Có thể nói, những năm trở lại đây, từ thái độ chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo ngành giáo dục, những buổi lễ ở trường phổ thông như khai giảng, sơ kết, tổng kết cuối năm học có nhiều chuyển biến tích cực theo xu hướng nhanh, gọn, nhẹ, ý nghĩa. Học sinh ít còn phải ngồi suốt buổi ở sân trường dưới cái nắng gay gắt. Chương trình đã giảm bớt những phần rườm rà đi… Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận nhiều buổi lễ chưa có chiều sâu, chưa có nhiều đổi mới đột phá, mà đa phần là rập khuôn. Cho nên đọng lại rất ít cảm xúc cho học sinh, cho người tham dự. Đáng bàn nhất là trong các buổi lễ tri ân, trưởng thành cho học sinh lớp cuối cấp, nhất là khối 12, những lời gửi gắm nhắn nhủ của thầy cô, nhà trường qua các bài phát biểu còn chung chung, hình thức, thiếu thiết thực, chưa tạo được cú “hích” làm động lực cho các em sẵn sàng dấn bước vào đời.
Vừa qua, trong buổi lễ tổng kết và tri ân cho học sinh khối 12 của Trường THPT Đinh Thiện Lý (TP.HCM), học sinh và giáo viên rất thích thú, xúc động trước bức thư của cô giáo dạy văn Nguyễn Minh Ngọc nhắn nhủ học trò của mình trước khi ra trường. Bức thư thấm đẫm những lời khuyên đầy yêu mến. Đặc biệt trong bức thư, cô Ngọc đã gửi gắm rất nhiều thông điệp rất ý nghĩa và thực tế. Đó là cô nhắn nhủ các em 3 điều cần nhớ, không được quên trong đời của mình sau này: Điều thứ nhất, các em là một người bình thường; điều thứ hai, các em phải luôn sống là chính mình; điều thứ ba, các em có thể sai. Những lời khuyên này rất nhẹ nhàng mà thiết thực có phần khác lạ với những lời khuyên lâu nay. Nó giúp các em tránh được những áp lực không cần thiết với chính bản thân mình. Giúp các em biết khám phá bản thân và có trách nhiệm với bản thân mình. Giúp các em biết chấp nhận cái sai, để không phải quá cầu toàn, quá lý tưởng, ảo vọng sẽ dễ dẫn đến những thất vọng, bi quan, hoài nghi khi thất bại, vấp ngã.
Bức thư còn có những đoạn thủ thỉ riêng với các em nữ sinh về thiên chức, sứ mệnh, vai trò của những người phụ nữ trong thế kỷ 21. Nhắn nhủ các em nam sinh về sự “dấn thân”, “tư duy”, “hành động”, sẵn sàng “đối mặt”, “chịu đựng nghịch cảnh”… Bức thư khá dài, nếu gọt lại sẽ hoàn hảo hơn. Tuy vậy, đáng được trân trọng vì đó là tấm lòng, vì nó đã đem đến những lời khuyên chân thành, bổ ích.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)