50 năm trước, khi đất nước tưng bừng chào đón ngày hòa bình thống nhất thì họ cũng vừa mới cất tiếng khóc chào đời. 50 năm sau, thế hệ ấy nay đã trưởng thành, đang nỗ lực hoạt động nghệ thuật, cống hiến hết sức mình cho xã hội và họ luôn tự hào vì được chào đời vào thời khắc huy hoàng của dân tộc Việt Nam…

Khẳng định tài năng
NSND Tấn Giao, sinh năm 1975 được mệnh danh là “Người lính trên mặt trận văn hóa nghệ thuật”. Cứ nhìn vào bảng thành tích của anh ai cũng phải nể phục: Huy chương vàng giọng ca cải lương năm 1991; huy chương vàng Liên hoan hình tượng người bộ đội năm 1996, huy chương vàng xuất sắc giải Trần Hữu Trang năm 1996; huy chương vàng “Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp miền Tây Nam bộ” năm 2003; huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, 2005, 2015, 2018, 2022; danh hiệu NSƯT năm 2007; danh hiệu NSND 2024…
NSND Tấn Giao là diễn viên trụ cột của Đoàn cải lương xung kích Trần Hữu Trang. Anh không quản ngại khó khăn, rất năng nổ nhiệt tình đi phục vụ đồng bào ở tận hải đảo, nông trường, miền quê xa xôi… Ở đâu, anh cũng hát bằng cả trái tim yêu nghề không khác gì một “người lính” lăn xả trên khắp các mặt trận văn hóa nghệ thuật. Vai Quân để đời của anh trong vở Rừng xưa – một người chiến sĩ sống thanh cao, anh dũng với tình yêu quê hương và đồng đội lớn lao. Tuy về già, bị mù hai mắt do chiến tranh cướp đi, nhưng Quân vẫn nuôi dưỡng đứa con của đồng đội nên người. Hay vai vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong vở Tổ quốc nơi cuối con đường bằng lối diễn dung dị mà đầy thần thái chinh phục người xem.
NSND Tấn Giao tâm sự: “Là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi luôn có ý thức hướng về cội nguồn nên đã chọn cho mình những vai diễn về hình tượng người chiến sĩ bộ đội, anh hùng vị quốc vong thân để phát triển sự nghiệp. Thế hệ chúng tôi may mắn sinh ra đúng thời khắc đất nước hòa bình, thống nhất và trưởng thành trong thời đổi mới nên tôi đủ tự tin nói rằng, thế hệ của mình sẽ luôn biết góp sức cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, của thành phố dù đang làm bất kỳ ngành nghề nào…”.

