Y tế - Văn hóaThư giãn

Lớn lên cùng con

Tạp Chí Giáo Dục

Bổn phận, trách nhiệm của bậc sinh thành là cưu mang chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ cho con em mình đến ngày trưởng thành. Con ở trường được học văn hóa, được tiếp xúc bạn bè, thầy cô, mỗi ngày con sẽ lớn khôn theo những gì con được học. Con ở nhà, mẹ cha sẽ là tấm gương sáng cho con noi theo, và hơn hết có lẽ là người mẹ, người mẹ sẽ có một vai trò quan trọng trong từng bước tiến khi con vào đời.

Mới ngày nào đó, con còn khóc nhè khi vào trường mầm non, rồi con lạ lẫm với môi trường tiểu học. Theo tháng năm con đã biết ý thức được việc đúng việc sai. Chị nhìn con trai lớn lên mà lòng cảm thấy vui mừng và tự hào. Con mình bây giờ đã chuẩn bị vào trung học rồi, chị nhìn con với ánh mắt hạnh phúc, rồi chập chờn trong suy nghĩ rằng “Mình cần phải làm gì đây, để cho con vững bước cuộc hành trình bắt đầu tự lập, để trở thành một thiếu niên có kỹ năng sống nhất định?”.

 Chị cảm thấy bản thân mình có quá nhiều ưu tư. Mỗi ngày, chị bận bịu quá nhiều việc ở nơi cơ quan công tác, cơm áo gạo tiền luôn là mối bận tâm với một gia đình vốn chông chênh về kinh tế. Chị không có điều kiện đưa con đến những lớp năng khiếu ngoài giờ, đường phố thì đông đúc, học phí thích hợp thì lại vướng giờ đưa rước. Có quá nhiều lý do, khiến cho những mong muốn của chị, không thể hoàn thành. Đêm nằm, gác tay lên trán, không lẽ mùa hè này mình không cho con được gì, ngoài những bộ phim hoạt hình? Bài toán tưởng chừng như rất nan giải.

Chị cứ suy nghĩ mãi, bằng cách nào đó chị phải cho con chị những bước vững vàng cần thiết để bước vào đời. Để khi nào đó, dù chị tất bật với công việc, với những nỗi lo không nói thành lời, hay ốm đau phải cần nghỉ ngơi thì con chị sẽ là nơi cho chị cậy nhờ. Có lẽ, việc thương con ngày nay đang dần khiến cho các bà mẹ cưng con quá mức, mà phải ôm hết công việc nhà vào người, cơm bưng nước rót cho con, chỉ cần con học hành nghiêm túc, mang về bằng khen là đủ rồi. Chị đã từng thấy có rất nhiều đứa trẻ, con của những người bạn chị, cái quần cái áo mặc đi học mỗi ngày cũng phải đợi mẹ sắp xếp, hay giấc ngủ, bữa ăn cũng phải đợi mẹ nhắc nhở. Cái chổi chưa biết cầm thế nào để phụ mẹ quét nhà, hay nấu nồi cơm khi cơn mưa chiều làm cho mẹ về không kịp. Trẻ con bây giờ không biết vì lý do gì, mà dùng điện thoại thông minh, hay máy tính rành hơn cả người lớn. Một vài công việc giản đơn giúp mẹ trong nhà thì không biết, đôi khi còn cau có khi mẹ nhờ mẹ bảo.

Chị nhớ lại ngày xưa, tuổi thơ của chị khi còn là học sinh lớp 3, lớp 4, thời gian đó còn nấu cơm bằng bếp củi, mà chị đã biết canh lửa cho cơm vừa chín, biết ăn xong là tự rửa chén, quét nhà phụ mẹ. Đang mải chơi nhảy lò cò, đánh đáo ngoài ngõ nhưng canh giờ mẹ đi chợ về, là chạy vào phụ mẹ nhặt rau ngay. Việc học luôn tự giác mà không phải học thêm, hay đợi mẹ chỉ bảo. Rồi cứ như vậy theo ngày tháng phụ mẹ ở bếp, lớn lên tới khi vào phổ thông trung học là chị đã rành tất tần tật, tất cả các món ăn của gia đình. Để rồi khi trưởng thành vào đại học, xa gia đình lên thành phố học tập để kiếm nghề nuôi tấm thân, thì chị biết chắt chiu từng đồng tiền mẹ cho, hay kiếm được từ tiền đi làm thêm mà học hành những năm sư phạm. Chị và vài người bạn thời sinh viên ấy, ai cũng biết nấu ăn và đi chợ, và trong số họ đều có nếp sống từ làng quê giống chị. Nghĩ đến những gì người mẹ của chị đã dành cho chị, yêu thương được tính bằng sự dạy dỗ kỹ năng mềm để sống, chứ không phải chỉ là ngồi để người khác phục vụ. Có câu nói rất hay của mẹ chị luôn dặn dò chị: “Muốn phục vụ cho xã hội này tốt thì trước tiên con cần biết tự phục vụ bản thân, giữ gìn sức khỏe, và yêu thương bản thân mình, thì con mới có thể đem sức lực – trí lực hoàn hảo của mình để phục vụ cho cuộc sống này”. Câu nói ấy đã đi theo chị suốt chiều dài của việc học làm nghề, làm người, đem yêu thương để trao từng con chữ, điều lễ giáo đến với những mầm xanh của đất nước.

