Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lời nói phải đi đôi với việc làm

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Lê Quí Đôn chào cờ buổi sáng đầu tuần

Chào cờ là một việc làm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam. Đứng trước lá quốc kỳ ta nhớ tới biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho nền độc lập tự do của Tổ quốc. Hát quốc ca ta như cảm nhận được hồn thiêng sông núi của đất nước, càng tự hào về quê hương Việt Nam. Vậy mà ngày nay tôi thấy rất nhiều trường chỉ có học sinh hát, thậm chí có trường chỉ mở máy thay cho người hát hay cho một lớp trực tuần hát.
Hiệu trưởng tổ chức các đội cờ đỏ để truy bắt học sinh trốn chào cờ. Hiệu trưởng phạt những học sinh chào cờ không hát quốc ca nhưng trong khi đó bản thân hiệu trưởng lại không hát. Trong cuộc đời dạy học, tôi đã có gần 30 năm làm công tác đoàn đội (kể cả thời gian ở trong quân ngũ). Tôi cũng đã đi kiểm tra công tác đoàn đội ở nhiều trường nhưng tôi chưa thấy một hiệu trưởng nào trong buổi chào cờ mà hát quốc ca với học sinh. Sai vô cùng! Tệ hại vô cùng! Chúng ta giáo dục học sinh mà ta không thực hiện. Theo tôi cô hiệu trưởng Bích Ngọc không phải thanh minh gì nhiều. Chào cờ tuần hôm sau cô cùng tập thể giáo viên đứng trong đội hình và hát quốc ca thật to. Cô tổ chức thi an toàn giao thông cho giáo viên và học sinh (mỗi tuần vài câu về luật giao thông) và luôn tiện cô liên hệ… “có khi ta học luật mà người thân hay ngay cả bản thân chúng ta không thực hiện. Chẳng hạn có một hôm chồng cô vội quá mà vượt đèn đỏ…”. Vừa tế nhị nhẹ nhàng mà em học sinh cũng biết cô đã hối lỗi.
Hiện nay ngành giáo dục phát động phong trào “Hai không” và học tập làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Nhiều giáo viên thậm chí cả hiệu trưởng lớn tiếng, cao ngạo giáo huấn học trò. Lời lẽ mỹ miều rất hay nhưng bản thân họ lại là “cái túi” đựng tiêu cực. Tôi còn nhớ khi chưa có đợt phát động, mỗi kỳ thi tốt nghiệp hay chuyển cấp, giấy ngoài ném vào phòng thi như bươm bướm. Nhiều học sinh khá giỏi vẫn không chọi nổi với bài làm của giáo viên. Đến khi thực hiện “Hai không” thì “cháy nhà mới ra mặt chuột”. Kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên thực hiện “Hai không” ở một hội đồng chấm thi mà tôi tham gia có tới 1.069 điểm 0 môn toán (có phòng 25 thí sinh cộng lại chưa được 10 điểm). Có trường 4 lớp 9 đi thi mà đạt tới… 3% điểm 0.
Tôi còn nhớ hồi học cấp 1 tôi đã được học thuộc lòng một bài trong sách giáo khoa viết về tấm gương của một thiếu niên miền Nam quấn lá cờ vào bụng không cho quân Mỹ Diệm giẫm lên lá cờ Tổ quốc. Tôi cũng đã được xem một bức tranh đồng bào miền Nam cắm mũi thuyền lại xung quanh cột cờ dựng trên sông nước để chào.
Tôi có 3 người bạn. Một người đã từng làm hiệu trưởng bị kỷ luật. Người đó đã “thề non hẹn biển” với một nhân viên của mình nhưng sau đó khi cô ấy có thai thì anh bạn tôi lại bỏ rơi. Phòng giáo dục phải giữ một phần lương anh ta lại để chuyển cho người mẹ nuôi con. Còn hai người kia đang làm hiệu trưởng ở hai vùng khác nhau. Đi coi thi họ “gửi” con cho nhau. Kết quả những đứa con cương quyết không nhận bài do giám thị đưa vào nên đứa rớt tốt nghiệp, đứa phải học hệ bổ túc hai năm ba lớp ở bên kia sông. Bố xin cho học hệ A ở gần nhà nhưng nó không màng. Nó nói như thế là không thực chất, nó cảm thấy bị xúc phạm, nó xấu hổ. Bây giờ thì cậu “quý tử” cứng đầu đó đã tốt nghiệp trường sĩ quan quân đội.
Chúng ta phải lấy câu “mỗi thầy cô giáo chỉ là một tấm gương sáng để học sinh noi theo” làm tiêu chí để làm thầy. Bài học của cô hiệu trưởng Bích Ngọc cũng là bài học cho mỗi chúng ta.
Hoàng Minh Đức (Quảng Bình)

Bình luận (0)