Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lối đi ngay dưới chân mình

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nào cũng vậy, đến mùa thi ĐH, các bậc phụ huynh lại lo lắng không yên, cùng con chọn trường hay buộc con học trường mà họ mong muốn. Cũng khá nhiều trường hợp, con không muốn thi ĐH, phụ huynh lại ép uổng. Với các bậc phụ huynh hiện nay, dường như chỉ có vào ĐH mới là cánh cửa tốt nhất cho tương lai con em mình. Thế nhưng, thực tế có phải như thế không?

9 năm trước, H. – một học trò cũ của tôi đã quyết định không thi ĐH trước sự ngỡ ngàng của ba mẹ, thầy cô và bạn bè bởi em là học sinh giỏi 12 năm liền. Lúc đó, tôi hỏi, H. chỉ trả lời ngắn gọn: “Em ngán học quá rồi thầy ơi!”. Khi các bạn cùng lớp của em vất vả học hành để chen chân vào ĐH hay ít nhất là CĐ thì em xin vào làm công nhân trong một công ty của Nhật. Ba mẹ H. đã thất vọng vô cùng. Nhưng bằng kiến thức phổ thông vững vàng đã học, bằng sự nhanh nhạy, thông minh và cả ý chí vươn lên, H. đã trở thành một người thợ giỏi. Ngoài giờ làm, em sắp xếp thời gian để học tiếng Nhật. Những cố gắng của em đã được công ty nhìn thấy. Em được công ty cử tham gia những khóa học ngắn hạn vài tháng ở Nhật nhằm nâng cao tay nghề rồi về hướng dẫn lại cho các đồng nghiệp ở công ty. Làm việc lâu năm, H. ngày càng có uy tín, những chuyến đi học nâng cao ở Nhật như thế luôn có mặt em. Vừa rồi, tôi gặp lại nhóm học sinh cũ, H. cho biết hiện em làm tổ trưởng kỹ thuật của công ty với mức lương rất cao. Trong khi đó, khá nhiều bạn cùng khóa với em đã tốt nghiệp ĐH từ lâu nhưng vẫn chưa có việc làm ổn định hay có việc làm không như mong muốn. Tôi và các bạn em đều công nhận em đã có một sự chọn lựa sáng suốt ở thời điểm quyết định của tương lai mình.

L. – đứa cháu họ của tôi 7 năm trước cũng không muốn học tiếp ĐH vì sức học không giỏi lắm. Thế nhưng, dưới áp lực của ba mẹ, cháu đã thi vào Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho ba mẹ vui lòng. Năm ấy, L. chỉ vừa đủ điểm vào ngành xã hội học. Cháu học lây lất cho xong. Mỗi lần gặp, cháu đều than với tôi là chán học lắm nhưng phải cố bám để lấy được cái bằng ĐH. Tốt nghiệp ĐH xong, L. quanh quẩn tìm việc một cách khó khăn. Cháu làm tạm thời hết chỗ này đến chỗ khác rồi… thất nghiệp. Cả nửa năm trời, cháu chỉ làm bạn với game. Ba mẹ L. cũng chán nản khi nhìn con không ổn định cuộc sống. Cuối cùng, L. xin ba mẹ cho đi học một lớp pha chế nước uống, việc làm mà cháu rất thích. Học xong, L. xin đi làm. Vậy mà chỉ mới gần 2 năm, L. đã làm quản lý trong một nhà hàng. Nhìn L. luôn tươi cười vui vẻ ở mọi nơi cũng đủ hiểu cháu đã được vùng vẫy thỏa thích với nghề mà mình chọn. Ba mẹ L. cũng vui nhưng khi có mặt những người thân quen, ông bà thường trêu chọc con: “Cử nhân xã hội học mà đi làm bồi bàn!”, L. trả lời hóm hỉnh: “Thế mới là hàng hiếm chứ!”.

Người ta thường nói: “Lối đi ngay dưới chân mình”, các bậc phụ huynh hãy để con em tự chọn con đường đi đến tương lai của mình. Thành công thì trẻ sẽ tự tin, trưởng thành hơn, và nếu có thất bại, trẻ cũng có được một bài học vô giá mà vươn lên trong cuộc sống.

Nhân Tâm 

Bình luận (0)

Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Lối đi ngay dưới chân mình”

