Thủ tướng chính phủ vừa có công điện gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty nhà nước.
Vừa qua, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng tiếp cận thị trường để giảm bù lỗ từ ngân sách nhà nước, nâng cao ý thức tiết kiệm của doanh nghiệp và nhân dân trong tiêu dùng xăng dầu, đồng thời hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh, hầu hết các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất và kinh doanh đều đã chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm như tiết giảm chi phí, giảm lãi để duy trì giá bán sản phẩm và dịch vụ ở mức hợp lý.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số tổ chức và cá nhân lợi dụng việc điều chỉnh giá xăng dầu để nâng giá quá mức với một số loại hàng hoá, nhất là giá vận tải taxi, phân bón, sữa và thuốc chữa bệnh làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, tạo ra tâm lý đua tranh tăng giá “đe dọa” chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong những tháng tới đây.
Bởi vậy, để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát giá cả thị trường, xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt để thu lợi bất chính.
Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng gửi Bộ Tài chính về tiến độ và kết quả thực hiện trước ngày 20 hàng tháng để Bộ Tài chính tổng hợp và báo cáo Chính phủ tại phiên họp hàng tháng.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt về kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, nhất thiết không để xảy ra tình trạng đầu cơ và găm hàng, tăng giá bất hợp lý và tuỳ tiện.
Kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định và việc tiếp tục giữ ổn định giá bán một số mặt hàng cho đến hết năm 2008 như giá điện, than, nước sạch, cước vận chuyển xe buýt công cộng.
Việc điều chỉnh giá bán một số hàng hoá khác phải đảm bảo nguyên tắc chỉ được điều chỉnh ở mức hợp lý, phù hợp với quy định hiện hành sau khi đã thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, kể cả việc chấp nhận giảm lãi nếu có để giảm thiểu tác động bất lợi trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Xử phạt kiên quyết và kịp thời các hành vi vi phạm, kể cả việc áp dụng các biện pháp mạnh như: rút giấy phép kinh doanh, truy cứu trách nhiệm hình sự… để kịp thời xử lý các hành vi đầu cơ và găm hàng, lợi dụng việc tăng giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý, đưa tin thất thiệt, gây tâm lý hoang mang trên địa bàn.
Lan Hương (dantri.com.vn)
Bình luận (0)