Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lời giải nào cho sự bết bát môn ngoại ngữ?

Tạp Chí Giáo Dục

Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được thực hiện đã 7 năm.  Thế nhưng, qua kỳ thi THPT quốc gia, kết quả cho thấy, những tác động của đề án vẫn chưa “thấm” vào đâu so với tình trạng bết bát ngoại ngữ của học sinh. Nhưng liệu đó có phải là nguyên nhân duy nhất?

Trong 8 môn thi, ngoại ngữ là môn có điểm thấp nhất. Trong đó, số thí sinh dưới điểm trung bình chiếm tới 2/3. Số thí sinh đạt 2,5 điểm chiếm số lượng nhiều nhất – trên 74.000 thí sinh.

PV: Để đưa ngoại ngữ là một trong 3 môn thi bắt buộc của kỳ thi THPT quốc gia, hẳn đề án đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng? Vậy Thứ trưởng đánh giá thế nào về kết quả thi năm nay?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Trong những năm qua, toàn ngành giáo dục nói chung và Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 nói riêng đã có những bước chuẩn bị nghiêm túc, căn cơ, vừa phát huy nội lực của từng cơ sở đào tạo, của từng địa phương, vừa sử dụng hiệu quả nhất ngân sách được dành cho đề án, sẵn sàng cho việc đưa ngoại ngữ là một trong 3 môn thi bắt buộc trong kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên, những cố gắng và thành công mới chỉ là bước đầu, chương trình ngoại ngữ mới chưa triển khai được ở tất cả các trường phổ thông và cũng chưa áp dụng lên đến lớp 12; về cơ bản vẫn chưa đổi mới được hình thức tổ chức và phương pháp thi tốt nghiệp ngoại ngữ; vẫn phải chấp nhận chuẩn đầu ra áp dụng cho học sinh học 7 năm theo chương trình cũ nên kết quả thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay có tiến bộ nhưng chưa phải là kết quả mong đợi của đề án và chúng ta cần nhiều nỗ lực, kiên trì để đạt tới mục tiêu khả thi trong những năm tiếp theo.

Qua quá trình triển khai thực hiện, theo Thứ trưởng, đâu là những rào cản lớn nhất?

Trong những năm qua, dạy học ngoại ngữ ở Việt Nam đã đạt được những thành tích rất đáng ghi nhận, tuy nhiên cũng đang tồn tại những khó khăn, thách thức trong quá trình đổi mới.

Trước hết, có lẽ phải kể đến mặt bằng chung về năng lực ngoại ngữ ở nước ta, do nhiều điều kiện lịch sử để lại, là chưa cao. Hơn nữa, các phương châm dạy học ngoại ngữ đã chú trọng nhiều đến việc đào tạo kiến thức, chưa coi trọng mục tiêu đạt được các kỹ năng, năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ. Vì vậy, ở mỗi cấp học và trình độ đào tạo trong những năm vừa qua đều phải chấp nhận tuyển sinh các đối tượng chưa đạt chuẩn về ngoại ngữ, rất khó cho việc đào tạo đạt chuẩn đầu ra.

Phổ điểm môn ngoại ngữ của kỳ thi THPT quốc gia 2015 (Biểu đồ do Bộ GD-ĐT cung cấp)

Rào cản thứ hai là sự nhận thức và quyết tâm của một bộ phận lãnh đạo các cấp và ở bản thân đội ngũ giảng viên và giáo viên. Tuy đã có sự chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt và cụ thể nhưng việc nhận thức về chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nói chung và đổi mới dạy học ngoại ngữ nói riêng vẫn là một vấn đề khó khăn nhất, nhiều người không nhận thức đầy đủ về sự cần thiết, những khó khăn, thách thức phải vượt qua, những cách làm mới cần được áp dụng…, thậm chí không ít người nghi ngờ về khả năng thực hiện thành công các mục tiêu của đề án.

Về những khó khăn cụ thể, trước hết phải nói đến năng lực của đội ngũ người dạy. Một bộ phận giảng viên và giáo viên tuy có bằng cấp nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên chưa có năng lực về ngoại ngữ, năng lực về nghiệp vụ sư phạm tương ứng, bằng lòng với những phương pháp giảng dạy cũ, ngại áp dụng cái mới, “dị ứng” với việc ứng dụng CNTT trong việc tự học và dạy học ngoại ngữ.

Chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhanh chóng triển khai phủ kín chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông do phải đào tạo lại hầu hết giáo viên, không còn chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng những giáo viên trẻ có năng lực; thiếu điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để dạy ngoại ngữ từ lớp 3 ở tiểu học.

Ở bậc ĐH-CĐ, nhiều trường còn chưa chủ động, sáng tạo, xây dựng những giải pháp hiệu quả để thực hiện thành công chuẩn đầu ra, không có lộ trình mở rộng kho học liệu và ứng dụng CNTT trong việc đổi mới phương pháp dạy – học và nghiên cứu ngoại ngữ, đội ngũ giảng viên phần nào chưa có thói quen và ý thức tự bồi dưỡng, chủ động tìm học liệu phục vụ dạy học.

Thiết bị chuyên dùng và cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ dạy và học ngoại ngữ thiếu thốn cũng là khó khăn không nhỏ ở nhiều địa phương; trong khi không ít nơi thiết bị được mua về nhưng không có người sử dụng hoặc mua sắm không đồng bộ nên sử dụng kém hiệu quả.

Cũng phải kể đến một khó khăn nữa là chúng ta chưa tạo được môi trường sử dụng ngoại ngữ trong các công sở, trường học, doanh nghiệp và cộng đồng, làm hạn chế động lực và điều kiện rèn luyện thường xuyên về ngoại ngữ của người dạy và người học.

Xin cảm ơn ông!

Nghiêm Huê

Thay đổi chóng vánh của ngành giáo dục

Ngày 9-9-2014, Bộ GD-ĐT phê duyệt đề án thi THPT quốc gia, trong đó, ngoại ngữ từ môn tự chọn thành môn bắt buộc. Ngày 6-3-2015, Bộ GD-ĐT quyết định bổ sung phần tự luận vào đề thi ngoại ngữ. Trong khi đó, thời gian thi chỉ còn 4 tháng. Rồi chỉ một hai tháng trước thi Bộ GD-ĐT mới công bố đề mẫu, chính vì vậy, giáo viên, học sinh đều bị động.

Theo các giáo viên dạy ngoại ngữ, điều này là bất cập. Ở thành phố, điều kiện học tập của học sinh khác với nông thôn, vùng sâu, vùng xa, lại có điều kiện đến các trung tâm ngoại ngữ để “cày”. Có thể, họ không bỡ ngỡ với thay đổi chóng vánh của ngành giáo dục. Trong khi đó, phần lớn học sinh nông thôn, vùng cao, ngoại ngữ không phải là thế mạnh thì sự thay đổi đã gây ra rất nhiều khó khăn cho người học và người dạy. Chính vì vậy, họ không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, trượt tốt nghiệp do điểm liệt môn ngoại ngữ là cái kết không đẹp trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

 

Bình luận (0)