Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

“Lội sông” đi học

Tạp Chí Giáo Dục

Nước ngập trước cổng trường CĐ CN – dệt may thời trang TP.HCM

Hàng năm cứ vào khoảng tháng 11 các đợt triều cường từ nhiều nhánh sông lớn, nhỏ quanh TP.HCM len lỏi vào khu dân cư, đường sá và cả những ngôi trường đang có hàng trăm học sinh theo học. Năm nay cũng vậy, triều cường lại tiếp tục nhấn chìm nhiều đoạn đường đến lớp của thầy và trò.
Khắc phục hậu quả   
Năm nay khi chúng tôi đến thăm trường TH Hiệp Bình Phước đúng vào đợt triều cường nhưng tình hình đã khác hẳn năm trước. Mặc dù nhiều đoạn đường, khu dân cư ở gần đó bị nước vây tứ bề nhưng sân trường vẫn khô rang, các tiết học thể dục vẫn luôn được đảm bảo. Cô Đỗ Thị Hoa – Phó hiệu trưởng trao đổi: “Do năm ngoái bị ngập nặng nên năm nay trường đã nâng cao toàn bộ mặt bằng của trường lên, vì vậy nước không vào được”. Cô Hoa cho biết thêm một nguyên nhân khác làm cho nước không vào được sân trường là bờ bao nhánh sông Sài Gòn chảy từ quận 12 về đã được đắp cao hơn. Tại quận 12, năm nay triều cường không vào Trường TH Phạm Văn Chiêu như năm ngoái nữa do bờ bao An Phú Đông đã được gia cố, nền lớp học cũng được nâng cao hơn. Ban giám hiệu Trường THCS An Phú Đông, quận 12 cũng cho biết, nước lũ không thể vào được tận các lớp học, tuy nhiên khu đất phía sau trường cứ một trận mưa là chìm trong biển nước nên ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh. Bà Hồ Ngọc Tuyết – phó trưởng Phòng GD quận Thủ Đức cho biết, một số trường mầm non từng bị ngập như MN Hương Sen năm nay cũng đã thoát khỏi cảnh “tứ bề nước vây” như mấy năm trước. 
“Lội sông” đi học
Qua ghi nhận thực tế chúng tôi thấy hầu hết các điểm trường có “thâm niên” ngập lụt nhiều năm trước đây tại quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 8, quận 2… năm nay đã bắt đầu có nhiều tiến triển. Một giáo viên Trường THCS Hiệp Bình cho biết: “Nếu các em học sinh nhà ở dọc trục đường quốc lộ 13 thì không phải lội nước đến trường do đường được đắp cao, nhưng nếu nhà ở sâu một chút, nhất là khu vực sát bờ sông Sài Gòn thì thường xuyên phải lội nước đến trường”. Chị Hiền một phụ huynh có con học lớp 3 Trường TH Hiệp Bình Phước than vãn: “ Nhà tôi cũng không xa trường là bao nhưng phải đi qua một đồng lúa nhỏ nên mỗi lần đưa con đi học đều phải lội nước”. Chị Hiền cho biết nhiều phụ huynh ở đây chở con đến trường đều chung cảnh ngộ ấy, phải chịu cực từ nhiều năm nay rồi. Một vài người dân ở đây thấy cảnh con cái mình đi học vất vả quá đành phải gửi con ra nhà ông bà nội, ngoại để tránh lội nước khi đến trường thế nhưng không phải ai cũng có thuận lợi đó.
Tại quận 8 do nhiều trường học sát bờ kênh Tàu Hủ, kênh Đôi và rạch Bến Nghé nên nhiều đoạn đường không tránh khỏi chuyện “nước ngập thành sông” mỗi đợt triều cường. Ai đã một lần lội nước ở đây mới thật sự kinh hãi vì nước chỉ có một màu đen thui và bốc mùi dơ bẩn từ các dòng kênh ô nhiễm gần đó. Nhiều em đi học phải quay trở về vì không dám lội nước, lại có em lội nước nhiều ngày nên bị lở loét do nước ăn chân. Hơn một tuần nay nếu ai đi qua đường Kha Vạn Cân đoạn giáp ranh giữa phường Hiệp Bình Chánh và Linh Đông mới thấy được cảnh lội nước của hàng chục học sinh khi đi học trên tuyến đường này. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ là nước đã ngập bánh xe và kéo dài trên một đoạn đường gần cả cây số. Đây là đoạn đường có rất nhiều học sinh của Trường THCS Ngô Chí Quốc, Trương Văn Ngư, THPT Hiệp Bình, Nguyễn Hữu Huân, Đại học Ngân Hàng, Quốc Gia, Nông Lâm… ngày hai chuyến phải chịu cảnh “vượt sông” đến trường. Chúng tôi cũng từng chứng kiến cảnh một học sinh nữ Trường THCS Ngô Chí Quốc khi qua “khúc sông” dài nằm trên đường phải dừng xe xắn quần lội nước nhưng khi ra đến “giữa dòng” loay hoay thế nào lại rơi cặp sách xuống dòng nước. Nước ngập sâu, xe qua lại nhiều nên không ít em bị té do sụp ổ gà áo quần ướt hết trông thật tội nghiệp. Một sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp – dệt may thời trang TP.HCM than vãn: “Đoạn đường này lại nằm ngay trước cổng trường nên hàng ngày tụi em phải lội nước đi học. Nước ngập ngoài đường, ngập trước sân trường và nhiều hôm còn ngập sâu vào trong lớp học”. Tình trạng đó cứ kéo dài mãi và thầy trò ở trường này phải âm thầm chịu đựng từ nhiều năm nay.
Nguyễn Hoàng Anh

Bình luận (0)