Lâu nay, ta dễ nhận thấy một điều hơi lạ là tại sao cùng mắc lỗi trong phát âm sai phụ âm đầu, nhưng hầu hết các lỗi như: S→X, Tr→Ch, R→D/Gi, V→D đều được xã hội dễ dàng thông cảm, cho qua; riêng chỉ duy nhất trường hợp lỗi nhầm L/N lại bị cho là “phản cảm”, bị chỉ trích là bất bình thường, không chấp nhận được. Thậm chí trong giao tiếp hằng ngày, người nhầm L/N có khi bị đánh giá thấp là đồ “ngọng níu ngọng no”, “nhà quê”…
Học sinh THPT đọc tác phẩm trong tiết học môn văn (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Gần đây, trên một diễn đàn xuất hiện hai ý kiến trái ngược nhau về một vấn đề thuộc lĩnh vực ngôn ngữ học. Một ý kiến cho rằng: “Phát âm nhầm L/N là sự đa dạng ngữ âm, không phải nói ngọng”, còn ý kiến khác thì phản bác: “Nhầm L/N là lỗi nói ngọng, không phải đa dạng ngữ âm”.
Không phải nói ngọng
Ngọng là “không phát âm được đúng một số âm do có tật hoặc do nói chưa sõi”. Trừ trường hợp hầu hết trẻ em nói ngọng lúc còn bé, sẽ được cải thiện dần theo thời gian khi lớn lên, thì một số người bị các cố tật ở cơ quan phát âm như: ngắn lưỡi, đầy lưỡi, dính thắng lưỡi, sứt môi…, đó là nguyên nhân dẫn đến tật nói ngọng. Như vậy, xét trên góc độ bệnh lý học và hiểu một cách thấu đáo thì nói ngọng là cố tật của một số người, khó có thể khắc phục, trừ khi được can thiệp ở cơ sở y tế.
Hiện trạng phát âm lẫn lộn giữa các âm đầu của cư dân một số vùng phương ngữ như L/N, S→X, Tr→Ch, R→D/Gi, V→D… hoàn toàn không thể gọi là nói ngọng; thực chất đó là sự phát âm chệch chuẩn chính âm tiếng Việt, mà cư dân ở bất kỳ vùng phương ngữ nào trên đất nước ta cũng đều mắc phải, không lỗi này thì lỗi kia, có thể điều chỉnh, rèn luyện nói và viết cho đúng chuẩn, và hoàn toàn có thể làm được.
Không thể có hai loại nói ngọng là “nói ngọng bệnh lý” như nêu trên và nói ngọng mang tính xã hội do phát âm lệch chuẩn, vì chỉ khi nhìn dưới góc độ bệnh lý thì mới có khái niệm nói ngọng mà thôi.
Tóm lại, lỗi phát âm nhầm lẫn L/N trong một bộ phận cư dân phía Bắc nước ta không phải do nói ngọng.
Cũng không phải đa dạng ngữ âm
Ai cũng biết, vỏ ngữ âm của một âm tiết tiếng Việt có thể được phát âm không thống nhất ở các vùng miền trên đất nước ta, tạo nên sự đa dạng. Đó là trường hợp thanh điệu bị biến đổi hoặc âm chính bị phát âm trại đi ít nhiều, ví dụ từ “cái bàn” sẽ được phát âm thành nhiều giọng ở các địa phương khác nhau, thành “cái bàng”/ “cái boàng”/ “cại ban”/ “cại bang”…, nhưng khi thể hiện trên chữ viết thì đều được thống nhất viết là “cái bàn”, ít khi sai chính tả. Còn trong trường hợp phát âm các phụ âm đầu L thành N và ngược lại, S thành X, Tr thành Ch, R thành D/Gi, V thành D… thường dẫn đến viết sai chính tả theo kiểu “nói sao viết vậy”; nó không phải đặc trưng bản sắc văn hóa của từng vùng miền cần phải bảo tồn, phát triển. Mặc dầu xét ở phạm vi trong nội bộ cộng đồng cư dân ở một địa phương cụ thể, cách phát âm đó đã mặc nhiên được chấp nhận một cách vô thức, thậm chí được công nhận là đúng, là chuẩn.
Nếu chúng ta nhất trí với nhau rằng: giọng là “cách phát âm riêng của một địa phương”, tiếng cũng được hiểu là “cách phát âm riêng của một vùng nào đó” thì hoàn toàn có thể chấp nhận quan điểm cách phát âm các phụ âm đầu L thành N và ngược lại, S→X, Tr→Ch, R→D/Gi, V→D… không phải là “đa dạng ngữ âm”, mà chính là lỗi phát âm theo vùng miền, mà nhiều nhà ngôn ngữ học đã thống nhất gọi tên nó là “lỗi phương ngữ/ thổ ngữ”. Như vậy, phát âm nhầm L/N không phải nói ngọng, cũng không phải đa dạng ngữ âm.
