Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

“Lời giải cho bài toán” phát triển của TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Học viện Cán bộ TP.HCM vừa diễn ra Hội thảo khoa học “Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM theo tinh thần Nghị quyết 54 của Quốc hội”.

Tham dự hội thảo, bà Phạm Phương Thảo – nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM – nhấn mạnh, không ở đâu cả 3 đột phá chiến lược còn là 3 điểm nghẽn như TP.HCM. TP là nơi có tiềm lực rất lớn, rất mạnh, nếu không gỡ được điểm nghẽn thì còn nhiều khó khăn, trong đó có những điều vượt ra ngoài Nghị quyết 54. Để gỡ những điểm nghẽn này, cần phải gỡ ở tầm chính sách, pháp luật, ở tầm Bộ Chính trị, ở ý chí quyết tâm chính trị. Thực tế hiện nay cho thấy cơ chế xin – cho vẫn còn rất nặng nề, không giảm mà còn tăng, chưa tạo được sự chủ động cho TP.HCM.

Theo đó, bà Thảo cho rằng, trong nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 phải tạo cơ chế chủ động mạnh mẽ hơn cho TP.HCM  thì mới thực sự có ý nghĩa. Trong trường hợp chưa có nghị quyết thay thế thì có thể kéo dài Nghị quyết 54, song cần tháo gỡ một số vấn đề, vướng mắc cụ thể. Trước mắt là tháo gỡ vướng mắc ở Nghị định 33, 34 của Chính phủ liên quan đến cán bộ công chức phường, xã; có cơ chế thống nhất về biên chế cán bộ, công chức, người làm việc không chuyên trách phường, xã.

TS. Phan Công Khanh – Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV  – cho rằng, Nghị quyết 54 đã tác động rất tích cực đối với sự phát triển kinh tế của TP.HCM. Song, tác động thực sự của cơ chế đặc thù chưa được như mong muốn. Nguyên nhân do hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến TP.HCM khó phát huy được cơ chế đặc thù. Ngoài ra, có một số cơ chế nói là cơ chế đặc thù cho TP.HCM nhưng trên thực tế cũng áp dụng với các địa phương khác nên không có sự đặc biệt đặc trưng. Cơ chế chính sách đặc thù của Nghị quyết 54 chưa “đủ liều” cho một thành phố trung tâm kinh tế của cả nước.

Cũng theo ông Khanh thì, sự phát triển của TP.HCM hoàn toàn chưa tương xứng với những gì TP đóng góp cho cả nước. Vì vậy cần có một nghị quyết mở để khi thực tế đặt ra những vấn đề buộc phải xử lý thì Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ có thể trao quyền cho TP.HCM để TP.HCM kịp thời giải quyết vướng mắc. 

PGS.TS Phạm Tiến Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing – thì cho rằng, TP.HCM cần đề xuất cơ chế về những khoản thu ngân sách Nhà nước được giữ lại. Cụ thể, đề xuất cho phép TP được thí điểm đánh thuế tài sản đối với bất động sản; thí điểm thu thuế giá trị thặng dư đối với đầu tư cơ sở hạ tầng (đường giao thông, đường sắt đô thị);  thí điểm thực hiện một loạt các dịch vụ cá cược casino; thí điểm tư nhân đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng, Nhà nước thuê lại hoặc mua lại. Cùng với đó, cho phép TP.HCM thực hiện để lại phần thu đối với các hoạt động xuyên biên giới và các hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số… Nếu làm được những điều này thì ngân sách TP.HCM sẽ rất lớn, đảm bảo nguồn lực kinh tế cho TP phát triển.

P.V

Bình luận (0)