Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lối sống nhà giàu khiến hàng triệu người Việt bệnh tật

Tạp Chí Giáo Dục

12 triệu người cao huyết áp, 3 triệu người bị tiểu đường, chưa kể bệnh tim mạch, ung thư… do ăn thừa năng lượng lại lười tập thể dục.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết lười vận động đang là vấn nạn mà ngành y tế lo ngại gây những hệ lụy sức khỏe người dân. Theo bà Tiến, người Việt chưa quan tâm nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, khi có bệnh mới đến bệnh viện điều trị. Đến 75% người tử vong do các bệnh không lây nhiễm mạn tính như tim mạch, ung thư, tiểu đường, phổi tắc nghẽn… 

Theo tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng, xu hướng bệnh tật của người Việt Nam đang chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm. Nguyên do là thói quen lười vận động, ăn nhiều thịt, ít rau, ăn nhiều muối.

Điều tra quốc gia STEPS năm 2015 cho thấy cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp và cứ 20 người thì có một bị đái tháo đường. Ước tính, hiện nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, khoảng 3 triệu người đái tháo đường.

Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong vòng 5 năm qua số người cao huyết áp Việt Nam tăng 50%, đái tháo đường tăng đến 200%, thừa cân béo phì 16%, bệnh nhân tim mạch tăng 12%.

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết những năm gần đây số người nhập viện do đái tháo đường ngày càng gia tăng, độ tuổi ngày càng trẻ. Nếu trước đây bệnh đái tháo đường chỉ tấn công người hơn 40 tuổi thì ngày nay trẻ 11-12 tuổi, thanh niên 17-20 tuổi đều có thể bị bệnh.

"Nguyên nhân chủ yếu là do lối sống 'nhà giàu' tiêu thụ quá nhiều thực phẩm dẫn đến dư thừa năng lượng và lười tập thể dục", bác sĩ Dương nhấn mạnh.

Đa số người tập thể dục là người cao tuổi, về hưu có nhiều thời gian rảnh. Giới trẻ hiện nay ít vận động hơn. Ảnh:Đình Tùng

Lối sống thừa năng lượng mà lười vận động cũng dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì đáng báo động. Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, nói, hơn 10 năm qua chỉ tính riêng TP HCM, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng gấp ba lần. Năm 1996 có 12% trẻ em tại Hà Nội và TP HCM bị thừa cân, béo phì, thì năm 2009 lên đến 43%. Hiện nay tỷ lệ này hơn 50%.

Lười vận động còn dẫn đến một số loại ung thư như ung thư phổi, tử cung; gây rối loạn nhịp tim, phình động mạch, suy tim, tai biến mạch máu não… Các bệnh này dẫn đến tử vong sớm, gây nguy hại đến sức khỏe còn nhiều hơn cả hút thuốc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mức độ vận động với người trưởng thành mỗi tuần là ít nhất 150 phút ở cường độ trung bình hoặc 75 phút tập luyện cường độ cao, trừ người bị bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2, mất trí nhớ và một số bệnh ung thư.

Các bác sĩ khuyến cáo để phòng bệnh nên thay đổi lối sống, thường xuyên luyện tập thể dục và vận động hợp lý để ổn định huyết áp, giảm lượng mỡ thừa… Bổ sung chất xơ có trong rau xanh. Hạn chế đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều đạm và chất béo, tránh ăn mặn. Kiêng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác như cà phê, trà đặc…

Thùy An/Vnexpress

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)