Sự kiện giáo dụcTin tức

Lối về của cô giáo 17 năm bị truy nã

Tạp Chí Giáo Dục

Chân dung và bức thư cho sự trở về sau 17 năm lẩn trốn của Lê Thị Thanh Hương

Không chịu được cuộc sống thiếu thốn của một giáo viên dưới cái thời lương ba cọc, ba đồng, cô giáo Lê Thị Thanh Hương – nguyên giáo viên dạy văn ở Trường THCS Thị xã Quảng Trị nảy ra ý định vay tiền bạn bè, đồng nghiệp để làm kinh tế. Giấc mơ đổi đời đâu chẳng thấy, Hương ôm món nợ hàng tỷ đồng không có khả năng hoàn trả nên bỏ xứ ra đi.
Suốt 17 năm trời lang bạt xứ người, nỗi khát khao được sống cuộc sống một công dân bình thường cùng lời động viên chân thành của những trinh sát Công an Quảng Trị đã thôi thúc Hương quyết định quay về thú tội…
Giấc mơ đổi đời tội lỗi
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra,từ tháng 9-1993 đến tháng 8-1994, Lê Thị Thanh Hương (trú tại phường 1, thị xã Quảng Trị), giáo viên dạy văn ở Trường THCS Thị xã Quảng Trị đã vay tiền của những người quen để buôn bán với chiêu dụ dỗ lãi suất trả lại đầy hấp dẫn. Hàng chục người đã cho Hương vay số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Có tiền, Hương bắt đầu rẽ sang nghề tay trái đầu tư buôn bán nhưng vốn là một cô giáo dạy văn, ít tiếp xúc với thương trường nên qua một thời gian việc buôn bán của Hương liên tục bị thua lỗ, kéo theo đó việc trả lãi suất lên đến 30%/tháng đã đẩy Hương vào con đường phá sản vì nợ nần chồng chất.
Để tìm cách trả tiền cho khách hàng, Hương cứ đi vay của người mới để trả cho người cũ. Cứ như vậy, sau chưa đầy một năm, hết khả năng trả nợ, Hương đã bỏ trốn cùng món nợ lên đến gần 500 triệu đồng…
Năm 1994 Hương bỏ trốn cùng chồng và con gái vào tận xã Quyết Tiến 2, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk làm rẫy. Lúc này, Lê Thị Thanh Hương bị Công an Quảng Trị truy tố với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và phát lệnh truy nã.
Làm rẫy không nổi, vợ chồng Hương quay sang thu lượm ve chai rồi sau đó mở cửa hàng thu mua phế liệu. Với vỏ bọc mới và cái tên mới, khi cuộc sống tạm ổn, Hương lao vào chơi số đề, gia đình lại tiếp tục lâm vào cảnh bần cùng. Năm 2002, Hương lại phạm tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. TAND tỉnh Đắk Lắk kết án 6 tháng tù, cho hưởng án treo. Người chồng chán chường ôm con về gửi cho người chị ruột ở Nghệ An rồi bỏ đi làm ăn.
Một mình bơ vơ, Hương phiêu dạt tới đất Long Khánh làm thuê. Cuộc sống rơi vào cảnh cùng cực.
Ngày về muộn màng
“Dũng em! những ngày này khi nghe giọng em qua điện thoại chị thấy đó như là giọng nói của người thân, nghe thân thương và ấm áp vô cùng! Chị có thêm can đảm để đối mặt với sự thật và chị hứa với em sẽ cải tạo tốt để không phụ lòng tin của em. Chị sẽ đổi cách xưng hô khi bước lên xe… trở về. Còn trong lá thư này xin em cho chị được xưng hô như vậy nhé…!”.
Khi đọc những dòng thư đầy xúc động ấy có lẽ ít ai ngờ được rằng đó chính là lá thư của một tội phạm bị truy nã gửi cho chiến sĩ trinh sát đang trên hành trình tầm nã tội phạm. Ấy vậy mà đó là sự thật vừa xảy ra ở thị xã bình yên bên dòng Thạch Hãn.
Từ năm 1995 cho đến nay, các đơn vị thuộc Công an thị xã Quảng Trị, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Quảng Trị liên tục gửi thư kêu gọi đầu thú đến gia đình, người thân của Lê Thị Thanh Hương và tổ chức xác minh truy tìm nhưng Hương vẫn bặt vô âm tín. Năm 2010, lực lượng truy nã Công an Quảng Trị đã bắt được liên lạc với người chồng của Hương đang làm bảo vệ cho một nhà hàng ở Vĩ Dạ (Huế) và cô con gái bé bỏng của Hương ngày nào đã trở thành sinh viên đang theo học đại học tại Huế. Các cán bộ truy nã đã tìm gặp hai người thân của Hương để thuyết phục họ liên lạc với Hương. Rồi bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng xác định được nơi Hương lẩn trốn. Tuy nhiên, với tinh thần nhân văn, cơ quan chức năng không tổ chức truy bắt mà kêu gọi Hương tự nguyện ra đầu thú. Và để Hương có đủ can đảm “trở về”, phải kể đến tấm lòng của những chiến sĩ Công an Quảng Trị, đặc biệt là Đại úy Lê Thanh Dũng – Đội phó phụ trách Đội tham mưu truy nã và truy tìm. Từ khi liên lạc được với đối tượng, anh đã gọi điện thoại hằng ngày, chia sẻ tâm tư nhằm giúp đối tượng nhận ra lỗi lầm.
Đến năm 2012 là khoảng thời gian dài 17 năm kể từ ngày Hương bỏ trốn. Vì một phút lỡ lầm, một giáo viên hàng ngày lên bục giảng dạy về lẽ sống nhân văn lại trở thành tội phạm bị truy nã. Từng ấy thời gian cô lang bạt xứ người, không từ một công việc làm thuê làm mướn nào để kiếm sống và trốn tránh pháp luật. Những tưởng rằng cuộc sống rày đây mai đó sẽ yên ổn cho đến trọn đời. Nhưng sự ăn năn, hối lỗi đối với bạn bè, đồng nghiệp, tủi hổ với học trò đặc biệt là phụ lòng tin của người chồng, đứa con yêu thương, lời lẽ chân tình của cán bộ đội truy nã làm con người ấy sống trong day dứt. Dẫu cái ngày cô run run cầm trên tay cây bút và tờ giấy để viết lá thư thú tội đã quá muộn màng. Vậy là, ở vào cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, giây phút đưa tay vào còng số 8, Lê Thị Thanh Hương mới thấm thía hơn ai hết về giá trị của cuộc sống làm người.
Bài, ảnh: Phan Lệ

Bình luận (0)