Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lối ra cho đào tạo TCCN

Tạp Chí Giáo Dục

Theo chỉ thị 10 của Bộ Chính trị và chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, đến năm 2020 cả nước phấn đấu đạt 30% học sinh theo học hệ TCCN. Đây là một chỉ tiêu mà các tỉnh thành trong cả nước đang gặp khó trong thực hiện.
Hiện nay cả nước có 596 cơ sở có đào tạo TCCN, trong đó 96 trường ngoài công lập. Năm học 2011-2012 tổng số học sinh, học viên là 630.749, giảm 42.447 người so với năm học 2010-2011. Theo hầu hết hiệu trưởng các trường có đào tạo hệ trung cấp, công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn, tổng số học sinh nhập học chỉ đạt 71,7% so với chỉ tiêu. Đa số cơ sở không tuyển đủ chỉ tiêu thuộc hệ tư thục. Số học sinh tốt nghiệp THCS vào học hệ trung cấp ngày càng giảm. Năm 2011 giảm trên 4.000 em so với năm 2009.
Bên cạnh đó cơ cấu học sinh theo nhóm ngành đào tạo vẫn tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành kinh doanh dịch vụ và sức khỏe, chiếm khoảng 60% tổng qui mô. Nhóm ngành công nghệ kỹ thuật chiếm khoảng 21%. Nhóm ngành nông, lâm, thủy sản và chế biến chỉ chiếm 2,2%, trong khi Việt Nam là nước nông nghiệp và cơ hội việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp còn khá lớn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Bộ sẽ xây dựng Bộ Chuẩn quốc gia về đào tạo TCCN, trên cơ sở học sinh trung cấp đạt chuẩn quốc tế trong đào tạo để đáp ứng nhu cầu hội nhập, khi Việt Nam phải cạnh tranh với các nước trong bối cảnh lao động giá rẻ không còn là lợi thế. Thứ trưởng yêu cầu: Các địa phương cần đẩy mạnh công tác phân luồng trên cơ sở làm tốt việc dạy và học, đánh giá nghiêm trong công tác tổ chức thi cử ở các cấp. Đánh giá nghiêm trong thi cử sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, không để học sinh ngồi nhầm lớp, đồng thời làm tốt công tác phân luồng. Đối với những học sinh không đủ khả năng mà vẫn tiếp tục học bậc THPT thì  không đạt hiệu quả. Kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay, dù đề có tính phân loại cao, có những câu dành cho học sinh trung bình, khá và giỏi nhưng rất nhiều thí sinh chỉ đạt 1 hoặc 2 điểm cho 3 môn thi. Trình độ đó không thể học ĐH, CĐ được. Do vậy chúng ta cần làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp để những học sinh có học lực như trên chuyển sang học trung cấp, giúp các em đi vào đời vững chắc, không lãng phí thời gian và tiền bạc.
Xung quanh việc các sở GD-ĐT chấp thuận cho mở quá nhiều trường đào tạo về lĩnh vực sức khỏe, gây mất cân đối trong cơ cấu đào tạo ngành nghề, chất lượng đào tạo không đảm bảo và  người học khó kiếm việc làm do thị trường bão hòa, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Về mặt vĩ mô, bộ sẽ có khuyến cáo nhưng bên cạnh đó, mong các trường phổ thông, các cơ quan truyền thông hỗ trợ, giúp xã hội và người học nhận thức được vấn đề để có sự chọn lựa sáng suốt khi chọn ngành nghề theo học”.
Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)