Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lối về của thanh thiếu niên sa ngã: Bài 3: Quay đầu là bờ…

Tạp Chí Giáo Dục

“Cuộc đời của con có lẽ sẽ mãi chìm trong tuyệt vọng với tương lai đen tối nếu như không có lần được tham quan thực tế trại giam và nghe bác Nguyễn Bá Thanh trò chuyện. Nguyện vọng của con là muốn được tiếp tục đến trường học để sau này có tương lai tươi sáng hơn, không phải sa đà vào lầm lỗi nữa”, em N.T.H (14 tuổi), học sinh lớp 8, trú ở quận Hải Châu (TP.Đà Nẵng) rưng rưng nói.
Thiên đường và thống khổ
Trong hai đợt gom thanh thiếu niên sa ngã trên địa bàn TP.Đà Nẵng có gần 500 em. Tất cả các em đều được chính quyền địa phương cho “mục sở thị” những nơi được mệnh danh là thiên đường và nơi thống khổ của thành phố. Đối lập với khung cảnh thần tiên, nơi hội tụ nhiều doanh nhân thành đạt, học hành đến nơi đến chốn, điểm thứ hai được chọn cho thanh thiếu niên sa ngã đến tham quan là Trại giam Hòa Sơn. Mục đích của việc đi tham quan trại giam là để các em được tận mắt nhìn thấy nỗi vất vả của những đối tượng phạm tội, có dịp suy nghĩ, chiêm nghiệm cuộc sống đằng sau song sắt trại giam và so sánh với nơi hào hoa tráng lệ. Cùng với việc tham quan thực tế chốn thiên đường và nơi thống khổ đó, các em được tiếp chuyện với người lãnh đạo cao nhất của thành phố: Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh. Với tư cách một người đứng đầu thành phố, chịu trách nhiệm về tương lai cũng như con đường đi lên trong sự nghiệp chung của cộng đồng, ông Nguyễn Bá Thanh chuyện trò gần gũi với các em như một người cha, người anh và người bạn. “Nếu phải bỏ tù các cháu, chú đau lắm. Trong cuộc đời con người ai cũng có lần phạm lỗi. Vấn đề là phải biết dũng cảm nhìn nhận lỗi lầm của mình gây ra, đừng đổ lỗi cho trời đất. Phải có đủ dũng khí để nhận ra cái sai, khắc phục nó và dần tiến bộ hơn. Đừng quay mũi dao hay giơ nắm đấm vào người dẫn lối cho mình đến nơi tốt đẹp”. Không khí hội trường lặng phắc, sau phút căng thẳng, những gương mặt vốn lầm lì như giãn ra, nhiều cặp mắt rưng rưng.
 N.Q.T (17 tuổi), trú quận Cẩm Lệ, từng vào tù vì tội trộm cắp, nay đã được nhận vào làm việc tại một công ty tư nhân trên địa bàn quận, nhờ sự tác động của công an khu vực. N.Q.T vui sướng cho biết: “Nhận tháng lương đầu tiên em sung sướng đến khó tả. Tan giờ làm việc, em chạy vội về đưa cho mẹ, thấy mẹ khóc em cũng muốn khóc theo. Đúng là sống bằng công sức, mồ hôi mình đổ xuống mới thấy hết giá trị cuộc sống.
“Con muốn được trở lại trường”
Đó là tâm tư của đa phần thanh thiếu niên hư đã được thu gom ở đợt 2 sau khi tham quan thực tế tại Trại giam Hòa Sơn và Trường Giáo dưỡng Số 3 (Bộ Công an).