Nhạc sĩ Giáng Son là con gái của nhà giáo nhân dân – nhạc sĩ – nhà nghiên cứu chèo Hoàng Kiều và nghệ sĩ chèo Bích Ngọc. Sinh năm 1975 trong gia đình đầy ắp những làn điệu chèo, Giáng Son đi vào âm nhạc như một lẽ tự nhiên. Ngoài các ca khúc đầu tiên như Sóng, Mưa, Anh, Xuân Hà Nội đã đoạt giải tác giả trẻ xuất sắc trong Liên hoan các ban nhạc sinh viên 1998, Giáng Son còn lập ra một nhóm nhạc 5 Dòng Kẻ nổi tiếng trong và ngoài nước. Năm 2010, Giáng Son là nữ nhạc sĩ duy nhất được vinh danh tại chương trình “Con đường âm nhạc” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Chị cũng được mời làm ban giám khảo rất nhiều cuộc thi âm nhạc có uy tín. Rất nhiều ca khúc của Giáng Son được trao giải thưởng “Bài hát Việt”, “Làn sóng xanh”, “Cống hiến”… Hiện, Giáng Son có gần 100 ca khúc và trên 20 tác phẩm khí nhạc từ Prelude đến giao hưởng, chị cũng là một trong số hiếm hoi các nhạc sĩ nữ thành công trong lĩnh vực sáng tác.
Là đôi song sinh nên lúc mới sinh ra, Minh Tú – Minh Thư (nhóm Tam ca Áo Trắng) đã được cha mẹ đặt tên là Hòa và Bình để ghi nhớ thời điểm lịch sử của đất nước, tên này lúc nhỏ vẫn thường được gọi ở nhà. Do có năng khiếu và yêu ca hát, những năm học phổ thông ở Trường Trung học Thạnh Mỹ Lợi (nay là trường Gia Định) cả ba chị em Tuyết Ngân, Minh Tú, Minh Thư là “cây” văn nghệ của nhà trường. Từ đây đã hình thành nên nhóm Tam ca Áo Trắng với phong cách rất học trò qua những bài hát khá dễ thương như Quỳnh hương, Góc phố dịu dàng, Phố xa, Vào hạ… được giới trẻ rất yêu mến đồng thời được trao tặng giải nhất Tiếng hát phát thanh vào năm 1992. Nhóm đã có một thời gian dài gắn bó với CLB Ca khúc trẻ Thành đoàn, Hội Sinh viên, có mặt trên từng cây số trong tất cả các chương trình tình nguyện, đồng hành cùng tuổi trẻ thành phố mang tên Bác Hồ. Tuy không được chứng kiến và tham gia vào cuộc chiến hào hùng của dân tộc, nhưng trong Minh Tú – Minh Thư luôn ấp ủ niềm tự hào với những gì mà nhân dân mình đã giành được, đã xây dựng được.
Luôn cống hiến hết sức mình!
Ngoài ca hát, NSND Tấn Giao cũng chăm chỉ làm từ thiện, anh đi khắp mọi miền đất nước để giúp đỡ đồng bào nghèo, bất hạnh, hát phục vụ các học viên trại cai nghiện bởi theo anh, người nghệ sĩ làm công tác xã hội chính là làm đẹp cho đời. “Cha ông đã chiến đấu để cho chúng ta có cuộc sống bình yên mà làm việc, vì vậy tôi luôn cố gắng hết sức mình, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua để làm được những công việc hữu ích cho đời…” – NSND Tấn Giao cho biết như thế.

Đôi song sinh Minh Tú – Minh Thư cũng đã tham gia biểu diễn hàng trăm các chương trình văn nghệ tình nguyện, các chuyến đi từ thiện giúp đỡ đồng bào nghèo, các em thiếu nhi vùng sâu – vùng xa bởi họ luôn tự nhủ, tuổi trẻ thì phải biết cống hiến bằng chính sức lực của mình. Mỗi khi hát những ca khúc truyền thống như Đất nước trọn niềm vui, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố trẻ… vào mỗi dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, Minh Tú – Minh Thư cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào.
Nhạc sĩ Giáng Son cho biết: “Làm sao chúng ta có thể trả hết công ơn to lớn của những người đã ngã xuống vì đất nước này. Trước đây tôi đã từng sáng tác ca khúc Nhớ ơn được nhóm 5 Dòng Kẻ biểu diễn trên rất nhiều sân khấu ca nhạc. Đó là ca khúc nhắc nhở thế hệ trẻ nhớ công ơn của những người đã ngã xuống và cả những nỗi đau thời hậu chiến. Ca khúc Trường Sa trong tim ta tôi sáng tác trong chuyến đi Trường Sa mà tôi được Bộ Tư lệnh Hải quân mời vào năm 2013 cũng là một ký ức không bao giờ quên của tôi. Cá nhân tôi luôn ý thức được việc phải lao động nghệ thuật chân chính để xây dựng đất nước này mạnh giàu hơn”.
Nữ nhạc sĩ chia sẻ: “Tôi rất may mắn vì được lớn lên trong hòa bình, được theo học và đi vào lĩnh vực nghệ thuật mà mình yêu thích. Tôi ước mong đất nước ngày càng phát triển, nền âm nhạc nước nhà có những bước phát triển mới để các nhạc sĩ như tôi có nhiều cơ hội đóng góp năng lực. Tôi luôn quan tâm đến những bước hoạt động và phát triển của các nhạc sĩ trẻ, ca sĩ trẻ bởi vì chính họ là tương lai của nền âm nhạc Việt Nam…”.
Anh Khôi
Bình luận (0)