Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lời xin lỗi trên đường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hôm vừa rồi, lúc chạy xe trên đường, có một thanh niên chạy vội lướt qua vướng tay thắng của tôi, suýt làm té nhào. Cũng may tôi chạy chậm, chắc tay lái nên không sao. Cứ ngỡ người thanh niên ấy chạy bỏ đi luôn nhưng anh ta dừng phía trước mặt đợi tôi tới gần rồi lễ phép xin lỗi mấy tiếng sau đó mới đi tiếp. Thực sự lúc đầu tôi rất bực nhưng nghe câu xin lỗi cũng cảm thấy mát lòng nên không khó dễ làm gì. Trước khi anh ta rời đi, tôi không quên nhắc: “Cháu nhớ đừng chạy nhanh quá ở khu vực đông người. Gây nguy hiểm cho mình và người khác”. Đem câu chuyện này kể với đồng nghiệp, ai cũng cho là chuyện hiếm. Bởi thanh niên bây giờ chạy xe rất háu, với lại ít khi nhận ra cái sai của mình.

Thực tế thì bây giờ, văn hóa giao thông rất kém (nhất là các bạn trẻ, luôn tự khẳng định mình bằng các kiểu lạng lách, bóp kèn inh ỏi, rồ ga, bốc đầu…). Người tham gia giao thông chỉ nghĩ đến mình mà không quan tâm đến những người xung quanh. Trong khi đó là cộng đồng, phải tương quan, tương tác nhau mới xây dựng được văn hóa giao thông tốt đẹp. Rất nhiều lần tôi gặp trường hợp người đang lái xe ném tàn thuốc vô người tôi, khạc nước miếng văng tứ tung như thể là nhà mình. Khi tôi thốt lên với vẻ khó chịu thì họ quay lại trừng mắt như muốn ăn tươi nuốt sống. Tôi thấy vậy nên từ đó thôi không dây dưa, nhịn cho lành. Bởi có những chuyện nhỏ nhặt thôi nhưng người ta gây nhau đến vô lý, thậm chí đánh nhau đến độ nhập viện, rồi người còn lại cũng tù tội. Ấy là do người sai không biết xin lỗi, và người đúng không xí xóa cho qua (khi thấy tình hình căng thẳng). Những lúc khó giải quyết, ai đó nên nhờ cơ quan chức năng can thiệp để tránh xảy ra những hậu quả khôn lường.

nh mang tính minh ha. Ảnh: I.T

Tuy nhiên, dù bất mãn với cách hành xử kém văn hóa khi tham gia giao thông ở một số người nhưng tôi vẫn tin vào giao thông nước nhà. Nếu mỗi cá nhân chúng ta tự thay đổi thì không bao giờ có chuyện cãi nhau, đánh nhau trên đường. Lời xin lỗi rất nhẹ, nhã nhặn, không gì đáng xấu hổ mà chúng ta phải ngại. Chẳng ai cười khi ta làm sai, khi ta xin lỗi mà thiên hạ chỉ cười vì ta chống chế để tỏ ra mình đúng.

Muốn thanh niên có văn hóa giao thông tốt thì người lớn tuổi phải làm gương, để con cháu noi theo, học hỏi. Duy trì nếp quen từ khi các bạn thanh niên còn là học sinh. Những bài học giao thông sinh động khi chở trẻ theo trên đường sẽ làm trẻ lưu tâm, ý thức. Cũng cần nói thêm, việc xin lỗi là cần thiết, đáng quý nhưng không nên lặp lại lần 2, lần 3. Vì như thế là chứng tỏ chúng ta không chịu sửa sai, mà chỉ dừng lại ở miễn cưỡng để không bị điều tiếng.

Trần Thái Học

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)