Thầy giáo Nguyễn Đức Anh Minh với các học trò tại Trung tâm Bảo trợ trẻ khuyết tật Nhật Hồng |
Bằng sức mạnh từ nghị lực và ý chí bản thân, Nguyễn Đức Anh Minh đã tự vượt qua bóng tối để trở thành một thầy giáo dạy trẻ khuyết tật tận tâm.
Khó khăn trên đường đời
Năm 2009, trong số vài chục sinh viên Khoa Giáo dục đặc biệt của Trường ĐHSP TP.HCM nhận bằng tốt nghiệp ra trường có tân cử nhân Nguyễn Đức Anh Minh. Theo Anh Minh thì đây là giai đoạn khó khăn nhất mà chàng trai khiếm thị phải trải qua lần đầu tiên. Nhớ về tháng ngày đó, Minh trải lòng: “Sinh viên bình thường sáng mắt ra trường đã khó xin việc còn mình lại là người khuyết tật dù có bằng cử nhân nhưng không phải đó là bửu bối duy nhất”. Theo lời kể của Minh, dù đã nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng sau một thời gian chờ đợi vẫn không có kết quả gì. Không nản chí, Minh còn gửi đơn xin việc ở một số tỉnh mà anh cảm thấy thuận tiện nhất bởi theo suy nghĩ của chàng sinh viên mù, xin ở đâu cũng được miễn có chỗ làm là tốt lắm rồi. Thế nhưng tất cả đều trôi vào thất vọng vì hồ sơ nào cũng “bặt vô âm tín”. Lúc bấy giờ may mắn cho thầy giáo trẻ là anh có thêm nghề tay trái là biết chơi đàn guitar nên một quán cà phê âm nhạc bên hông Trường ĐH Tôn Đức Thắng trên đường Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh đã trở thành chốn đi về hàng đêm của nhạc công chơi đàn guitar khiếm thị. Dù chỉ chạy show trong 3 tháng nhưng quãng thời gian làm thêm đó thật có ý nghĩa vì Minh có cơ hội gặp được những tấm lòng thơm thảo giữa đời thường. Không chỉ niềm tin cuộc đời được thắp sáng, Minh còn có được những khoản tiền dành cho nhiều khoản chi phí khác. Cho đến một ngày khi được tin Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng nhận vào làm việc, Minh thấy mình như cất được một gánh nặng trên vai.
Ở tận Đắk Lắk vợ chồng ông Nguyễn Văn Thông thật sự vui mừng khi biết tin cậu con trai lớn trong gia đình trở thành thầy giáo – điều mà hai vợ chồng nghèo ở xã Hòa Phú, huyện Cư Rút chưa bao giờ dám nghĩ tới. Năm 1985, vợ chồng ông đón đứa con trai đầu lòng. Mong ước “mẹ tròn con vuông” của người đàn ông 30 tuổi và gia đình đã tan biến khi đứa trẻ bị mù bẩm sinh. Họ chỉ biết nuôi con trong dòng nước mắt và lấy tình thương để bù đắp những thiệt thòi cho đứa con trai. May mắn, Minh được xuống Sài Gòn học tập trong Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Cứ nghĩ là học cho biết chữ thế nhưng nhờ sáng dạ mà Anh Minh không thua kém các bạn cùng lứa trong các lớp hòa nhập tại Trường TH Trí Tri, THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10) và sau đó là Trường THPT Nguyễn An Ninh. Kỷ niệm dễ nhớ nhất là mỗi khi ra đường đến lớp, Anh Minh phải dò dẫm từng bước nhưng cũng liên tục bị đụng phải cột đèn, xe máy, người đi bộ. Có lúc không sao nhưng cũng có lúc bị trầy xước đến chảy máu. Thế nhưng trong bóng tối đôi chân của cậu học trò vẫn đều bước trên con đường bao gập ghềnh mưa nắng.
Biết vượt lên số phận
Năm 2005, gia đình vợ chồng ông Thông vui trào nước mắt khi nghe tin con trai đậu vào Trường ĐHSP TP.HCM. Những tháng ngày miệt mài bên đèn sách đã được đền đáp. Nhiều cha mẹ khác đã lấy hình ảnh của Minh để làm gương cho con cái mình noi theo. Nghe con trò chuyện ông bà cũng biết khó khăn phía trước còn nhiều khi phải tự mình kiếm sống giữa chốn thị thành lo cho chuyện học. Để có tiền trọ và trang trải các khoản chi phí khác, Minh phải vắt sức làm gia sư dạy kèm hết nhóm trẻ này đến nhóm trẻ khác. Cũng nhờ ngồi trên ghế giảng đường mà chàng sinh viên khiếm thị có thêm cơ hội tự học vi tính và tiếng Anh.
Nghe đồng nghiệp kể về hoàn cảnh các em đa số bị cha mẹ bỏ rơi sau ly hôn, thầy giáo Minh càng thương yêu thêm những đứa học trò hồn nhiên, ngây thơ của mình. Đó cũng là động lực để nhà giáo trẻ Nguyễn Đức Anh Minh chăm chút từng trang giáo án cho hôm sau có những bài học hay hơn trong ngôi trường đặc biệt này. |
Đến Trung tâm Bảo trợ trẻ khiếm thị Nhật Hồng, được nghe thầy giáo Anh Minh vừa hát vừa đánh đàn guitar một tác phẩm âm nhạc của Ngô Thụy Miên mới cảm nhận được nghị lực phi thường của chàng trai có số phận kém may mắn. Có được những phím đàn điệu nghệ như hôm nay, người nghệ sĩ nghiệp dư cũng phải trải qua những tháng ngày tập luyện gian khổ: “Em thích học guitar vì đây là nhạc cụ phổ thông, dễ tạo cảm hứng cho người nghe và có thể chơi mọi nơi mọi lúc rất cơ động. Tuy nhiên, nếu thiếu đam mê thì rất khó vượt qua vì khi chơi phải biết kết hợp cả hai tay và phải có giác quan thẩm âm chính xác”. Làm bạn với đàn guitar, Minh cũng không nhớ hết bao nhiêu lần ngón tay bật máu, chai cứng trong quá trình khổ luyện. Đến với âm nhạc và cũng chính âm nhạc đã mang lại hạnh phúc cho cuộc đời anh.
Đúng như anh từng chia sẻ, thầy giáo khiếm thị dạy tin học cho học sinh khiếm thị là điều vô cùng khó vì các em không dễ bắt chước đúng thao tác của người thầy, nhất là khi ngồi trước bàn phím của máy vi tính. Ở Trung tâm Bảo trợ Nhật Hồng, ngoài trẻ khiếm thị còn có nhiều trẻ mắc các chứng khuyết tật khác nên công việc dạy học vô cùng vất vả, người thầy phải dành nhiều thời gian chỉ bảo cho từng em một mới có được tiến bộ rõ rệt. Sống hết lòng vì học trò, đó là lối đi mà thầy giáo Minh đã chọn…
Bài, ảnh: Hương Thủy
Bình luận (0)