
Một điều lưu ý nữa mà cô nhắc nhở các em trong kỳ thi là đối với các bài thi tổ hợp (KHTN, KHXH), các em sẽ không được nghỉ 10 phút giữa các môn thi. Vì vậy, việc làm bài sẽ rất áp lực, rất “đuối” nếu các em không có một sức khỏe tốt. Do đó, khi đi thi các em nên mang theo nước, kẹo để “chống đuối” khi làm bài.
Kỳ thi THPT quốc gia không chỉ là kỳ thi để các em xét tuyển ĐH mà trước tiên là xét tốt nghiệp. Vì thế, khi ôn tập, các em hãy ráng ôn tập làm sao để bản thân có thể đậu tốt nghiệp trước, chứ đừng chăm chăm ôn cho tổ hợp xét tuyển ĐH của mình. Khi làm bài hãy thật tự tin, không chủ quan, không bỏ sót bất cứ câu nào. Làm câu dễ trước, câu khó sau. Đừng sợ hãi các em nhé!
Thi xong môn nào, hãy quên ngay môn đó
Theo thầy Kiều Tuấn Tiệp (Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM), trước kỳ thi, các em cần sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, giữ tâm trí thoải mái để không… ngủ quên. Ăn uống phải hết sức cẩn thận, tránh ăn những món mà trước đây chưa ăn bao giờ. Nhưng cũng phải lưu ý ăn uống đủ chất, ăn khỏe để có sức làm bài thi tốt. Muốn vậy đừng quá lo nghĩ vì quá trình học các em cũng đã chuẩn bị chu đáo rồi. Thi xong một môn thì hãy quên ngay môn đó đi. Nếu quá lo lắng với bài đã thi sẽ làm cho tâm trí các em không thoải mái, bực dọc rồi mất tự tin dẫn đến không làm tốt bài thi của những môn tiếp sau.
Các em phải luôn để nón, áo mưa, dụng cụ học tập, thẻ dự thi và chứng minh nhân dân trong một bì nhựa cất trong cặp và được chuẩn bị đầy đủ vài ngày trước khi thi (các em nên lấy viết ghi liệt kê ra). Khi các em tới điểm thi để làm thủ tục cần phải đúng giờ (14 giờ chiều ngày 24-6 phải có mặt tại phòng thi để kiểm tra, chỉnh sửa lại giấy tờ nếu có sai sót). Đặc biệt, các em phải hết sức lưu ý đừng để nhầm lịch thi; photo thẻ dự thi dán lên bì nhựa trong.
Gửi các em học sinh lớp 12 Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sắp đến – đây là kỳ thi quan trọng nhất trong đời học sinh phổ thông của các em. Chắc các em sẽ hồi hộp lắm. Cũng phải thôi bởi hồi thầy đi học cũng như thế, rất hồi hộp và lo lắng. Nói chuyện học sinh đi thi thì có nói cả ngày cũng không hết nhưng thầy vẫn nhớ nhất câu: “Lạc đường không đáng sợ, đáng sợ nhất là lạc đề”. Vì thế, thầy có một lời khuyên đầu tiên cho các em khi cầm đề thi trên tay là hãy đọc thật kỹ đề, phải đọc ít nhất 3 lần. Rất cần tránh sự bộp chộp, đọc đến đâu làm bài đến đấy hoặc đọc chưa xong đã cầm bút làm bài ngay. Nếu vậy sẽ có lúc không còn chỗ cho sự hối hận. Nên nhớ rằng mỗi lần đọc lại đề thi cái đầu của mình có thể sẽ phát hiện thêm một điều gì đó rất mới và rất cần thiết. Khi làm bài thi, điểm số là trên hết. Vì thế câu nào thấy ngon ăn hãy làm trước để kiếm điểm, sau đó làm những câu khó hơn. Không nhất thiết làm theo thứ tự các câu trong đề thi. Nếu đang làm câu đầu mà nảy ra ý gì hay cho lời giải câu sau thì phải ghi ngay ra giấy nháp bởi