Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lợi dụng xã hội hóa để lạm thu

Tạp Chí Giáo Dục

GS. Đào Trọng Thi

Không được phép gắn “mác” xã hội hóa giáo dục vào các khoản thu thêm của nhà trường. Đó là khẳng định của GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội về tình trạng “loạn thu” đầu năm hiện nay tại các trường.
Ông Thi khẳng định: Không nên đổ tội cho xã hội hóa (XHH), bởi không có chính sách nào đưa ra để cho các trường thực hiện trái pháp luật. Pháp luật quy định rất rõ, nhà trường chỉ được thu hai khoản là học phí và lệ phí tuyển sinh. Tôi cũng không thấy có chính sách nào cho phép các trường XHH là thu thêm các khoản tự nguyện. Tôi phải nhắc lại, tôi không đồng ý dùng chữ XHH ở đây. Vì đấy là làm sai một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Không nên gắn nội dung không liên quan đến XHH. Điều này là bôi bẩn một chủ trương lớn.
PV: Theo ông, phụ huynh nên hiểu XHH giáo dục là gì?
XHH giáo dục (GD) là huy động toàn dân chăm lo cho giáo dục. Chăm lo ở đây không phải là đóng mấy cái khoản tiền tự nguyện này. Đây là phụ huynh chăm lo cho con em họ. Một trong những nội dung rất quan trọng của XHHGD, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi mà khả năng Nhà nước đầu tư cho GD còn hạn chế là huy động thêm các nguồn lực. Huy động một cách nghiêm túc các nguồn lực đầu tư cho GD chứ không phải là đóng mấy khoản tiền thì là gọi là XHHGD. XHH ở nhà trường là bên cạnh khu vực công lập, thì có thể mở các trường ngoài công lập, sự đóng góp của các nhà hảo tâm. XHH là bên cạnh lo cho GD đại trà phổ biến đông đảo nhân dân thì còn có thêm các chương trình chất lượng cao, đóng học phí cao. Tức là đáp ứng hết các nhu cầu của nhân dân. XHH là như thế.
Theo ông, các trường gắn mác XHH với khoản thu tự nguyện là các trường làm sai chủ trương?
Đây là nói về các trường công lập. Còn trường tư thục, khi phụ huynh chọn đã là tự nguyện rồi. Chủ trương XHH không cho phép các trường làm như thế. Bởi vậy, không cho phép các trường gắn vào mác XHH.
Tôi xin nhắc lại, các khoản thu thêm không phải là XHH. Chính sách XHH không phải là để các trường thu thêm.
Vấn đề là một số trường lợi dụng chủ trương này để yêu cầu phụ huynh đóng góp, không đóng góp không được. Ông nghĩ sao?
Các nhà trường sinh ra các khoản đóng góp là có nhưng không được gắn với chủ trương XHH. Nếu nói như vậy thì vô tình mình đã gán cho chủ trương của Nhà nước một hiện tượng không liên quan đến nó. Còn chuyện thu tiền thì tôi đã nói rồi. Phụ huynh thống nhất với nhau để đóng góp một khoản tiền thì không phải là XHH, bởi cái đó là người ta chăm lo cho chính con em họ. Chúng ta không thể gói tất cả các khoản vào học phí vì như thế học phí sẽ cao và vô hình trung bắt tất cả học sinh cùng chung một khoản.
Tức là ông hoàn toàn ủng hộ các khoản thu ngoài học phí để phục vụ cho con em nhưng với điều kiện phải thực sự tự nguyện?
Đúng, nhưng các khoản thu phải thực sự tự nguyện. Tự nguyện ở chỗ phải làm rõ, minh bạch khoản nào tự nguyện, khoản nào bắt buộc. Riêng bắt buộc chỉ có hai khoản như tôi đã nêu ở trên. Những khoản còn lại, thì không bắt buộc với toàn bộ phụ huynh. Mình phải tạo ra một cơ chế hoàn toàn tự nguyện, thông qua cơ chế dân chủ. Cái khó nhất của ta bây giờ là nhà trường đôi khi biến tướng cái “tự nguyện”. Do đó, chúng ta phải có cơ chế để làm cho nó thực sự tự nguyện.
Theo ông, giải pháp cho vấn đề này là thế nào?
Trước hết, chúng ta phải phân tích các khoản thu. Có những khoản nhà trường thu hộ như bảo hiểm và các khoản thu phục vụ đào tạo nhưng dư luận xã hội cứ tự làm cho nó lẫn lộn. Chúng ta phải phân tích xem khoản nào là khoản nhà trường thu, khoản nào nhà trường thu hộ theo đúng quy định của pháp luật. Còn khoản nào là khoản đóng góp để phục vụ học sinh ngoài mục tiêu phổ cập GD, nằm ngoài các hoạt động được quy định trong học phí. Ví dụ không ai quy định nhà trường phải miễn phí trông xe. Do đó, trường nào có điều kiện thì miễn còn không có điều kiện thì phụ huynh phải đóng góp; hay nước uống… Ngay cả chuyện học thêm, ngành GD cũng chưa cấm triệt để học thêm do nhà trường tổ chức, thậm chí còn ủng hộ chuyện học thêm do nhà trường tổ chức hơn là chuyện học thêm do bên ngoài tổ chức. Cái này không đúng, là sai lầm.
Có rất nhiều khoản thu do hội phụ huynh đứng lên thu nhưng lại có sự nhập nhèm giữa hội phụ huynh và cô giáo chủ nhiệm, nhà trường. Do đó, giải pháp hiện nay là phải làm rõ các khoản thu, không nên lẫn lộn. Khi đã làm rõ tính chất các khoản thu, do ai thu, thu theo nguyên tắc nào thì lúc đấy mới thực hiện đúng. Tôi lấy ví dụ những khoản hay có sự lẫn lộn và thậm chí người ta lợi dụng những cái này để biến tướng các khoản thu. Có nhiều khoản đứng danh là hội phụ huynh thu nhưng trên thực chất là nhà trường đứng ra thu hộ hay nhà trường có sự chỉ đạo, có sự gợi ý, hoặc hội phụ huynh làm nhưng nhìn theo sự mong muốn của nhà trường.
Thứ hai, để cho các khoản thu gọi là tự nguyện này thì phải tạo ra được một cơ chế thực sự tự nguyện. Hội phụ huynh phải có sự trao đổi, thống nhất cao. Nhưng cũng phải tránh việc một số phụ huynh gợi ý cho thảo luận ấy.
Khi làm được vấn đề này thì sẽ quản lý các khoản thu tự nguyện tốt hơn rất nhiều. Tôi cũng nói thật, hiện nay, nếu phụ huynh không chấp nhận các khoản thu cũng không được. Vì những khoản thu ấy thực sự cần thiết, đó là những khoản thu mà gia đình cùng với nhà trường chăm lo cho con em mình. Ngân sách nhà nước hạn chế, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì con em mình khổ. Tôi cho rằng nếu nói như thế chưa chắc các phụ huynh đã đồng ý.
Xin cảm ơn ông!
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Ngoài các khoản chính thức mà pháp luật quy định nhà trường được thu thì hiện nay nhà trường có thu một số khoản. Trong các khoản này, tôi phải nói thật là có một số khoản chúng ta tự tạo ra nhầm lẫn. Đương nhiên là trong thực hiện cũng có sự nhầm lẫn, sự lợi dụng, lạm dụng.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)