Lâu nay, để “cải tạo” được một trẻ hư thay đổi tính cách luôn là vấn đề nan giải làm đau đầu cả phụ huynh, nhà trường lẫn cơ quan chức năng quản lý nơi thường trú. Thật bất ngờ, chỉ qua vài tiếng đồng hồ được trò chuyện thoải mái, không gò ép, không phân biệt quan dân, những thanh thiếu niên vốn chai lì với cuộc sống, vô cảm với nỗi đau của đồng loại xung quanh mình, luôn tạo ra vỏ bọc để náu mình nên rất khó tiếp cận, hoặc nếu có cũng khó để các em bộc lộ tâm tư; nhưng tại buổi tiếp chuyện thân mật này, gần như những chú ốc sên rụt rè tự chui ra khỏi lớp vỏ bọc cứng cỏi, thô ráp. Có nhiều em bộc bạch cả hoàn cảnh dẫn đến hư hỏng khiến nhiều người không khỏi xót xa. Em N.T.Hoàng (17 tuổi) ở quận Sơn Trà, trải lòng: “Vì gia đình quá nghèo, không có tiền đóng học phí nên con bỏ học hơn 1 năm rồi. Nhà có 4 người nhưng phải chui rúc trong căn nhà thuê rách nát rộng chưa tới 14m2, để có tiền con phải đi ăn cắp, rồi con theo bạn bè xấu. Bây giờ con chỉ mong các bác tạo điều kiện cho gia đình được thuê chung cư để ở, con hứa sẽ đi làm thuê để được trở lại trường học”. Còn em D.Q.H ở quận Thanh Khê, bày tỏ: “Con muốn được giúp đỡ để trở lại học lớp 6. Mặc dù đã bỏ học 5 năm nhưng con nhất định sẽ quyết tâm để theo kịp chương trình”.
Ông Phan Duy Huấn, cán bộ phụ trách hỗ trợ thanh thiếu niên hư thuộc Hội Cựu chiến binh thành phố cho biết: “Trong số 188 em lập danh sách giáo dục lần này, hội nhận 68 em để giúp đỡ. Ngoại trừ một vài trường hợp gia đình không hợp tác, còn lại đa phần các em đều rất có thiện chí trong việc phục thiện. Những em mới bỏ học thì đều đề đạt nguyện vọng đi học lại văn hóa, các em khác đều xin học nghề. Để hỗ trợ các em một cách thiết thực, chúng tôi đang lập danh sách hỗ trợ xe đạp cho các em tới lớp và phương tiện học nghề theo nguyện vọng. Bên cạnh đó, hội cử hội viên đưa đón các em tới trường để tránh sự rủ rê của bạn xấu, đồng thời cho các em quen lại trường lớp, không mặc cảm tự ti”.
Cách đây hơn 2 năm, mỗi khi nhắc đến N.V.T (1993), nhiều người dân ở Liên Chiểu đều lắc đầu bảo: Chỉ có phép thần mới kéo nó ra khỏi quán nét. Điều nghi ngờ ấy hẳn có căn cứ bởi T. có thể thức thâu đêm suốt sáng, cắm mặt lên máy tính chơi game. Đến lúc không có tiền cống nạp vào trò đen đỏ, T. đi ăn trộm. Trước tình hình đó, Công an phường và Hội Cựu chiến binh thuyết phục  T. đi học nghề từ nguồn tiền hỗ trợ của Thành đoàn. Nhắc lại quá khứ, T. bảo: “Không hiểu sao những ngày đó em sa đà mê game đến thế. Bây giờ em thấy hạnh phúc khi mỗi sáng khoác lên vai bộ áo quần công nhân đi làm để đỡ đần cuộc sống gia đình”.
Thượng tá Nguyễn Hữu Lài, Công an Đà Nẵng, người trực tiếp theo dõi thanh thiếu niên chậm tiến của thành phố bộc bạch: “Hành trình tìm lại chính mình đối với người lầm lỗi không phải ai cũng dễ dàng vượt qua, đặc biệt là với các cháu đang độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới này. Vì thế, chính sự vào cuộc của các đoàn thể, xã hội, gia đình và nhà trường đã góp phần giúp cho việc cảm hóa, giúp đỡ các em sa ngã được thuận lợi.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)