có thể ngay sau đó cái ý rất hay mà mình mới nghĩ ra sẽ biến mất, có ngồi cả ngày cũng không nhớ lại được. Là người từng nhiều năm đi chấm thi, thầy cũng như tất cả các giám khảo đều thường mất cảm tình với những bài viết dập xóa lem nhem, chữ viết cẩu thả dòng nghiêng dòng thẳng. Vì thế, có thể chữ không đẹp lắm nhưng các em nhớ trình bày bài làm thật mạch lạc, sạch sẽ. Biết đâu nó sẽ là điều gây nên thiện cảm cho các giám khảo khi hạ bút cho điểm vào bài thi của các em. Ngay từ bây giờ cho đến những ngày thi, các em hãy luôn sống vui vẻ, lạc quan, tin yêu vào cuộc đời. Tránh tự kỷ, tự ti, bi quan, chán nản. Đừng làm những điều dại dột. Hãy ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ. Đừng lo lắng thái quá mà đến ngày thi lại lăn ra đau ốm thì cơ hội 12 năm đi học sẽ tuột khỏi tầm tay. Cuối cùng, thầy lưu ý các em là mình học và thi là cho bản thân chứ không phải cho ai khác, kể cả cha mẹ và người thân. Cứ cố gắng hết sức mình còn kết quả đến đâu là một chuyện khác. Đừng vì làm bài không được hoặc bị điểm thấp mà lấy làm xấu hổ rồi hành động dại dột phương hại đến bản thân. Không đủ điểm vào ĐH thì vào học trường CĐ, trường nghề. Hai đến ba năm sau các em đã có thể vào đời kiếm sống, tự lập, tự chủ lấy cuộc đời mình cũng thích lắm. Thậm chí có bị rớt tốt nghiệp cũng không sao vì vẫn còn nhiều cơ hội và con đường khác rộng mở với các em. Bởi mọi con đường vào đời không bao giờ là một công thức cứng nhắc. Thầy chúc các em thành công.
Hà Tùng Sơn |
Thầy lưu ý những em đăng ký bài thi tổ hợp nào thì bắt buộc phải thi tất cả các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó (theo lịch, trên thẻ dự thi của các em). Nếu bỏ bất kỳ một môn thi thành phần nào thì coi như kết quả thi của các em sẽ không được ghi nhận. Những vật dụng không được mang vào phòng thi phải được thực hiện nghiêm túc theo quy chế. Chú ý giấy than, bút xóa, điện thoại di động… là những dụng cụ các em dễ chủ quan nên vô tình mang vào phòng thi. Nếu vi phạm các em sẽ bị đình chỉ thi.
Các em phải tận dụng thời gian để làm bài, không nên ra sớm; không vẽ, viết bậy trên giấy làm bài, nếu vi phạm các em sẽ bị đình chỉ thi. Với bài thi trắc nghiệm ghi bằng bút mực, tô bằng bút chì (từ mục 1 đến mục 8, dùng bút chì mềm và đậm 2B, 4B). Ghi và tô ô số báo danh và mã đề cho đúng. Đặc biệt các môn thành phần trong bài thi tổ hợp phải cùng mã đề. Khi cán bộ phát đề mà không cùng thì phải báo ngay để đổi lại. Các em lưu ý, khi làm bài đừng cố gắng làm một câu nào đó quá lâu (có câu khó, câu dễ nhưng tất cả những câu đều bằng điểm). Lựa câu dễ làm trước, chọn kỹ đáp án và tô liền. Nếu đổi đáp án thì bôi thật sạch rồi tô lại. Các câu chưa biết để cuối giờ. Đặc biệt, các em hãy nhớ rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải luôn bình tĩnh, tâm trạng lạc quan và thoải mái. Tâm trạng thoải mái sẽ góp phần giúp bài làm được thăng hoa.
Yến Hoa (ghi)
Bình luận (0)