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Trần Minh Ngôn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.4, trao tặng phần thưởng cho cô Võ Thị Diệu Hạnh
Là một giáo viên (GV) trẻ mới vào nghề nên cô đã cảm nhận được những khó khăn khi đứng trên bục giảng để truyền thụ kiến thức lịch sử cho học sinh (HS). Tuy nhiên, với tinh thần không ngại khó và ham học hỏi, cô đã khắc phục những điểm yếu của bản thân để tìm ra “lối đi”, phương pháp giảng dạy tốt nhất, phù hợp với bộ môn và từng đối tượng. Cô là Võ Thị Diệu Hạnh – GV Trường THCS Khánh Hội A, Q.4 (TP.HCM).
GV trẻ trong ngôi trường “già”
Ai cũng thấy cô Diệu Hạnh trẻ trung và duyên dáng hơn trong bộ áo dài đồng phục khi đứng trên lễ đài nhận những phần thưởng, giấy khen từ Ban giám hiệu nhà trường và Phòng GD-ĐT Q.4. Niềm vinh dự của cô thật lớn lao khi giành được giải nhì trong Hội thi GV giỏi cấp quận cuối năm học 2012-2013. Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang lấp lánh của tấm bằng khen trên tay cô đã có không ít những giọt mồ hôi thầm lặng thấm vào từng trang giáo án và cả trên bục giảng trong quãng thời gian 3 năm bước vào nghề.
 Ngay từ thời đi học phổ thông, Diệu Hạnh đã rất yêu môn sử và trân trọng những giá trị truyền thống mà ông cha đi trước đã giành lại được trong suốt 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Thế nhưng, khi trở thành giáo sinh trường sư phạm, Diệu Hạnh cũng đã hiểu được những khó khăn hiện nay ở trường phổ thông về tình hình dạy và học môn lịch sử. Có lẽ chính vì thế mà cô giáo sinh quê ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) đã cố gắng trang bị cho mình những tri thức cần thiết và học hỏi phương pháp giảng dạy có hiệu quả nhất. Năm đầu tiên ra trường biết bao bỡ ngỡ nhưng cô đã hòa nhập nhanh vào không khí hoạt động sôi nổi của ngôi trường Khánh Hội A có bề dày truyền thống gần 100 năm. Như hạt giống mẩy được gieo xuống mảnh đất mỡ màu tươi tốt, Diệu Hạnh đã có những tiến bộ vượt bậc trong các hoạt động, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyên môn. Những bài học về các vua Hùng đã làm cho HS thêm cảm phục công lao dựng nước của tổ tiên ta trong buổi bình minh lịch sử. Âm vang những trận đánh “trúc chẻ tro bay” trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo còn vọng mãi trong tâm trí các em khi đi qua mỗi trang sách lịch sử. Cô tâm sự: “Dạy học là phải truyền thụ cho các em lĩnh hội được những tri thức khoa học cơ bản, tuy nhiên quan trọng hơn là phương pháp truyền thụ như thế nào để các em có kết quả học tập tốt”. Vì thế ở mỗi bài giảng cô đã tìm cho mình những lối đi phù hợp để giúp các em có cách học nhẹ nhàng nhưng chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ. Biết vận dụng sáng tạo và cải tiến phương pháp nên bài học nào cũng đem lại niềm say mê cho học trò. Khi được tổ chuyên môn giao trọng trách tham gia Hội thi GV giỏi cấp trường, cấp quận, lúc đầu cô thật sự lo lắng. Trong tổ chuyên môn không thiếu các “cây đa cây đề”, hơn nữa cô vừa mới chân ướt chân ráo ra trường nên cũng chưa tự tin lắm. Tuy nhiên, sau đó được sự động viên của cô Hiệu trưởng và Ban giám hiệu nhà trường, cô Diệu Hạnh thấy đó còn là trách nhiệm và nghĩa vụ mà mình không thể từ chối được.
Thành công ban đầu
Tiếng vỗ tay vang rền khi bài giảng Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc năm 1953-1954kết thúc. Một lần nữa các em HS lớp 9A1 được thưởng thức một “bữa tiệc” tinh thần thú vị qua giờ giảng lịch sử phong phú về tư liệu, sinh động về phương pháp. Cô Diệu Hạnh chia sẻ: “Đây là một trong những tiết dạy mà nhiều GV tâm đắc, điều khâm phục trước tiên là chiến lược tài ba của vị Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ – Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bên cạnh đó những kiến thức được SGK trình bày rất sinh động và ngồn ngộn chất sử thi”. Cũng theo cô, đây là tiết dạy có ưu thế về tài liệu và các phương tiện dạy học. Ngoài tranh ảnh trong SGK và thư viện, GV có thể sưu tầm thêm trên mạng. Tuy nhiên, GV cũng không nên quá lạm dụng và phụ thuộc nhiều vào phương tiện trực quan vì sẽ dẫn đến tình trạng chiếu – chép thay cho đọc – chép. Nên chọn lọc những hình ảnh tiêu biểu trong từng kênh hình, kênh chữ để đem lại những phút giây lắng đọng nhất cho các em. Ngay cả việc sử dụng các đoạn phim hay video clip cũng không được dễ dãi theo kiểu có gì dùng nấy mà phải biết đưa ra đúng lúc đúng thời điểm mới tôn thêm giá trị sâu sắc của các phương tiện hỗ trợ.
Không hoàn toàn “nhìn đời bằng con mắt màu hồng”, cô Diệu Hạnh vẫn trăn trở với chương trình học lịch sử hiện nay tại trường phổ thông. Đa số các tiết học còn nặng kiến thức hàn lâm, thiếu tính thực tiễn sinh động, sự kiện nhiều đôi khi chồng chéo. Đây chính là thử thách lớn cho thầy cô bộ môn phải biết “xén cành tỉa ngọn” để làm sao bài giảng luôn nhẹ nhàng mà vẫn sinh động và đầy đủ.
“HS có em thích học sử, có em chưa thích, có nhiều lý do nhưng nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là cách dạy của người thầy. Những tiết dạy có giáo cụ trực quan, những buổi đi tham quan bảo tàng lịch sử luôn có lực hút mạnh mẽ đối với các em dù ban đầu có em chưa mặn mòi lắm. Muốn các em yêu thích môn học thì phải tìm cho các em cách học hứng thú”, cô Diệu Hạnh chia sẻ.
Bài, ảnh: PHAN NGỌC QUANG
“HS có em thích học sử, có em chưa thích, có nhiều lý do nhưng nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là cách dạy của người thầy…”, cô Diệu Hạnh chia sẻ.