Nghĩ đến tổng quan của hiện thực và quá khứ, điều đó đã giác ngộ trong chị một tư tưởng giáo dục, trước hết là với đứa con trai đầu của chị. Đứa con chị rất cưng chiều từ cái chân răng đến kẽ tóc.

Chiều hôm nay, chị về nhà, dưới cơn mưa hè đột ngột, chị gọi con ra:

– Hiệp ơi, mẹ đã về rồi nè! Trời mưa đột ngột quá khiến mẹ như muốn cảm rồi. Ra giúp mẹ một tay nào!

– Dạ, con ra liền.

Chị đợi con ra và trao cho con xách túi thức ăn vào nhà. Trong lúc đó, chị nói với con:

– Mùa hè năm nay, con không phải đi học thêm môn học nào, mà hãy giúp mẹ, cùng mẹ làm công việc nhà. Con nghĩ như thế nào!

– Con thích lắm. Hôm nay mẹ chỉ con nhặt rau đi.

– Mỗi ngày mẹ sẽ chỉ cho con một ít, nhặt rau, rửa chén, quét nhà, bấm máy giặt, phơi đồ. Con học xong tiểu học rồi, sang trung học cơ sở con cần phải biết những công việc của gia đình để có thể áp dụng vào bài học của mình. Thay vì đến trường để học các kỹ năng cần thiết cho những cấp học về sau. Thì hôm nay con hãy vào bếp cùng mẹ. Sẽ có nhiều cái hay để khám phá.

– Dạ, mẹ ơi, nhặt rau muống như thế nào đây mẹ.

– Ngồi xuống đây, mẹ chỉ cho, nhìn mẹ nhặt nhé. Con thấy mẹ nhặt như thế nào?

– Con thấy mẹ bỏ lá sâu, lá vàng, lá úa, và phần cuối của cọng rau.

– Con biết vì sao phải bỏ phần cuối cọng rau muống không?

– Dạ không!

– Vì cọng rau đó bị già, ăn sẽ rất cứng và dai nên mẹ bỏ. Giờ con biết cách nhặt rau chưa?

– Dạ biết.

– Vậy mẹ sẽ đi chiên cá trong thời gian con nhặt rau nha!

Công việc vào bếp cứ thế, mỗi ngày luân chuyển với nhau, khi mẹ nấu cơm thì con trai rửa bát, khi con trai quét nhà thì mẹ lau nhà, khi mẹ dọn cơm thì con trai sắp đặt bàn ăn, khi mẹ thay ga gối thì con trai thay ga giường. Mỗi công việc, chị tường tận chỉ bảo con, hoặc vừa làm vừa sửa, vừa nói cho con nghe ý nghĩa của sự lao động. Chị làm điều đó như một người mẹ, một người thầy, người cô dạy bảo con lý thuyết đi đôi với thực hành. Có như vậy, nên việc tiếp thu các bài học của con chị nhanh thấy rõ, chị cảm nhận được rằng không một người thầy cô nào ở trường có thể truyền đạt kiến thức nhanh, và dễ hiểu đến vậy. Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của con trẻ, quả đúng không sai chút nào. Công việc mỗi ngày cứ thế thành thói quen mà không phải nhắc nhở hay chỉ bảo, la rầy, hay than phiền. Khi xong hết tất cả công việc con trai chị sẽ được giải trí bằng một tập phim hay, hoặc vài trang sách. Cho đến giờ chuẩn bị đi ngủ, thì tự giác vệ sinh răng miệng. Hình như trẻ con rất thích được trải nghiệm các công việc của người lớn, quan trọng là chúng ta có đặt lên bàn tay của con những công việc để con đủ hiểu được giá trị của đôi bàn tay mình hay không? Chị nhìn con lớn mỗi ngày, qua việc tiếp thu công việc nhà, chị cảm thấy phần nào yên tâm, mình đã cho con mình điều gì đó của một đời người.

Sáng hôm nay là thứ bảy, chị bận một ngày học thêm tại một lớp chính trị hè, mùa hè của con cũng đã gần kết thúc. Khi chị bước ra khỏi nhà từ lúc sáng sớm, chị ghi lại trên mảnh giấy dán trên tủ lạnh những việc làm cho con. Chị dặn dò như thế nào, thì con trai chị làm theo điều ấy. Chiều về, nhìn cái kệ úp chén ngăn nắp, quần áo đã được lấy vô không bị mưa ướt, nhà cửa gọn gàng tươm tất. Chị nở nụ cười mãn nguyện. Mùa hè tuy ngắn nhưng chị đã dành thời gian lớn lên cùng con. Sẽ còn những mùa hè của những năm tháng tiếp theo, chị sẽ đi cùng con từng bước, để lớn lên theo các con ngày một ngày hai chập chững đi vào đời. Mùa hè, trôi qua thật nhanh trong những bài học tại gia đình sẽ là đôi cánh cho con bay cao vào môi trường của ngày mai rực rỡ.

H Xuân Đà
(Hi Nhà văn TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)