Một hoạt cảnh trong chuyên đề do học sinh thực hiện
Vừa qua, Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10, TP.HCM) đã tổ chức chuyên đề câu lạc bộ văn học “Bài học làm người” dành cho học sinh toàn trường. Chuyên đề diễn ra dưới sân trường ngay sau giờ chào cờ đầu tuần, là một chuỗi hoạt cảnh chuyển thể nội dung từ các văn bản văn học lớp 6 đến lớp 9, như Mẹ tôi (Ét-môn-đô-đơ A-mi-xi), Dế mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài), Chiếc lá cuối cùng (O-Henri), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu), Robinson ngoài đảo hoang (Daniel Defoe)… Theo đó, học sinh được “hóa thân” thành các nhân vật trong từng hoạt cảnh, từ đó rút ra những bài học bổ ích cho bản thân để trưởng thành hơn. Cụ thể, hoạt cảnh Mẹ tôi đã mang đến cho các em giây phút lắng lòng, ghi nhớ lời dạy của bố En-ri-co về tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Hoạt cảnh Chiếc lá cuối cùng giúp học sinh cảm được thông điệp: “Lòng nhân ái, sự quan tâm đến người khác là động lực mạnh mẽ giúp mỗi trái tim chúng ta luôn ấm nồng tình đồng loại. Hãy yêu thương, giúp đỡ nhau trong mỗi hoàn cảnh để thấy được cuộc đời tươi đẹp và đáng sống”… Em Lê Quỳnh Minh Vân (lớp 8/4) cho biết: “Nội dung chuyên đề bao gồm các câu chuyện hết sức gần gũi trong đời sống hàng ngày của chúng em. Thông qua các hoạt cảnh, chúng em đã hiểu sâu sắc về các bài học làm người. Làm con phải biết lễ độ, hiếu thảo với cha mẹ; khi ra ngoài xã hội biết quan tâm, yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh. Đặc biệt, lồng ghép trong đó là các tiết mục văn nghệ giúp cho chuyên đề sinh động, nội dung chuyển tải đến học sinh hiệu quả hơn”.
Chuyên đề câu lạc bộ văn học “Bài học làm người” được Tổ ngữ văn trong trường tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ II của năm học. Qua văn học, chuyên đề còn tích hợp kiến thức giáo dục công dân, tiếng Anh, lịch sử. Cô Nguyễn Thị Phượng Linh (Tổ trưởng Tổ chuyên môn văn) chia sẻ: “Việc tổ chức chuyên đề là một phần đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm mang đến những tiết học thực tế cho học sinh. Lối chuyển tải nội dung văn học qua hoạt cảnh đã thoát ra khỏi các văn bản lý thuyết trên lớp, tạo ra giờ học sinh động, học sinh rất thích thú. Ngoài đạt được những bài học đối nhân xử thế, học sinh còn được rèn các kỹ năng chia sẻ, đoàn kết, giao tiếp trước đám đông…”.
Trong khi đó, cô Trần Tuyết Sương (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho rằng: “Chương trình văn học hiện rất nặng, dàn trải trong nhiều mảng kiến thức, nếu không được định hướng thì học sinh sẽ cảm thấy mơ hồ và không áp dụng vào thực tế. Do đó, việc lấy ra một phần kiến thức nhấn mạnh vào bài học làm người sẽ giúp các em hiểu rõ giá trị thực từng bài học, từ đó học được nhiều bài học và áp dụng trong cuộc sống để trở thành học trò tốt, công dân có ích trong tương lai…”.
Theo cô Tuyết Sương, ngoài môn văn, hầu hết các môn học khác cũng có những giờ học qua chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
Minh Phương
Bình luận (0)