Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lợi đôi đường

Tạp Chí Giáo Dục

Nhờ nỗ lực trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá, đến nay tại Việt Nam, tỷ lệ nam giới hút thuốc đã giảm từ 45,3% vào năm 2015 xuống 42,3% vào năm 2020. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022).
Tuy nhiên, chúng ta vẫn nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới và đứng thứ 3 ở khu vực ASEAN, sau Indonesia và Philippines.
Đáng báo động khi việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có chiều gia tăng nhanh ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Trong khi đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này lại chứa nhiều hóa chất nguy hại và chưa được phép lưu hành nên tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa cho sức khỏe.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Đối với Việt Nam, hút thuốc lá gây ra khoảng 60.000 ca ung thư/năm, đồng thời là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh không lây nhiễm. Cùng với tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội.
Nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ hút thuốc lá ở nước ta còn cao và giảm chậm do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Nghiên cứu của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho thấy, thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam là 38,8%, trong khi Malaysia là 58,6%, Singapore là 67,5% và Thái Lan là 78,6%. Ở các nước phát triển là 67,9% và trung bình toàn cầu là 61,5%. Vậy nên giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 157/161 quốc gia có số liệu báo cáo và giá bán thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo.
Để đạt mục tiêu đến năm 2030 giảm 30% số người hút thuốc lá so với năm 2015 như đã đề ra trong chương trình Sức khỏe Việt Nam thì biện pháp hiệu quả nhất là tăng giá bán thông qua tăng thuế thuốc lá. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, giá thuốc lá tăng thêm 10% sẽ giảm tiêu thụ thuốc lá ở các nước thu nhập thấp và trung bình 4%-5%. Do đó, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá thì thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cần phải ở mức 70%-75% giá bán lẻ.
Việc tăng thuế, tăng giá thuốc lá tại nước ta cần sớm được thực hiện, vừa giúp giảm tác hại của thuốc lá với sức khỏe người dân, vừa giúp có thêm nguồn ngân sách giải quyết các vấn đề dân sinh thiết yếu, như chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” của Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) năm nay.
QUỐC LẬP (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)