Phụ huynh nên thiết lập quy tắc sử dụng Internet trong nhà. Thay vì xóa tất cả tin nhắn mang tính đe dọa, bạn nên in ra làm bằng chứng.
Không chỉ bị đe dọa, bạo lực về thể xác, tinh thần một cách trực tiếp, nhiều học sinh hiện bị bắt nạt qua những tin nhắn, văn bản trên mạng xã hội hay qua email. Phụ huynh, học sinh và nhà trường cần có biện pháp cụ thể để ngăn chặn việc bị bắt nạt qua mạng trước khi nó trở nên tồi tệ hơn.
Dưới đây là một số lời khuyên được tạp chí Parents đưa ra để ngăn chặn tình trạng này.
Bố mẹ nên:
1. Lắp đặt máy tính ở khu vực chung trong nhà để có thể giám sát việc sử dụng mạng của con. Không nên đặt máy tính trong phòng ngủ của trẻ.
2. Tìm hiểu về các trang mạng xã hội, dần làm quen với Facebook, Myspace hay Twitter. Bạn nên đề nghị con cho xem trang cá nhân của chúng.
3. Thường xuyên trò chuyện với con về các vấn đề liên quan đến trực tuyến. Hãy cho con biết có thể tìm bạn để được giúp đỡ nếu thấy điều gì đó khác lạ, gây khó chịu hoặc nguy hiểm.
4. Đặt giới hạn thời gian sử dụng Internet, giải thích lý do làm vậy và thảo luận các quy tắc để cả nhà dùng Internet an toàn. Bạn hãy để trẻ đóng góp ý kiến trong việc thiết lập quy tắc đó.
Ảnh: Parents |
5. Khuyên con không phản ứng với bất kỳ mối đe dọa hay bình luận mang tính đe dọa, bắt nạt nào và cũng không nên xóa bất kỳ tin nhắn nào. Thay vào đó, hãy in chúng ra, bao gồm cả địa chỉ email, tên người gửi… Bạn sẽ cần các tin nhắn để xác minh và chứng minh đã bị đe dọa trực tuyến.
6. Không nên phản ứng theo kiểu đổ lỗi cho con. Nếu con đang bị bắt nạt, hãy đứng về phía con và thấu hiểu chúng. Tìm hiểu xem con đã bị bắt nạt bao lâu và đảm bảo rằng bạn sẽ cùng con tìm ra giải pháp.
7. Không nên phản ứng theo kiểu bảo con bỏ qua hoặc chỉ đối phó với những kẻ bắt nạt. Nỗi đau về mặt cảm xúc khi bị bắt nạt có thể tác động lâu dài.
8. Đừng đe dọa sẽ lấy đi máy tính của con nếu chúng bị bắt nạt trên mạng. Điều này chỉ khiến trẻ trở nên bí mật hơn.
9. Nói với nhân viên tư vấn của trường để họ theo dõi xem liệu con có bị bắt nạt trong khi học ở trường hay không.
10. Nếu có các mối đe dọa bạo lực thể xác hoặc bắt nạt trực tiếp, hãy thông báo đến cơ quan chức năng và nhờ sự can thiệp của pháp luật.
Học sinh nên:
11. Không trả lời bất kỳ tin nhắn hoặc văn bản nào được gửi bởi những kẻ bắt nạt, đe dọa.
12. Không biến mình thành đồng phạm bằng cách chuyển tiếp tin nhắn mang tính chất đe dọa, bắt nạt cho những đứa trẻ khác.
13. Lưu và in tất cả tin nhắn để làm bằng chứng.
14. Nếu đang bị bắt nạt, hãy nói với người lớn ngay lập tức để được giúp đỡ.
Nhà trường nên:
15. Áp dụng chính sách không khoan nhượng đối với tất cả loại bắt nạt. Hãy nói rõ rằng mọi hành vi đe dọa, quấy rối đều được xử lý nhanh chóng và nghiêm túc.
16. Các khu học chánh nên có chính sách ngăn chặn bạo lực, bắt nạt tại chỗ. Ban giám hiệu, phụ huynh và học sinh nên được chia sẻ về các chính sách này vào mỗi đầu năm học.
17. Tích hợp các lớp học về cách sử dụng Internet an toàn vào chương trình giảng dạy.
18. Cho học sinh, phụ huynh và giáo viên thảo luận về phòng chống bắt nạt. Có hội đồng học sinh để giải quyết vấn đề này cho các bạn trong toàn trường.
Dương Tâm (theo Parents)/Vnexpress
Bình luận (0)