Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lời xin lỗi ấn tượng

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày Tết vừa qua, tôi đọc hàng chục lá thư của học sinh. Nói là thư nhưng thực ra là những dòng chia sẻ được học sinh viết vào tờ giấy A4, giấy tập hay mẩu giấy ghi chép hàng ngày để tôi hiểu các em hơn. Tiết học kỹ năng sống trong tuần cuối trước lúc nghỉ Tết, tôi đã truyền tải cho học sinh các lớp về Tết đoàn viên, Tết làm việc tốt… Và tôi dành 15 phút cuối giờ cho các em viết ra giấy suy nghĩ của mình, đó là lời tâm sự gửi cha mẹ (hoặc một người thân yêu), lời xin lỗi và cảm ơn đến một ai đó, những gì đã và chưa làm được trong học kỳ I cùng lời hứa trong học kỳ II, điều mình muốn nói (kể cả những điều khó nói) hay góp ý để tôi dạy tốt hơn… Thông qua những lá thư ấy, tôi sẽ hiểu học sinh, hiểu mình hơn; từ đó cố gắng làm được những gì có thể cho các em và hoàn thiện mình. Những ngày Tết rảnh rỗi, tôi đã đọc hết tất cả các bức thư ấy, được “gói” rất kỹ, thậm chí còn bấm ghim trước khi trao cho thầy.

Có một lá thư khiến tôi rất ấn tượng, là lời xin lỗi của một học sinh nữ. Đọc những dòng chữ của em, tôi hoàn toàn không một chút trách em; trái lại, tôi càng thương và quý em nhiều hơn. Em học sinh viết: “Thầy ơi! Em biết học trường tư tốn khá nhiều tiền nên em cố gắng học tốt để đền đáp công ơn của cha mẹ. Và em đã rất cố gắng. Tết em được về nhà với cha mẹ nhiều ngày (em học nội trú – tác giả) nhưng em có nhiều bài tập cần phải làm. Nhà em buôn bán tạp hóa, dịp Tết người mua rất đông nên em phải phụ giúp mẹ bán hàng. Vậy nên em phải làm bài tập của môn khác trong giờ thầy (nhưng em vẫn nghe và nhớ lời giảng của thầy). Em rất xin lỗi thầy về việc làm của mình. Mong thầy thông cảm cho em. Em cảm ơn thầy!”.

Những dòng tâm sự chân thật ấy khiến tôi càng quý và cảm ơn em đã viết ra những điều ấy (nếu em không viết thì tôi không biết em làm bài tập trong tiết dạy của tôi). Em có trách nhiệm với gia đình khi về nhà phụ mẹ buôn bán, đó là một “bài tập” thực hành rất đáng quý. Và tôi cũng rất hiểu cũng như cảm thông cho các em học sinh phải làm bài tập nhiều vào dịp nghỉ Tết.

Câu chuyện học sinh ăn Tết “cùng sách vở” là câu chuyện… dài tập khi nhà trường, thầy cô vẫn chưa chịu “cởi trói” cho các em. Bởi khi “cởi trói” kiến thức sách vở sẽ trao kiến thức thực tế cho học sinh. Lời xin lỗi của em nữ sinh trên sẽ là một lời xin lỗi ấn tượng sống mãi trong lòng tôi.

Hoàng Thái Hùng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)