Y tế - Văn hóaThư giãn

Lối mòn phim tuổi học trò

Tạp Chí Giáo Dục

Phim cho tuổi học trò vài năm gần đây thường “dính” đến mô típ cảm hóa học sinh bất trị, hoặc phiêu lưu mùa hè.
 
Cảnh phim Trường nội trú – Ảnh: TFS cung cấp
Dù mỗi phim có cách thể hiện khác nhau, đội ngũ diễn viên khác nhau, những câu chuyện, kiểu tinh nghịch, quậy phá khác nhau…, nhưng cuối cùng, kết thúc đều giống nhau ở điểm: được cảm hóa từ lòng yêu thương, quan tâm, chia sẻ chân tình (trong quá trình giáo dục) của thầy cô, hoặc sẽ nhận thức được giá trị của việc học khi kết thúc chuyến phiêu lưu dịp hè. Đặc biệt hơn, với những phim về cảm hóa, khán giả tuổi học trò khi xem hẳn ít nhiều… khó chịu, vì khi đề tài này liên tiếp được khai thác và phổ biến trên màn ảnh nhỏ thì vô hình trung cứ nhắc đến phim về lứa tuổi này là người ta nghĩ ngay đến sự quái đản, bất trị. Trong khi, quanh chuyện trường lớp, theo một đạo diễn thích làm phim cho khán giả độ tuổi này, còn rất nhiều điều, nhiều vấn đề thiết thực, thời sự và hấp dẫn không kém cần được chia sẻ hơn.
Điểm lại vài năm gần đây, trong số những phim đã phát sóng về tuổi học trò, cụ thể là về đề tài trường lớp, có 5 phim đáng chú ý: Thứ 3 học trò, Bộ tứ 10A8 (phát năm 2009), Thiên thần áo trắng (2010), Lục lạc huyền bí (dù 2008 đã khởi động nhưng đến 2011 mới lên sóng) và hiện nay trên HTV9 đang phát phim Trường nội trú. Trong đó, hết 3 phim xoay quanh chuyện lớp học cá biệt, cùng mô típ cảm hóa: Nhất quỷ nhì ma, Lục lạc huyền bí, Trường nội trú. Nếu Lục lạc huyền bí thêm yếu tố thần kỳ (hỗ trợ học sinh đối phó với giáo viên) thì Nhất quỷ nhì maTrường nội trú khá tương tự. Nội dung 2 phim đều là câu chuyện của thầy giáo mới về trường, hiền từ, lại nhận đúng lớp học siêu quậy; không chỉ quậy trong lớp, đám học trò còn phá cả chuyện yêu đương của thầy. Dần dà, khi phát hiện hoặc tìm hiểu từng hoàn cảnh của học trò mình, thầy mới lý do khiến các bạn thích nổi loạn, cá tính đến bất thường… vì hầu hết đều thiếu thốn tình cảm, sự chăm lo của gia đình. Và hành trình cảm hóa của thầy bắt đầu…
Bên cạnh câu chuyện cảm hóa, khán giả truyền hình không khó để nhận ra đề tài quen thuộc khác khi nhắc đến phim cho tuổi học trò: cuộc phiêu lưu, chuyến du lịch khám phá trong kỳ nghỉ hè của các bạn. Nhưng đề tài này cũng bắt đầu bị lặp lại trong những: Mùa hè sôi động (du lịch khám phá), Giấc mơ biển, Phiêu lưu mùa hè, Nhiệm vụ đặc biệt (chuyện trẻ thành phố về quê chơi hè hoặc ngược lại)…
Thực tế, những người làm phim đều hiểu nỗi khổ của nhau khi thực hiện phim dành cho tuổi học trò. Khó khăn chung mà các đạo diễn từng chia sẻ, như đạo diễn phim Trường nội trú – Lê Khắc Hoài Nam, là “khi những người làm phim đa số đã qua thời học sinh khá lâu thì việc tiếp cận để hiểu được tâm tư tình cảm, sở thích, nguyện vọng của các em đòi hỏi mất rất nhiều thời gian và công sức. Có lẽ đó cũng là lý do khiến kịch bản về đề tài này rất hiếm”. Cũng vì ngại mình không nắm bắt hết, không theo kịp sự phát triển của tuổi teen, từ tâm tư tình cảm đến tư duy nhận thức, nên đạo diễn Mỹ Khanh  từng mời các chuyên gia về phương pháp giáo dục phát triển cá tính teen, kỹ năng sống… theo suốt đoàn phim để tư vấn khi thực hiện Lục lạc huyền bí. Không chỉ vậy, “trong điều kiện làm phim truyền hình hiện nay, việc bán quảng cáo cho những phim về đề tài trường học không dễ vì lứa tuổi học trò chưa phải là khách hàng mục tiêu mà các sản phẩm quảng cáo hướng đến. Thực tế cho thấy chỉ có những hãng phim của nhà nước mới dám mạnh dạn sản xuất phim về đề tài này”, ông Hoài Nam bày tỏ.
Tất nhiên, thể loại nào cũng có khó khăn đặc thù của nó, nhưng nếu vì những lý do này mà không thể mở rộng hơn thế giới muôn màu và đầy thú vị của tuổi học trò trên phim ảnh thì cũng thật đáng buồn và đáng tiếc!

Theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)