Hội nhậpThế giới 24h

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng kéo dài ở Thái Lan?

Tạp Chí Giáo Dục

Bạo loạn trên đường phố Bangkok

Trưa ngày 10/4, khoảng 400 người biểu tình trong trang phục màu đỏ đã phá vỡ một trong 3 hàng rào an ninh cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các đối tác châu Á tràn vào khách sạn Royal Cliff Resort tại Pattaya, nơi chuẩn bị diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các đối tác châu Á. Hôm 11/4, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva tuyên bố:Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN cùng các đối tác bị hoãn vô thời hạn. Ngay sau đó, “tình trạng khẩn cấp” tại Pattaya và Chonburi được chính thức tuyên bố.

Trước khi xông vào Trung tâm hội nghị tại Royal Cliff Resort, những người đối lập mang trang phục đỏ đã kịp huy động xe taxi phong tỏa những con đường ở Pattaya khiến cuộc gặp gỡ của các nhà ngoại giao Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc không thể diễn ra. Ngay sau khi các nguyên thủ ASEAN và châu Á được di dời đến nơi an toàn thì “nhiệm vụ” của đoàn biểu tình cũng đã hoàn thành. “Đoàn quân đỏ lại kéo về Bangkok tiếp tục bao vây tòa nhà Chính phủ đòi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ chức. Báo Nation trích lời thủ lĩnh phe đối lập Natthahuw Saikua tuyên bố rằng: “Chúng ta đã chiến thắng. Tất cả các thành viên áo đỏ lại trở lại để tham gia biểu tình trước văn phòng chính phủ”.

Theo RFI, Thủ tướng Nhật Taro Aso đang trú ngụ tại nơi khác thấy tình hình liền ra sân bay về nước, còn Thủ tướng Úc đang bay đến Thái Lan, khi nghe tin này quyết định quay ngược máy bay trở về.

Theo các nhà phân tích thì lệnh dỡ bỏ “tình trạng khẩn cấp” của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva ở Pattaya ngay sau đó cũng chỉ là việc làm “vuốt đuôi” mà thôi. Pattaya còn gì nữa mà phải “thiết quân luật”?

Có lẽ đây là trường hợp hi hữu trong lịch sử Thái Lan, một đoàn biểu tình không đông, không được trang bị vũ khí lại có thể “đè bẹp” cả lực lượng bảo vệ hùng mạnh gồm cả cảnh sát, quân đội để tràn vào khách sạn Royal Cliff Resort, nơi Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN mở rộng chuẩn bị tiến hành.

Theo Reuters, để hạn chế những phản ứng chống đối của phe đối lập, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã chủ động cho tất cả người lao động ở Thái Lan được nghỉ vào ngày thứ sáu và tuyên bố “mạnh tay” với những kẻ nổi loạn, vậy mà….

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan kéo dài mấy năm nay. Sau khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ, Thái Lan rơi vào cuộc đối đầu căng thẳng giữa phe của Thaksin và phe quân đội. Mâu thuẫn trở nên đặc biệt căng thẳng vào tháng 11/2008, khi người biểu tình chiếm đóng hai sân bay lớn ở Bangkok mà hậu quả của nó là 8 người chết, 500 người bị thương. Điều quan trọng là cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan đã đẩy nền kinh tế nước này vào cơn suy thoái. Theo các chuyên gia thì chỉ riêng nền “công nghiệp không khói” đã bị thất thoát hàng tỷ USD. Tháng 12 năm ngoái, đảng cầm quyền thuộc phe Thaksin Shinawatra bị tòa án cấm hoạt động đã mở đường cho lãnh tụ đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva lên làm Thủ tướng. Kịch bản cũ lại tiếp tục tái diễn bằng hàng loạt cuộc biểu tình của phe đối lập thân Thaksin đòi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ chức. Phong trào đấu tranh của phe đối lập thân Thaksin Shinawatra thực sự lên cao kể từ tháng 3 năm nay, sau khi Chính phủ Thái Lan cấp phát cho 9 triệu công nhân nghèo số tiền 2000 Bạt/người. Phe đối lập cho rằng đây không phải là hành động kích cầu kinh tế mà là âm mưu mua chuộc của Chính phủ.

Theo các nhà phân tích, bằng việc phá vỡ Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng của ASEAN và hạ nhục Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, phe “áo đỏ” chắc chắn sẽ tổ chức những cuộc biểu tình rầm rộ sắp tới nhằm hạ bệ Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.

Đây là chuyện hoàn toàn nội bộ của Thái Lan, tuy nhiên, phá vỡ Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng của ASEAN là khó có thể chấp nhận được. Hình ảnh đất nước Thái Lan bị tổn hại nghiêm trọng trong mắt của bạn bè quốc tế.

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN mở rộng năm nay được coi là “sân khấu lớn” để hai gã khổng lồ ở châu Á (Trung Quốc và Nhật Bản) “so găng” trong lĩnh vực viện trợ cho các nước Đông Nam Á nhằm tranh giành ảnh hưởng. Ngoài ra, theo chương trình nghị sự, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN mở rộng sẽ thảo luận vấn đề nóng hổi của khu vực trong mấy tuần qua- CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa.

Sự kiện hi hữu ở Thái Lan vừa qua đã đặt ra nhiều dấu hỏi. Tại sao lực lượng an ninh không bảo vệ được Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN mở rộng ở Pattaya trước mấy trăm người biểu tình? Có phải đây là hậu quả của nền dân chủ và đa đảng của Thái Lan?

Qua sự kiện này, các tờ báo lớn ở Bangkok nghi ngại rằng, Chính phủ của Thủ tướng Abhisit rất có khả năng sẽ không bảo vệ được sự uy nghiêm của luật pháp, không bảo vệ được an ninh của đất nước.

Ngày 12/4, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva tuyên bố sẽ áp dụng những hành động pháp lý cứng rắn trong một vài ngày tới nhằm xử lý những đối tượng gây rối dẫn đến phá vỡ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN mở rộng. Ông Abhisit đã chuẩn bị cho khả năng phải từ chức hay giải tán Quốc hội. Theo Thủ tướng Abhisit thì việc “khôi phục lại luật pháp và trật tự xã hội” là nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay. Thông tin bắt giữ thủ lĩnh cuộc biểu tình ở Pattaya vừa được cảnh sát Bangkok phát ra thì chiều 12/4 Thủ tướng Abhisit bị nhóm người biểu tình bao vây trước cửa tòa nhà Bộ Nội vụ. Trong lúc khẩn trương tìm đường thoát, Thủ tướng Abhisit bị thương nhẹ ở tay.

Theo Frans Press, ngày 13/4, 68 người bị thương trong cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và quân đội ở Bangkok. Phát biểu trên radio, người đại diện quân sự Thái Lan, đại tá Sansern Kaewkamnerd tuyên bố rằng người biểu tình đã ném đá, ném quả cầu khói và hỗn hợp cháy về phía cảnh sát và binh lính, sau khi khối quân sự dùng lựu đạn cay trấn áp đoàn biểu tình. Thái Lan lại một lần nữa rơi vào khủng hoảng chính trị trầm trọng.

Các nhà phân tích thì khẳng định rằng cuộc chiến vì quyền lực của Thái Lan sẽ kéo dài chừng nào mâu thuẫn giữa phe thân Thaksin Shinawatra và phe bảo hoàng do quân đội nắm quyền chưa được dỡ bỏ.

Theo GD&TĐ

Bình luận (0)