Có nên điều chỉnh?
Trên đất nước ta hiện tồn tại nhiều vùng thổ ngữ/ phương ngữ tương ứng với các địa phương trải dài từ Bắc chí Nam. Mỗi vùng thổ ngữ/ phương ngữ ấy có một vốn từ địa phương và giọng/ tiếng riêng, góp phần làm phong phú và đa dạng hóa ngôn ngữ nước nhà.
Cái gọi là chính âm do các nhà ngôn ngữ học tạo ra trên cơ sở kết quả nghiên cứu lâu dài về ngữ âm học tiếng Việt, thực ra chỉ có giá trị ở phương diện làm cơ sở cho việc xác định chính tả, chứ không bao giờ và không thể nào bắt các vùng phương ngữ phải đồng hóa giọng/ tiếng nói của mình theo chính âm.
Tuy nhiên, đối với những người làm các nghề phải tiếp xúc với nhiều người hoặc cần phát âm nhiều như phát thanh viên, giáo viên, nhân viên tiếp thị, nhân viên tư vấn, nhân viên tổng đài, ca sĩ… (và cả những bạn đang học ngoại ngữ) hoặc bất kỳ cá nhân nào muốn người nghe dễ nghe, dễ hiểu, việc giao tiếp và học tập được thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả thì việc tự điều chỉnh cách phát âm theo phương ngữ/ thổ ngữ vốn có của mình cho phù hợp với chính âm, gần với âm chuẩn nhất, có lẽ là điều cần và nên làm.
Điều chỉnh thế nào?
Trên đất nước ta việc lẫn lộn L/N chỉ tồn tại ở một số thổ ngữ thuộc vùng phương ngữ Bắc bộ, như vùng Hà Tây cũ chỉ nói được âm L, không nói được N; còn vùng Hải Phòng, cư dân thường chuyển tất cả các âm L thành N. Vì địa bàn hẹp, số người mắc lỗi không nhiều nên việc phát âm lẫn lộn L/N gây phản cảm đối với số đông người sử dụng tiếng Việt còn lại, hơn là các trường hợp mắc lỗi phát âm phụ âm đầu khác: Tr→Ch, S→X, R→D/Gi, V→D… Trên các phương tiện truyền thông hiện nay vẫn có nhiều phát thanh viên, quan chức còn mắc lỗi phát âm phụ âm đầu Tr→Ch, S→X, R→D/Gi, V→D nhưng không bị xã hội phản đối, trong lúc lỗi phát âm lẫn lộn L/N lại gây ức chế, phản ứng của dư luận kịch liệt đến mức dị ứng, thậm chí cả đánh giá về mặt trình độ, văn hóa của người nói.
Chúng tôi đồng tình với nhà ngôn ngữ học – PGS. Hoàng Dũng: Ta không thể nhân danh bất cứ một cái gì để xóa bỏ cách phát âm địa phương, vì nó là một phần tài sản văn hóa của họ. Nhưng trường hợp không phân biệt L/N là sự lệch chuẩn đã trở thành một vấn đề tâm lý – xã hội, tạo ra những định kiến không đáng có về trình độ văn hóa thì nên và cần phải sửa. Xóa bỏ tình trạng lẫn lộn L/N trong cả ngôn ngữ nói lẫn ngôn ngữ viết là vấn đề thực sự cấp thiết.
Thay đổi cách phát âm lẫn lộn L/N là có thể, và nên được điều chỉnh từ lứa tuổi trẻ em. Vì nó là vấn đề văn hóa nên không thể nóng vội, nhanh chóng được. Tuy nhiên, tin rằng sau vài thế hệ, thì cộng đồng sẽ dần dần phát âm chuẩn, phân biệt được, nói và viết đúng phụ âm đầu L/N.
Cần phải uốn nắn lại phát âm L/N của học sinh theo một phương cách căn cơ nhất định khi phân biệt rõ L với N trên cơ sở kiến thức ngữ âm học uốn lưỡi khác nhau, chứ không thể đơn giản hóa cách sửa lỗi phát âm và viết chính tả âm đầu L/N bằng cách hướng dẫn học sinh phân biệt “lờ cao” với “lờ thấp” một cách thô thiển, ấu trĩ, sai lầm như lâu nay.
Đỗ Thành Dương
Bình luận (0)